Giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa

Môi trường - Đô Thị 05:38 02/07/2019 Bích Huệ, Thế Trang
Chất thải nhựa phổ biến nhất được sử dụng và loại thải hàng ngày là túi nylon. Vì sự tiện lợi nên việc sử dụng túi nylon đã trở thành thói quen khó thay đổi của nhiều người, nhất là các bà nội trợ.

Người tiêu dùng nên thay đổi thói quen sử dụng túi nylon trong đựng hàng hóa bằng các vật dụng thân thiện với môi trường. Ảnh: Thế Trang

 

Theo các nhà khoa học, quá trình phân hủy của một chiếc túi nylon có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Sự tồn tại của túi nylon trong môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nylon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa thải ra biển mỗi ngày. Ở Hà Nam, hiện chưa có thống kê về lượng rác thải nhựa hàng năm, nhưng thử làm một phép tính đơn giản, nếu mỗi ngày, một hộ gia đình sử dụng và thải ra ít nhất chỉ 1-2 túi nylon, thì một năm tổng lượng túi nylon trở thành rác đã không hề nhỏ. Trong những năm gần đây, lượng rác thải túi nylon, đồ nhựa dùng một lần không ngừng tăng lên, gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động vì khâu thu gom, xử lý chất thải nhựa chưa được bài bản.

Trước những tác hại của việc sử dụng túi nylon và chất thải nhựa dùng một lần, nhân ngày Môi trường thế giới năm nay, tỉnh ta kêu gọi cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị và toàn thể cộng đồng tích cực tham gia vào chuỗi hoạt động bảo vệ môi trường bằng các hành động cụ thể. Trong đó, quan tâm phát động và thực hiện phong trào nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng túi ni-lon, đẩy mạnh hoạt động phân loại rác tại nguồn và có biện pháp thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tích cực tham gia hưởng ứng và thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Duy Tiên đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, vận động hội viên sử dụng các vật liệu thay thế túi nylon. Hội Phụ nữ xã Duy Minh (Duy Tiên) là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cuộc vận động này. Tuy nhiên, do thực hiện mang tính chất phong trào nên kết quả không được như mong muốn. Bà Chu Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Duy Tiên cho rằng: Hình thức để kêu gọi hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng một lần là tuyên truyền, vận động. Có điều, để thay đổi một thói quen thật không hề đơn giản. Túi nylon là vật phẩm tiện dụng, được dùng phổ biến trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình, nên dù biết những tác hại của nó đối với sức khỏe của con người và môi trường tự nhiên, nhưng không phải ai cũng quyết tâm “nói không” với đồ nhựa sử dụng một lần. Tôi cho rằng, giải pháp cho vấn đề này không chỉ là kêu gọi sự hưởng ứng mà cần phải có sự chung tay của cộng đồng, trong đó có các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực để thay thế đồ nhựa dùng một lần. Hội sẽ tiếp tục vận động hội viên sử dụng các vật dụng như: lá dong, lá chuối… để bao gói thực phẩm thay thế cho túi nylon.

Giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đe dọa đời sống dân sinh là vấn đề không thể chỉ làm trong ngày một ngày hai. Thời gian qua, việc thu gom rác thải nhựa vẫn được nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện thông qua hoạt động phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đến nơi, đến chốn. Nguyên nhân một phần là do hoạt động theo phong trào nên địa phương nào làm quyết liệt thì hiệu quả được nâng cao, còn không thì ngược lại.

Rác thải nhựa chưa được phân loại trước khi thu gom.

 

Có thể nói, để giảm thiểu rác thải nhựa cần sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, nhất là sự vào cuộc chủ động, có trách nhiệm của hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, cần một giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Đó là, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; phát triển công nghệ tái chế ít gây ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện thực tế. Bổ sung, hoàn thiện quy định về quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải nhựa nói riêng. Vì, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, việc phân cấp quản lý theo dõi, giám sát công tác thu gom, vận chuyển rác thải còn nhiều khó khăn; việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát khối lượng rác thải chưa được thu gom về nhà máy xử lý có lúc chưa triệt để. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa, hướng tới chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, vật liệu nhựa được tái chế, tái sử dụng theo chu trình liên tục; khuyến khích sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường…

Bích Huệ

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO

Kinh tế  |  05:38 23/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh

Đời sống  |  05:29 23/11/2024

Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC