Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Nông nghiệp 05:49 14/05/2019 Mạnh Hùng
Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rất cần thiết trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp và gia tăng. Để làm được điều này cần cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Trong đó, yếu tố quan trọng là phải dần từng bước loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Những năm gần đây, các loại dịch bệnh nguy hiểm đã xuất hiện và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi của tỉnh, như: Dịch lở mồm long móng (LMLM), dịch tai xanh trên đàn lợn, dịch tả lợn cổ điển, dịch cúm gia cầm… Để bảo đảm chăn nuôi phát triển bền vững tỉnh ta hướng đến xây dựng vùng  chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT về vấn đề này.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Trần Thị Thu, xã Đức Lý (Lý Nhân).

P.V: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được UBND tỉnh quan tâm và đưa vào chương trình công tác. Hiện nay, nhiệm vụ này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Thời gian qua, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cũng phát sinh mạnh và có những diễn biến phức tạp. Như dịch LMLM đã xuất hiện thường xuyên trên đàn gia súc không thể xử lý triệt để. Hay cúm gia cầm (H5N1, H5N6) rải rác xuất hiện trên đàn gia cầm… Do vậy, ngành NN & PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế và tổ chức xây dựng vùng và cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Những điểm an toàn dịch bệnh này cần lựa chọn xây dựng đối với từng đối tượng dịch bệnh nguy hiểm và có nguy cơ cao lây nhiễm. Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tập trung tại các trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp chăn nuôi của Công ty Dabaco (xã Nhân Chính, Lý Nhân)…

Riêng với chăn nuôi lợn, ngành nông nghiệp đã xây dựng được 6 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Do là vùng trọng điểm chăn nuôi lợn nên toàn bộ đàn lợn (gồm: lợn thịt, lợn nái và lợn đực giống) của xã Ngọc Lũ được hỗ trợ vắc - xin LMLM. Mục tiêu giúp xã Ngọc Lũ hướng đến xây dựng thương hiệu lợn sạch. Đồng thời, tỉnh đang khởi động xây dựng vùng chăn nuôi lợn an toàn tại 12 xã của tỉnh nằm trong quy hoạch cung cấp cho nhà máy chế biến của Tập đoàn Masan (KCN Đồng Văn IV).

P.V: Thưa ông, tại sao việc  xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh vẫn khó có thể mở rộng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Đúng là việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang gặp khá nhiều hạn chế. Do đặc thù chăn nuôi của tỉnh nhỏ lẻ có đến hơn 65% là chăn nuôi trong hộ gia đình vì thế không thể bảo đảm những tiêu chí và yêu cầu cần thiết để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Do vậy, chỉ chủ yếu lựa chọn, xây dựng được cơ sở chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, có nghĩa là làm gọn trong một cơ sở, trang trại chăn nuôi cụ thể. Tuy nhiên, việc chọn cơ sở để xây dựng cũng vẫn có khó khăn, do người chăn nuôi chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình vệ sinh thú y, môi trường chăn nuôi chưa được bảo đảm. Một vấn đề nữa là các trang trại tuy có quy mô lớn nhưng phần nhiều vẫn nằm lẫn hoặc gần khu dân cư không bảo đảm độ cách ly, dễ lây lan dịch bệnh… Và phương thức chăn nuôi của người dân không được bảo đảm tuyệt đối khép kín để ngăn ngừa dịch bệnh. Do vậy, ngay tại xã Ngọc Lũ ban đầu chọn 10 cơ sở (10 hộ), dù rất cố gắng nhưng chỉ có 6 cơ sở thực hiện được việc bảo đảm an toàn dịch bệnh.

P.V: Để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cần phải triển khai những biện pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rất cần thiết trong điều kiện dịch bệnh ngày càng phức tạp và gia tăng. Để làm được điều này cần cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Trong đó, yếu tố quan trọng là phải dần từng bước loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Đồng thời, thay thế bằng chăn nuôi theo hướng tập trung có khả năng bảo đảm được các quy trình kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung tại huyện Bình Lục cung cấp nguyên liệu lợn sạch cho nhà máy chế biến của Tập đoàn Masan, hướng đến cả 12 xã trong tỉnh đã được quy hoạch… Tiếp tục phát triển khu chăn nuôi bò sữa, bò thịt tập trung đã được xây dựng. Từ năm 2020 khi Luật Thú y chính thức có hiệu lực, cần thực hiện tốt việc quản lý chăn nuôi. Theo đó, người chăn nuôi phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh mới được cấp phép đầu tư mở rộng sản xuất.

Riêng về dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến rất phức tạp. Đây là thiệt hại rất lớn đối với ngành chăn nuôi và kinh tế của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, từ đợt dịch này các cấp chính quyền và người dân cần nhìn nhận, thấy rõ được sự cần thiết của việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, kém hiệu quả, đang gây khó khăn nhất định cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Kim Chi (Thực hiện)

TIN MỚI CẬP NHẬT

Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh cán bộ Công an lừa đảo cài đặt ứng dụng “Dịch vụ công” giả mạo để chiếm đoạt tài sản

An ninh  |  21:37 04/05/2024

Thời gian qua, một số người dân ở các địa phương trên cả nước nhận được cuộc gọi của các đối tượng mạo danh cán bộ Công an hướng dẫn cài đặt ứng dụng di động “Dịch vụ công” giả mạo để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của các đối tượng sử dụng các ứng dụng Facebook, Zalo, Telegram, Viber…để liên lạc với người dân, mạo danh cán bộ Công an địa phương hướng dẫn người dân xác nhận thông tin dữ liệu dân cư. Đối tượng gửi đường link truy cập website với giao diện giả mạo Cổng dịch vụ công để người dân tải về, cài đặt ứng dụng di động “Dịch vụ công” với phần thông tin là “Cổng thông tin trực tuyến Quốc gia”.

Đánh giá mô hình trình diễn sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi Organic Fish

Nông nghiệp  |  12:10 04/05/2024

Sáng 4/5, Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiểm lâm (Sở NN & PTNT) phối hợp với Phòng NN & PTNT huyện Lý Nhân và Công ty Lucavi (Bắc Ninh) tổ chức hội nghị đánh giá mô hình trình diễn sử dụng phân bón hữu cơ Lucavi Organic Fish trên cây dưa chuột bao tử xuất khẩu tại HTX Chân Lý (xã Chân Lý, huyện Lý Nhân).

Dịch sởi lây lan tại bang Adamawa của Nigeria, trên 40 ca tử vong

Quốc tế  |  11:24 04/05/2024

Ngày 3/5, ủy viên phụ trách y tế của bang Adamawa, phía Đông Bắc Nigeria, ông Felix Tangwami cho biết đã có ít nhất 42 ca tử vong do dịch sởi được ghi nhận tại bang này trong hơn một tuần qua.  

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC