14 năm gắn bó với ngành tài chính (1946 - 1960), “Tư lệnh” Lê Văn Hiến đã đi trọn chặng đường đầu tiên gian nan nhất nhưng cũng ý nghĩa nhất của ngành tài chính Việt Nam, chặng đường xây dựng một nền tài chính độc lập, tự chủ của một nước Việt Nam độc lập, tự lực, tự cường.
Trong vô vàn những trận tuyến cam go mà Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ngày đầu độc lập phải đối mặt, ngoài trận chiến với cái đói, cái dốt còn một cuộc chiến gian nan không kém đó là cuộc chiến… tiền tệ. Và một trong những vị “tư lệnh” góp công đầu trong cuộc chiến tiền tệ cam go hơn 70 năm trước, là Bộ trưởng Lê Văn Hiến.
Từ cuộc chiến khốc liệt
“Trận tuyến khốc liệt”, “cuộc chiến tiền tệ cam go”, “cuộc khủng hoảng hỗn loạn về mặt tiền tệ”, “hoàn toàn suy kiệt”… đó có lẽ là những cụm từ chính xác nhất để miêu tả nền kinh tế tài chính Việt Nam thời điểm năm 1945 khi chính phủ cách mạng lâm thời vừa mới tiếp quản.
Cố Bộ trưởng Lê Văn Hiến (trái). (Ảnh tư liệu)Ngân quỹ trung ương chỉ vỏn vẹn còn 1.250.000 đồng tiền Đông Dương, trong đó có tới 580.000 đồng tiền hào rách nát chờ tiêu hủy. Ngân sách Đông Dương mới thi hành thì đến tháng 8/1945 đã thâm hụt tới 185 triệu đồng, ngoài ra còn nợ các khoản tới 564 triệu đồng Đông Dương.
Ngân hàng Đông Dương thời điểm đó vẫn nằm trong tay tư bản thực dân và luôn tìm cách phá hoại ta về tài chính, tiền tệ. Thêm vào đó, khi vào nước ta quân đội của Tưởng Giới Thạch bắt nhân dân ta phải tiêu tiền Quan kim, Quốc tệ của chúng nhằm làm lũng đoạn nền tài chính quốc gia Việt Nam. Chưa hết, các nguồn thu ngân sách quá ít ỏi so với nhu cầu chi tiêu của chính quyền… Tình hình đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi nền kinh tế lúc đó vấp phải nạn lạm phát nghiêm trọng do từ năm 1940, phát xít Nhật tràn vào, buộc Pháp phải in thật nhiều tiền cho quân đội mình chi tiêu. Nếu như năm 1940 Ngân hàng Đông Dương chỉ lưu hành 216 triệu đồng, thì đến năm 1945 số tiền mặt ngoài thị trường đã tăng lên đến gần 2,5 tỉ đồng.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Thật không thể tưởng tượng một chính phủ sẽ vận hành như thế nào trước một nền tài chính hỗn loạn, ngân khố rỗng không và không có một đồng bạc của riêng mình.
Đến sự ra đời của ngành tài chính cách mạng
Nhưng một nhà nước không thể tồn tại vững chắc nếu không tạo dựng được cho mình một nền tài chính riêng, độc lập. Dù biết là rất khó nhưng ngay thời điểm cách đây 74 năm, Đảng, Chính phủ cách mạng và Bác Hồ đã xác định, phải cùng đồng thời thực hiện những nhiệm vụ cấp bách. Đó là một mặt phải tập trung xây dựng củng cố chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân để bảo vệ và giữ vững nền độc lập tự do, nhanh chóng khôi phục sản xuất, thực hành tiết kiệm, giải quyết hậu quả của nạn đói, lũ lụt và phát động phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ..., mặc khác phải từng bước xây dựng một nền kinh tế tài chính, tiền tệ độc lập, tự chủ, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của một nhà nước cách mạng. Đó cũng là nguyên cớ cho sự ra đời của ngành tài chính cách mạng Việt Nam.
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Tài chính để phục vụ mọi mặt chi tiêu của Chính phủ, xây dựng và quản lý việc thu chi ngân sách, từng bước xây dựng và phát triển nền tài chính tiền tệ của nước Việt Nam độc lập. Ngày 28/8 từ đó trở thành ngày truyền thống của ngành Tài chính Việt Nam.
Nhận thấy rõ những khó khăn của ngành tài chính trong buổi đầu của chế độ mới, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có nhiều cố gắng trong việc tìm ra những biện pháp tháo gỡ, như phát động “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”... huy động đồng bào cả nước hăng hái đóng góp tiền của, vàng bạc… ủng hộ chính quyền cách mạng. Dù vậy, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng thấy rõ rằng những biện pháp trên cũng chỉ là trước mắt, để có một nền tài chính độc lập, vững chắc, còn cần nhiều những giải pháp pháp lâu dài hơn thế.
Vị Bộ trưởng và đồng tiền Độc lập
Và một trong những giải pháp căn cơ, lâu dài, “việc cần làm ngay” đầu tiên của Chính phủ và Bộ Tài chính của nước VNDCCH, ngay từ 74 năm trước, đã được xác định là phải tạo dựng và phát hành được giấy bạc tài chính Việt Nam - đồng tiền Việt Nam. Bộ Tài chính được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó nhiệm vụ quan trọng và cơ mật này. Bộ trưởng Lê Văn Hiến là người tiếp nối Uỷ viên Chính phủ lâm thời Phạm Văn Đồng - giữ chức vụ “Tư lệnh” của ngành tài chính (từ tháng 3/1946 đến tháng 10/1958) lãnh trách nhiệm đầu tàu trong việc thực thi sứ mệnh này.
“Tư lệnh” Lê Văn Hiến đã đi trọn chặng đường đầu tiên gian nan nhất nhưng cũng ý nghĩa nhất của ngành tài chính Việt Nam. (Ảnh tư liệu)Trong bộ sách “Nhật ký của một Bộ trưởng” (NXB Đà Nẵng, 2004), tác giả - Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã ghi lại những hồi ức đặc biệt quý giá về những ngày ông được Đảng, Chính phủ, Bác Hồ giao trọng trách. Trong ký ức của ông: “Ngày 2/3/1946, ngày Hồ Chủ tịch công nhiên công bố thành lập Chính phủ chính thức gọi là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, ảnh hưởng rất lớn đối với trong nước, đặc biệt đối với ngoài nước. Chủ tịch Chính phủ là Hồ Chí Minh. Phó chủ tịch là Nguyễn Hải Thần. Cố vấn tối cao là Vĩnh Thụy.
Chính phủ gồm trên dưới 10 Bộ, trong đó có Bộ Tài chính mà Hồ Chủ tịch giao cho tôi trách nhiệm lãnh đạo. Tôi rất lo lắng, có trình lại với Cụ Chủ tịch: “Tôi thật tình chưa từng có kiến thức nào về công tác tài chính, một công tác phức tạp, khó khăn, có trách nhiệm nặng đối với đất nước, nếu lãnh trách nhiệm sợ không làm tròn nhiệm vụ”.
Hồ Chủ tịch nói ngay: Cứ mạnh dạn nhận nhiệm vụ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhất định sẽ thành công!
Thế là từ thời điểm ấy, tôi nhận nhiệm vụ ở Bộ Tài chính, từ biệt Bộ Lao động mà tôi đảm đương chưa được một năm.
Bàn giao công việc cho tôi là đồng chí Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ Lâm thời. Trong các nhiệm vụ bàn giao có việc tổ chức bộ máy in bạc để phát hành tờ bạc Việt Nam độc lập, tức là tờ bạc Cụ Hồ mà nhân dân ta đã gọi một cách trìu mến”
Tuy nhiên, do hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề lúc đó, việc để in ra được đồng bạc giấy không hề là điều dễ dàng. Cũng trong hồi ký của mình, Bộ trưởng Lê Văn Hiến chia sẻ: “Ta tranh thủ mua sắm đủ máy móc, vật liệu chuyển ra ngoài Hà Nội và đưa dần lên Việt Bắc để xây dựng hai nhà máy: Nhà máy in bạc ở Bản Thi và Nhà máy sản xuất giấy ở Chợ Chu. Vài ba tháng sau, ta đã tiến hành việc in bạc Cụ Hồ cung cấp cho các tỉnh từ Bắc chí Nam (kể cả Nam bộ)”.
Thời điểm đó, việc in và phát hành tờ bạc Việt Nam thành công có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội vô cùng to lớn. Từ đây đất nước ta có một đồng tiền riêng do chính chúng ta in và phát hành. Tờ bạc Việt Nam là biểu tượng cho nền độc lập, tự do, khẳng định vai trò, vị thế và chủ quyền của một quốc gia độc lập về kinh tế, tài chính tiền tệ chấm dứt thời kỳ dài lệ thuộc và bị chi phối bởi đồng tiền Đông Dương do thực dân Pháp phát hành.
Những năm sau này, khi toàn quốc kháng chiến, trận tuyến tiền tệ của Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến cũng không bớt phần gian nan. “Trong vài ba năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ta hoàn toàn phải nhờ vào việc in bạc Cụ Hồ để giải quyết chi tiêu tài chính của Nhà nước. Nhưng dùng in bạc để chi tiêu tất nhiên dẫn đến lạm phát, Nhà nước ta lại phải đứng trước khó khăn mới là đồng tiền bị mất giá. Để cứu vãn tình hình, ta phải chuyển sang chính sách dùng thuế khóa để đảm bảo chi tiêu. Tác dụng lớn trong lúc này là chính sách thuế nông nghiệp thu bằng thóc và tạm trọng lượng một phần bằng thóc. Cũng trong thời gian này, ta được các đồng chí chuyên gia Trung Quốc sang giúp chấn chỉnh nền tài chính, nên đã dần dần thoát ra khỏi nạn lạm phát và phát triển thuận lợi dần” - Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến chia sẻ trong nhật ký của mình.
14 năm gắn bó với ngành Tài chính (1946 - 1960), “Tư lệnh” Lê Văn Hiến đã đi trọn chặng đường đầu tiên gian nan nhất nhưng cũng ý nghĩa nhất của ngành tài chính Việt Nam, chặng đường xây dựng một nền tài chính độc lập, tự chủ của một nước Việt Nam độc lập, tự lực, tự cường. Cả cuộc đời mình, vị Bộ trưởng - con người ấy đã sống đúng với 5 điều mà Bác Hồ đã răn dạy người làm cách mạng: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Ông thực sự xứng đáng với danh xưng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng dành tặng: “Một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm”./.
Theo VOV
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.