Chuyện ngày thanh minh

Bạn đọc viết 06:33 22/04/2019 Phạm Hiền
Năm nào cũng vậy, sau mỗi lần về quê làm thanh minh lên bác kể nhiều chuyện vui lắm. Nào là thanh minh đại gia đình bác sum họp, cùng đi tảo mộ, làm cơm cúng gia tiên, nhớ lại công đức cha ông xưa; nào là người đi tảo mộ đông lắm, người làng xa quê về gặp lại nhau hỏi chào rộn rã...

Ảnh minh họa.

Năm nay khác, từ quê lên, tâm trạng bác không được vui, nét mặt buồn buồn. Hỏi chuyện, bác kể giọng đầy trăn trở: Gia đình đông con cháu, mọi người đều ở xa, lại bận công việc riêng, thanh minh là dịp để mọi người sum họp; ra nghĩa trang dọn dẹp, tu sửa mộ phần; làm cơm thành kính thắp hương tưởng nhớ công đức của tổ tiên, ông bà... Mọi năm, gọi điện hẹn trước, người ở gần chờ người ở xa, đúng ngày thanh minh, tầm hơn sáu giờ anh em con cháu cùng ra mộ thắp hương. Ngoài hương, hoa, có thêm đĩa qủa để lên mộ phần thắp hương các cụ. Trong lúc chờ hương tàn con cháu dọn dẹp quanh mộ. Nếu thấy có gì cần sửa sang, anh chị em trong nhà thống nhất ngày sửa để mộ phần các cụ luôn được chu toàn, đẹp đẽ.

Năm nay, không hiểu cháu dâu nhà bác cả đi xem bói ở đâu về nói: Mộ các cụ tam đại của họ bị động, phải lễ tạ. Rồi đúng tiết thanh minh, chưa thống nhất bàn bạc với anh chị em trong họ, gia đình bác cả đã mời thầy về lễ tạ. Sáng thanh minh, khi mọi người vừa về đến nhà, gia đình bác cả đã mời thầy ra mộ lễ trước (cho đúng giờ đẹp). Ngoài lễ mặn, bánh kẹo, hoa quả, còn có cả ngựa, nhà, xe, quần áo, mũ nón, đồ trang sức (bằng vàng mã)... bày la liệt xung quanh. Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng thầy đọc sớ làm con cháu đi tảo mộ không thể tập trung khấn lạy hương linh tiên tổ.

Khi lễ xong, về tới nhà, gia đình bác cả cũng chỉ nói quanh chuyện lễ. Nào là mộ các cụ bị động, bỏ tiền triệu ra làm như vậy "thầy" bảo tốt lắm. Lễ vậy, không chỉ tốt riêng cho gia đình bác mà tốt cho tất cả anh em trong họ hàng. Lễ tạ như vậy các cụ mới phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, thuận lợi, làm ăn phát đạt. Nếu không lễ tạ cẩn thận, các cụ sẽ phạt, sẽ có những chuyện không hay xảy ra trong gia đình, dòng tộc.

Những năm trước, bữa cơm ngày thanh minh mọi người trò chuyện vui vẻ, hỏi thăm sức khỏe, công việc, chuyện gia đình của từng nhà; nếu nhà ai có tin vui thì cùng chia vui, nhà nào có chuyện khúc mắc, khó khăn thì cùng chia sẻ; mọi người nhớ lại chuyện xưa, nhắc lại công đức của ông bà cho con cháu cùng nghe, nhớ, để tiếp tục truyền lại cho thế hệ tiếp nối. Bữa cơm năm nay,... bác thở dài buồn bã. Chính vì vậy, khi rời quê đi ai cũng cảm thấy trong lòng trống trải, buồn buồn...

Kể xong chuyện, bác bộc bạch thêm: Vẫn biết, việc xây sửa mộ phần, làm cơm thắp hương, lễ tạ tổ tiên trong dịp thanh minh là điều đáng quý, đáng trân trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong ngày thanh minh chính là sự thành kính, biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên chứ không phải lễ to, lễ lớn, rồi cầu xin đủ điều.

Với người dân Việt, bao năm qua, thanh minh là dịp đặc biệt quan trọng để con cháu thể hiện sự hiếu kính, lòng biết ơn đối với tổ tiên, với các thế hệ đi trước trong dòng tộc. Đây là nét văn hóa tín ngưỡng thể hiện đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Vào ngày thanh minh, cháu con thường mang theo xẻng, cuốc ra nghĩa trang để bồi đắp những mộ phần bị sụt lún cho đầy đặn; dọn cây cỏ dại mọc trùm lên các mộ phần, rồi đặt hoa, quả thắp hương thành kính tưởng nhớ tới người đã khuất. Ngày thanh minh ở quê, từ sáng sớm, khu nghĩa trang đông người lắm. Rất nhiều người xa quê có thể không có điều kiện về ăn Tết, nhưng thanh minh năm nào cũng trở về cùng người thân trong gia đình đi tảo mộ.

Thanh minh chính là dịp để cháu con thể hiện đạo hiếu, bổn phận, trách nhiệm với tổ tiên, dòng tộc không nên mê tín dị đoan mà có những việc làm không phù hợp với thuần phong mỹ tục trong tiết thanh minh, ảnh hưởng tới tình thân, thậm chí gây mất đoàn kết gia đình, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của ngày thanh minh.

Phạm Hiền

TIN MỚI CẬP NHẬT

Bồ Đề đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao

Nông thôn mới  |  14:48 28/04/2024

Sáng 28/4, xã Bồ Đề (Bình Lục) đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023. Về dự có đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bình Lục và người dân địa phương…

Cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo trực tuyến về du lịch dịp 30/4 và 1/5

An ninh  |  12:05 28/04/2024

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT) vừa phát đi cảnh báo các chiêu trò lừa đảo trực tuyến liên quan đến du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Môi trường - Đô Thị  |  05:57 28/04/2024

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC