Hàng vạn du khách nô nức dự lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc

Lễ hội 04:34 16/09/2019 Trương Dũng
Tiếp nối Lễ tưởng niệm, tại khu vực đê sông Lục Đầu đã diễn chương trình diễn xướng “Hùng khí Lục Đầu giang," một điểm nhấn độc đáo của Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019.

Màn biểu diễn nghệ thuật diễn xướng 'Hùng khí Lục Đầu giang'. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Sáng 15/9 (tức ngày 17/8 âm lịch), tại di tích Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã tổ chức đại lễ tưởng niệm 719 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và khai hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019.

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng hàng vạn nhân dân, du khách thập phương đã về dự lễ.

Tại Lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu đã đọc diễn văn tưởng niệm ôn lại thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh khoảng năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần.

Từ nhỏ, ông đã nức tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn.

Vào thế kỷ 13, quân Nguyên Mông ba lần xâm lược nước ta (vào năm 1258, 1285, 1288).

Dưới sự lãnh đạo tài tình của vua tôi nhà Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, quân dân Đại Việt đã vượt qua muôn vàn khó khăn và thử thách “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” đã ba lần đánh tan hàng vạn quân Mông Nguyên xâm lược hùng mạnh, giành thắng lợi lẫy lừng, “tiếng vang đến phương Bắc, đến giặc cũng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên.

Ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi của nước Đại Việt đều có công lao to lớn của ông. Tên tuổi của ông đã gắn liền với những chiến công hiển hách ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng Giang... và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Không chỉ biết đến với vai trò là một nhà quân sự thiên tài, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn còn soạn hai bộ sách để dạy các tướng lĩnh đương thời là “Binh thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư" trong đó, nổi tiếng với bài “Hịch tướng sỹ” đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, làm lay động hàng ngàn tướng sỹ.

Dưới trướng của ông, nhiều bậc hiền tài đã hết lòng phò vua giúp nước như Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng… Tất cả đã tạo thành một đội quân hùng mạnh “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục” làm nên những chiến thắng vẻ vang, giữ vững nền độc lập thái bình cho đất nước.

Với công lao to lớn đó, ông đã được các vua Trần phong làm Đại vương và lập đền thờ khi còn sống tại Vạn Kiếp gọi là Sinh từ. Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý 1300, ông mất tại phủ đệ Vạn Kiếp.

Hơn 7 thế kỷ đã qua nhưng tư tưởng giữ nước “lấy dân làm gốc” cùng những tri thức quân sự, cách dùng người và lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại Vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, ông là một Thượng đẳng phúc thần, là Đức Thánh Trần.

Sau diễn văn tưởng niệm và văn tế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đại diện lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng nhân dân đã thành kính dâng hương tưởng niệm ông.

Các đoàn thuyền diễn lại cảnh hội quân trên sông Lục Đầu. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)

Tiếp nối Lễ tưởng niệm, tại khu vực đê sông Lục Đầu đã diễn chương trình diễn xướng “Hùng khí Lục Đầu giang," một điểm nhấn độc đáo của Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019.

Lần đầu tiên chương trình được tổ chức với quy mô hoành tráng, quy tụ 50 thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh Hải Dương được trang hoàng lộng lẫy và sự tham gia của khoảng 1.500 người dân là các diễn viên, võ sinh, bộ đội và nhân dân địa phương trong vai tướng lĩnh, quân sỹ.

Màn diễn xướng đã tái hiện lại ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông của quân dân nhà Trần trên 700 năm trước, ca ngợi công lao của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, qua đó góp phần tuyên truyền quảng bá những nét đẹp văn hóa của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Diễn xướng hội quân có 3 chủ đề: Quốc công Tiết chế phụng lệnh hội quân, Sông Lục Đầu bày thế trận; Hùng Khí Lục Đầu; Ca khúc khải hoàn.

Phần thứ nhất tái hiện cảnh Trần Hưng Đạo tập hợp 20 vạn quân tại Vạn Kiếp, bày và duyệt thế trận chặn đánh quân Nguyên Mông. Trên bờ các đội quân đối luyện; dưới sông, các đoàn thuyền hướng về đài duyệt quân nhận lệnh. Trên bộ, dưới sông, đội cờ, đội võ hò reo theo nhịp trống. Trên đài duyệt quân, Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đọc "Hịch tướng sỹ" động viên tinh thần chiến đấu của quân sỹ.

Phần thứ 2 của diễn xướng hội quân tái hiện chiến thắng ở trận Vạn Kiếp năm 1285 với các hoạt cảnh đấu võ thể hiện sự giao tranh quyết liệt giữa quân đội hai bên; cảnh Thoát Hoan chui vào ống đồng chạy trốn; cảnh các đoàn thuyền vây bắt thuyền quân Nguyên, hoạt cảnh tung lưới ngũ sắc bắt Phạm Nhan.

Phần cuối diễn xướng hội quân, các đoàn thuyền lần lượt tiến về khu trung tâm mang theo một biển chữ, ghép lại thành câu đối “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí; Lục Đầu vô thủy bất thu thanh."

Lần đầu tiên, diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu được tổ chức với quy mô lớn, hoành tráng, thu hút hàng vạn nhân dân và du khách thập phương quan tâm theo dõi.

Trước đó, đêm 14/9 (tức 16/8 âm lịch), tại di tích Đền Kiếp Bạc, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2019 đã tổ chức Lễ khai ấn và ban ấn Đền Kiếp Bạc cho nhân dân. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.

Ấn tại Đền Kiếp Bạc là ấn của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trên tấm phù ấn thường có 4 ấn là “Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn," “Quốc Pháp Đại Vương," “Vạn Dược Linh phù” và “Phi Thiên Thần Kiếm Linh phù” thể hiện riêng từng ý nghĩa như quyền uy, sức mạnh, sức khỏe.

Theo Vietnam+

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh nguyên tắc then chốt trong quan hệ với Mỹ 

Quốc tế  |  06:02 27/04/2024

Ngày 26/4, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong đó nhấn mạnh những nguyên tắc then chốt trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Thua Iraq, U23 Việt Nam tan mộng Olympic

Trong nước  |  05:50 27/04/2024

Thua Iraq 0-1 bởi quả phạt đền trong hiệp hai, Việt Nam dừng bước ở tứ kết U23 châu Á hôm 27/4.

Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trên không gian mạng

Cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Nhất là với giới trẻ, việc tiếp cận sớm và thường xuyên với internet, mạng xã hội mang lại nhiều tích cực giúp việc học tập, trao đổi, chia sẻ thông tin, cập nhật xu hướng, giao lưu văn hóa… nhanh chóng và thuận lợi hơn, song ở đó cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, hệ lụy khi các bạn trẻ tiếp nhận những thông tin tiêu cực, độc hại do sự hạn chế về nhận thức, kỹ năng gây ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ, hành vi, phong cách sống. Do vậy, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng nhằm lan tỏa những thông tin, lối sống lành mạnh, tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Từ đó, nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi về cách ứng xử có văn hóa trên không gian mạng, tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ internet và mạng xã hội.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC