Anh hùng LLVTND Đào Quang Vinh và những ký ức bi hùng

Người tốt - Việc tốt 16:10 30/04/2019 Trần Ích
94 tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, 56 năm phục vụ trong quân ngũ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đào Quang Vinh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong những tháng năm gian khổ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

Anh hùng LLVTND Đào Quang Vinh bên những kỷ vật đời binh nghiệp.

Ông Đào Quang Vinh, sinh năm 1925 tại thôn Chanh trước đây (nay là thôn Vị Xuyên), xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) trong một gia đình nông dân nghèo. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1945, ông đã rời quê hương lên Hà Nội tham gia vào các tổ dân quân tự vệ Thủ đô và là chiến sĩ Đội tự vệ chiến đấu khu Đông thành Hà Nội. Với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, ông cùng đồng đội giữ vững các tuyến đường huyết mạch để chính quyền cách mạng rút lên căn cứ, bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Năm 1947, ông được điều trở lại quê hương nhằm gây dựng phong trào cách mạng và được giao làm Xã đội trưởng xã Nhân Mỹ.Tháng 3/1948, ông được kết nạp Đảng. Với vai trò Xã đội trưởng, ông đã xây dựng lực lượng dân quân du kích ở từng thôn, xóm. Thời gian đầu, xã đội chỉ có 7 người, tổ chức vận động nhân dân mang tre rào sông, rào làng, nhằm chống địch nhảy dù. Khi địch kéo về, xã Nhân Mỹ trở thành khu tạm chiến với 2 đồn bốt địch (bốt Vĩnh Đà và bốt Cống Vùa). Trước tình hình đó, ông đã tham mưu với chi bộ Đảng của xã thực hiện chiến đấu theo phương châm “3 bám” (bám đất, bám dân, bám địch). Một mặt vận động nhân dân đào hầm giữ đất, mặt khác tích cực tăng gia lao động sản xuất để lấy lương thực. Để đối phó với địch, ông chỉ đạo lực lượng dân quân du kích thực hiện theo đúng phương châm “Ngày thì bao vây, đêm thì quấy rối”, tập trung gài mìn tại các tuyến đường địch đi vào làng. Với cách làm này đã làm cho địch hoang mang, lo sợ, tìm cách co cụm, mất ăn, mất ngủ và không dám vào làng. Giai đoạn 1949-1952, lực lượng du kích của xã đã phát triển cả về số lượng lẫn quy mô, với hơn 30 người tham gia ở tất cả các thôn xóm và phát triển trở thành một trung đội tập trung.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Nam, chỉ đạo công tác phá tề trừ gian, mở rộng khu du kích và phát triển căn cứ du kích, ông được cấp trên chuyển về làm Chính trị viên phó Đại đội trợ chiến (súng lớn), Tiểu đoàn 71 tỉnh Hà Nam. Đơn vị của ông có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 3, tổ chức đánh nhiều trận lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh. Là một chỉ huy mưu trí, dũng cảm, cái tên Đào Quang Vinh (tức Mân) đã trở thành “cái gai” trong mắt bọn thực dân và bè lũ tay sai. Hành tung của ông đi đến đâu, làm bất cứ việc gì đều được bọn chỉ điểm theo sát để tìm cách tiêu diệt. Ngày 26/5/1950, ngay từ sáng sớm, khi chúng phát hiện ông đang tham gia cuộc họp tổ Đảng làng Chanh, quân Pháp và lính ngụy của 3 bốt Cống Vùa, Bàng Ba, Lý Nhân đã phối hợp bao vây, chúng bố trí quân lính chặn mọi ngả đường vào làng và bố trí quân lùng sục từng nhà trong làng để bắt ông cùng đồng đội. Trong lúc bị bắt giữ cùng một đồng đội, lợi dụng sơ hở của địch, ông đã trốn thoát, đồng đội của ông là Trần Văn Tước bị chúng sát hại. Không giết được ông, chúng quay sang trả thù gia đình ông. Chúng đốt nhà, đánh mẹ ông là cụ Trần Thị Dịu trọng thương. Sau đó, chúng kéo vào bắt bố ông là cụ Đào Trọng Liêm, bắn bị thương ở chân, rồi đưa về bốt tra tấn với mục đích phải kêu gọi ông Vinh ra đầu hàng. Thế nhưng, dù tra tấn thế nào cụ Liêm cũng không khuất phục và bị địch bắn chết. Không dừng lại ở đó, bọn chúng còn sát hại vợ ông là bà Trần Thị Điệt. Do bị tra tấn dã man, một thời gian sau mẹ ông là cụ Trần Thị Dịu cũng qua đời. Được biết, trong khoảng thời gian này ông đã chỉ huy đội du kích địa phương tham gia đánh bốt Cống Vùa, Vĩnh Đà, tham gia phục kích trên các tuyến giao thông lớn như quốc lộ 1, đường 21 Đồng Văn (Duy Tiên); đường 62 địa bàn xã Đức Lý, Vĩnh Trụ, Chợ Cầu, bốt Vũ Điện, xã Chân Lý. Ông cũng là người treo lá cờ Tổ quốc trên cây thánh giá của bốt Vĩnh Đà cuối năm 1947. Đến năm 1953, ông được chuyển về công tác tại Ty Công an Hà Nam, rồi giữ chức Phó Trưởng Công an huyện Bình Lục. Năm 1963, ông được điều chuyển về Bộ Công an và tham gia chi viện cho chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên - Huế. Sau đó, ông trở lại Bộ Công an công tác, trải qua nhiều đơn vị khác nhau, năm 1989, ông nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá.

Với những thành tích trong chiến đấu và công tác, ông Đào Quang Vinh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương như: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba. Đặc biệt, ghi nhận những thành tích xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngày 13/9/2018, ông đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Trần Ích

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO

Kinh tế  |  05:38 23/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh

Đời sống  |  05:29 23/11/2024

Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC