Công bố 02 kỷ lục thế giới và 10 kỷ lục Việt Nam tại Đại lễ Vesak 2019

Đại lễ Phật đản Vesak 05:50 15/05/2019 Điện tử
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) 2019 diễn ra từ ngày 12 - 14/5 (tức 8 - 10/4 Kỷ Hợi), tại Khu du lịch Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

 Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (LHQ) lần thứ 16, PL.2563 – DL.2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) và sự bảo trợ của Chính phủ Việt Nam. Đây là lần thứ 3 Đại lễ Vesak LHQ được tổ chức tại Việt Nam.

 

 

 

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận Kỷ lục tại Ðại lễ Vesak 2019.

 

Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt, trang nghiêm và long trọng, góp phần tôn vinh giá trị truyền thống Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong nhiều thiên niên kỷ tiếp tục góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, hòa bình, phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế.

Nhân dịp Đại lễ Vesak 2019, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đề xuất thành công đến Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings xác lập 02 Kỷ lục Thế giới mới tại Việt Nam, gồm:

Đàn Lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới lớn nhất thế giới.

Đàn Lễ được lập để phục vụ Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc 2019 diễn ra ở Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, Việt Nam.

Đại lễ được thiết kế gồm 5 tầng, cao 9m, có diện tích sàn 864m2 (dài 36m x rộng 24m).

Kỷ lục được trao cho Ban Văn Hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tháp Đại Bi Kim Cương có hệ thống 158 tượng đồng mạ vàng và 108 chuông đồng mạ vàng đánh một tiếng vang tự động nhiều nhất thế giới.

Tháp Đại bi Kim Cương với hệ thống 158 tượng đồng mạ vàng. Hệ thống đánh chuông tự động được thiết kế để điều khiển tự động việc đánh 108 quả chuông nhỏ bằng đồng mạ vàng theo tầng, được bố trí từ tầng 2 đến tầng 14 của Bảo tháp (mỗi tầng bố trí 8 quả chuông, riêng tầng 14 bố trí 12 chuông) một cách tự động thông qua tín hiệu nhận được từ cảm biến gắn tại đầu dùi đánh chuông chính.

Kỷ lục được trao cho Chùa Thánh Quang (Tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam).

Đồng thời, với sự đề cử của Ủy ban Quốc gia Đại lễ Phật đản VESAK LHQ 2019 Việt Nam, Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, căn cứ Quy trình xác lập Kỷ lục Việt Nam cùng quá trình thẩm định trực tiếp, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trân trọng công bố 10 Kỷ lục Việt Nam kính chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak LHQ 2019 tổ chức tại Việt Nam.

10 Kỷ lục Việt Nam được công bố ngày ngày 14 tháng 5 năm 2019, gồm có:

1. Đại lễ Phật đản quốc tế lớn nhất 

Đại lễ với sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu quốc tế. Trong đó, có nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các bộ trưởng của nhiều nước cùng hơn 20 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Đại lễ còn có sự tham dự của nhiều Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch và lãnh đạo các Giáo hội, Hệ phái, các giáo sư, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức Phật giáo đến từ hơn 115 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Sự kiện có sự tham dự của có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện các tỉnh, thành phố trong cả nước. Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng trị sự, lãnh đạo Ban trị sự Giáo hội 63 tỉnh, thành phố cả nước, các tăng ni tiêu biểu cùng hơn 20.000 phật tử đại diện các Hội p hật tử Việt Nam ở nước ngoài, phật tử Việt kiều tiêu biểu, lãnh đạo các tôn giáo bạn, đồng bào Phật tử và nhân dân cả nước.

2. Hội thảo Phật giáo quốc tế lớn nhất 

Đại lễ Vesak 2019 có chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Đây là một sự kiện quan trọng của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, cũng là cơ hội quy hiếm để khẳng định, quảng bá, nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới. Hội thảo Phật giáo Quốc tế thu hút hơn 10.000 người của các phái đoàn đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Thế giới tham dự. Hội thảo tại Đại lễ VESAK Liên hợp quốc năm nay mong muốn tăng cường sự hợp tác giữa các cộng đồng và Tổ chức Phật giáo Thế giới nhằm tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp Phật giáo đối với các mục tiêu mà Liên hợp quốc theo đuổi, tập trung vào các khía cạnh chủ đề như:

· Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững;

· Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững;

·Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu;

·Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0;

·Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

3. Hội chợ Văn hóa Phật giáo lớn nhất

Hội chợ Văn hóa Phật giáo được tổ chức gồm hoạt động Hội chợ Văn hóa phẩm Phật giáo với hơn 1000 sản phẩm được chọn lựa nhằm tái hiện giá trị Phật giáo Việt Nam và văn hóa Việt cùng Hội chợ ẩm thực chay với hàng ngàn món chay.

4. Triển lãm nghệ thuật Phật giáo lớn nhất

Trong khuôn khổ đại lễ diễn ra hoạt động Triển lãm nghệ thuật Phật giáo Việt Nam và thế giới với 3 nội dung là Triển lãm cổ vật Phật giáo Việt Nam và Thế giới; Triển lãm tranh ảnh nghệ thuật Phật giáo; Triển lãm đá nghệ thuật Phật giáo và dân tộc.

Những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được chọn lọc tham dự tại các triển lãm đều có giá trị văn hóa và tâm linh cao. Các triển lãm là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế hiểu hơn về văn hóa Việt Nam và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

5. Chương trình biểu diễn nghệ thuật Phật giáo quốc tế lớn nhất

Với chủ đề “Đại lộ Di sản 2019”, chương trình biểu diễn nghệ thuật này được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia VTV1 vào lúc 20h10 trong ngày khai mạc Đại lễ - 12/5/2019. Đây là chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc tế mang thương hiệu với mục đích giới thiệu đến khán giả những di sản vật thể và phi vật thể của Việt Nam cũng như quốc tế. Chương trình được tổ chức với quy mô lớn và có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật lớn trong nước và quốc tế như Ấn Độ; Bhutan, Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan…

Chương trình bao gồm 2 phần:

·Phần I: Việt Nam - Đất phật ngàn năm 

· Phần II: Đại lộ di sản.

6. Đàn lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới lớn nhất 

Với mục đích phát huy Di sản Văn hoá Phật giáo phi vật thể (Lễ hội Văn hoá Phật giáo), Đàn lễ VESAK 2019 được thiết kế mang dấu ấn văn hoá Phật giáo truyền thống. Thông qua đàn lễ, các du khách và Phật tử thập phương được chứng kiến nghi thức hành trì tâm linh của các truyền thống Phật giáo trên thế giới. Từ đây, lời nguyện cầu hoà bình, quốc thái dân an sẽ được gở đi như một thông điệp tốt lành của Phật giáo đến với nhân loại.

Đàn lễ gồm có một đàn lễ trung tâm và khuôn viên vòng quanh. Chiều dài 36m x chiều rộng 24m x chiều cao 9m thiết kế theo 5 tầng, gồm có: 01 Đàn lễ trung tâm được thiết trí với 5 tầng, tầng 1 diện tích 36m x 24m = 864m2, cao 0,9m; tầng 2 diện tích 18m x 18m = 324m2, cao 01m; tầng 3 hình trụ tròn đường kính 9m, cao 2,3m; tầng 4 hình bát giác chiều dài cạnh 7m, cao 2,5m và cuối cùng hình trụ tròn đường kính 2m, cao 0,7cm nơi đặt Đức Phật Thích Ca cao 1,8m nặng hơn 4 tấn.

7. Lá cờ Phật giáo xếp bằng đèn hoa đăng lớn nhất

Lá cờ Phật giáo được ghép từ hàng ngàn chiếc đèn hoa đăng, có chiều dài 36m x cao 20m. Tổng diện tích lá cờ 720m2

8. Số người tham dự tụng Kinh cầu nguyện cho Hòa bình thế giới đông nhất

Hơn 25.000 người tham dự Đại lễ cùng tụng bộ Kinh Chuyển Pháp Luân để cầu nguyện cho Hòa bình thế giới.

9. Lễ hội thắp đèn Hoa đăng cầu nguyện cho hòa bình thế giới có số lượng người tham gia đông nhất

Hoa đăng là một nghi thức tâm linh thiêng liêng của Phật giáo, với ý nghĩa dốc sức hoà vui thiên hạ, rải khắp tâm tư cho đêm trở thành ngày, mở lòng trong sạch của nhân gian, rèn trí tuệ để soi sáng muôn đời cho hậu thế. Phật tử khắp nơi trên thế giới cùng với phật tử Việt Nam nối truyền ánh sáng tâm linh ấy để cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc.

Lễ hội thắp đèn Hoa đăng tại Đại lễ Vesak 2019 thu hút hơn 20.000 người tham dự.

10. Số lượng người tham gia Lễ tắm Phật đông nhất

Nghi lễ tắm Phật diễn ra tại lễ đài Trung tâm cầu nguyện hòa bình trước điện Quan Âm với sự tham dự của hơn 25.000 người.

P.V

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC