Đã xa rồi cái thời "con trâu đi trước, cái cày theo sau"; cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp cũng đã có những bước đột phá quan trọng. Nhiều mô hình cánh đồng công nghệ cao đã hình thành và ngày càng được nhân rộng. Ở đó, người nông dân áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa... nhằm tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, Hà Nam đã và đang xuất hiện thế hệ nông dân thời đại mới với trình độ, kiến thức, sự năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa công nghệ vào thửa ruộng, mảnh vườn để gia tăng giá trị sản phẩm. Rất dễ để gặp những nông dân thời @ với chiếc điện thoại thông minh ứng dụng công nghệ cảm biến điều chỉnh độ ẩm, ánh sáng cho những luống hoa, cây trái. Rồi những vườn rau công nghệ cao, máy bay phun thuốc không người lái... là thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Rõ ràng, nhiều nông dân Hà Nam đã nhận thức rõ xu thế tất yếu của nông nghiệp 4.0 trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Hơn ai hết, bản thân họ nhìn rõ tiềm năng rất lớn của chuyển đổi số trong nông nghiệp khi được sự ủng hộ cao từ các bộ, ngành cho đến những doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp. Đặc biệt, chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa vị thế của người nông dân lên tầm cao mới. Nói như bà Đỗ Thị Mai Phương, Phó giám đốc HTX Dược thảo Minh Đức (xã Công Lý, Lý Nhân): Làm nông nghiệp công nghệ cao không phải là sản xuất trong nhà kính mà là sự kết hợp công nghệ vào tất cả các khâu sản xuất...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), chương trình chuyển đổi số đã có tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế; trong đó, có sản xuất nông nghiệp. Theo đó, người dân đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Hướng đi này giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tiếp cận nhanh với thị trường, người tiêu dùng.
Cũng như HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du, nhiều mô hình sản xuất cây trồng đang đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ. Mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của HTX Dược thảo Minh Đức (xã Công Lý, Lý Nhân) áp dụng máy móc ở hầu hết các công đoạn từ cấy phôi giống đến quá trình trồng chăm sóc. Trong nhà trồng, HTX lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ, máy kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm bảo đảm phù hợp để cây nấm phát triển tốt nhất. Sản phẩm khi đưa ra thị trường với đầy đủ tem, nhãn truy xuất nguồn gốc in trên bao bì, nên đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện, sản phẩm của HTX được tiêu thụ khá mạnh trên hệ thống thương mại điện tử.
Mặc dù, mới được đầu tư xây dựng năm 2023, nhưng mô hình trồng dâu tây trong nhà màn có tổng diện tích 1.800m2 được lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương tự động tại HTX Nông nghiệp hữu cơ Trác Văn đã bước đầu phát huy được hiệu quả. Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ bằng kênh thương mại điện tử qua Fanpage Ichigo Farm. Chị Phạm Thị Ngọc Bé, chủ mô hình trồng dâu tây chia sẻ: Dâu tây là loại cây trồng hoàn toàn mới, có những đặc thù riêng so với sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh. Để cây dâu tây có thể phát triển và tiếp cận được với thị trường, cơ sở đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thông qua các sàn thương mại điện tử...
Có thể khẳng định, những kết quả đã đạt được trong công cuộc số hóa của ngành nông nghiệp những năm qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo ông Trương Quốc Hưng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp chưa đạt kết quả như kỳ vọng, vẫn còn không ít khó khăn do một bộ phận nông dân chưa thay đổi nhận thức, cách làm việc, chưa chuyển “từ ruộng lên không gian số”. Bên cạnh những rào cản từ hạ tầng cơ sở cho sự phát triển, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng quá trình số hóa là một thách thức không nhỏ... Do vậy, để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số của tỉnh; hướng tới nền kinh tế số phát triển toàn diện và bền vững, thời gian tới, các ngành, địa phương trong tỉnh cần quan tâm đến chính sách đầu tư, phát triển hạ tầng số; đồng thời, nâng cao trình độ người nông dân về chuyển đổi số.
Nói cách khác, muốn xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, thịnh vượng, phải hình thành được tầng lớp nông dân 4.0 với đầy đủ kiến thức, kỹ năng hòa nhập với xu thế chung của sự phát triển. Theo đó, mỗi người nông dân, nhất là nông dân trẻ cần nhận thức đầy đủ về vai trò chủ thể của mình trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, học hỏi, nâng cao trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người nông dân cần coi sự thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ là đòi hỏi tự thân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tạo sức vươn mạnh mẽ để bắt kịp dòng chảy của công nghệ số. Tuy nhiên, để có những nông dân 4.0, cần có sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương, các sở, ngành chức năng. Qua đó, khuyến khích nông dân tận dụng tốt nhất cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong nông nghiệp được coi là tất yếu, là giải pháp đột phá để giải bài toán năng suất, phát triển bền vững và luôn nhận được sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước... Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017, Chính phủ đã đặt ra các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chỉ đạo dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng nguồn vốn huy động từ các ngân hàng thương mại nhà nước để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn so với lãi suất thị trường. Đặc biệt, nông nghiệp cũng được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực được nhấn mạnh ưu tiên chuyển đổi số được đề cập tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trọng tâm của Hà Nam trong những năm tới là phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Mục tiêu của ứng dụng công nghệ số là đẩy nhanh tiến trình tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Thực hiện: Minh Thu – Mạnh Hùng Thiết kế: Đức Huy
Ngày 4/4 (7/3 năm Ất Tỵ), chùa Hoa Lâm, thôn Đồng Tâm, xã Đồng Du (Bình Lục) tổ chức khánh thành ngôi Đại hùng Bảo điện.
Ngày 5/4/1975, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền nam trước mùa mưa, cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Quân khu 5, được thành lập. Bộ đội Trường Sơn tập trung lực lượng khẩn trương vận chuyển quân và hàng hóa vào miền nam.
Bệnh dại trên đàn chó, mèo tiếp tục có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Từ đầu năm đến nay, tại 13 tỉnh, thành phố đã xuất hiện các ổ dịch dại trên đàn chó, mèo. Theo dự báo khả năng bệnh dại sẽ tiếp tục phát sinh ở các tháng trong năm, nhất là trong mùa hè. Do vậy để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi và sức khỏe người dân, hiện các địa phương trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo và triển khai tiêm vắc-xin ngăn ngừa bệnh dại trên đàn chó, mèo.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.