Đầu Xuân, đi chợ cầu may

Bạn đọc viết 06:09 31/01/2025 Nguyễn Oanh
Đi chợ ngày đầu Xuân là một phong tục đẹp của người Việt từ thời xa xưa truyền lại với mong muốn sẽ có nhiều tài lộc, may mắn, thuận lợi trong năm mới. Tại Hà Nam, những phiên chợ đầu Xuân tại các địa phương thường được mở từ sớm mồng 2 Tết và đã trở thành một điểm hẹn văn hóa của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Theo phong tục xưa, người lớn tuổi hay nhắc con cháu đi chợ ngày đầu Xuân năm mới để mua muối và ít trầu cau, bởi quan niệm của người xưa cho rằng, muối là thứ chống xú uế, xua đuổi tà ma, đem lại nhiều may mắn cho gia đình. Vì vậy, việc mua muối đầu năm nhằm mục đích cầu mong mọi điều được hanh thông, thuận buồm, xuôi gió trong một năm mới. Còn miếng trầu, quả cau được têm sẵn mời khách trong ngày Tết thể hiện ước mong gia đình sẽ có nhiều bạn bè tốt lành đến thăm, tượng trưng cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Những điều dặn dò của thế hệ trước cho đến nay vẫn được nhiều gia đình gìn giữ và làm theo.

Với ý nghĩa mong cầu sự may mắn cho năm mới, người mua đến với phiên chợ đầu Xuân không phải vì thiếu hàng hóa trong những ngày Tết mà là muốn đem về cho gia đình một ít lộc Xuân. Vì lẽ đó nên cứ vào ngày mồng 2 Tết hằng năm, chị Nguyễn Thị Hồng, Tổ dân phố số 6, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) đều dậy thật sớm để đi buổi chợ đầu tiên của năm mới. Món hàng đầu tiên chị Hồng chọn mua là một gói muối, sau đó là vài nhánh cau và mấy chiếc lá trầu không đã được quết vôi sẵn. Chị Hồng chia sẻ: Học theo cách làm của các cụ, ông bà để lại, hằng năm, vào những ngày cuối năm tôi đều mua ít vôi trắng dùng để quét gốc cây và những chậu cây cảnh trước nhà. Việc làm này có ý nghĩa xóa bỏ đi những điều không may mắn, không tốt lành của cả một năm cũ. Cùng với đó, tôi đều không quên đi phiên chợ đầu năm để “mua” về nhà chút lộc Xuân. Trong ngày này, tôi thường chọn mua hàng của những người lớn tuổi với mong muốn được chút phước lộc của người già và cũng xem như là cách để mừng tuổi cho các cụ.

Đầu Xuân đi chợ cầu may
Ảnh minh họa.

Không chỉ đi chợ “mua” lộc cầu may, rất đông người dân còn đến phiên chợ đầu Xuân để mua thực phẩm, rau xanh, hoa quả phục vụ bữa cơm gia đình. Chị Nguyễn Thị Duyên, thôn 1, xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) cho biết: Tôi tranh thủ đi chợ đầu năm để mua ít rau, củ, thực phẩm, trái cây, hoa tươi về làm mâm cơm cúng, bởi tôi muốn thực phẩm, hoa quả trong mâm cơm cúng được mới và tươi ngon nhất. Ai cũng mong món đồ mua đầu xuân mới sẽ mang lại điều lành, kinh tế thuận lợi cho gia đình. Thế nên dù món đồ cần mua có giá đắt hơn thường ngày thì mọi người cũng đều vui vẻ trả tiền chứ không ai mặc cả. Hơn nữa, theo quan niệm của nhiều người, đầu năm đi “mua” lộc phải nhanh nhảu, không đôi co để công việc làm ăn trong cả năm được thong dong, may mắn, thuận buồm xuôi gió.

Còn về phía các tiểu thương, họ tham gia phiên chợ đầu Xuân chủ yếu là để mở hàng “lấy ngày” đẹp với mong muốn có một năm buôn may bán đắt, công việc kinh doanh buôn bán thuận lợi. Cũng như mọi năm, năm nay, chị Lại Thị Cúc, một tiểu thương kinh doanh các loại gia vị, đồ khô tại khu vực chợ phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) cũng chuẩn bị sẵn từ trong năm các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong phiên chợ đầu tiên của năm mới như muối, bật lửa, trầu cau, ít quả đu đủ…Tranh thủ những ngày chợ đầu năm mới, cả gia đình phụ giúp chị Cúc chia nhỏ từng bịch muối lớn ra thành nhiều gói nhỏ và bày biện thêm trầu cau, vôi sống, bật lửa để phục vụ khách “mua” lộc Xuân.

Chị Cúc cho hay: Phiên chợ đầu năm diễn ra từ rất sớm. Người bán cũng như người mua đều háo hức đợi đến phiên chợ để mang lộc Xuân về nhà. Từ 5 giờ 30 phút sáng ngày mồng 2 Tết tôi đã bày biện hàng ra để bán, phục vụ khách đến mua hàng. Đa phần khách mua hàng là các mẹ, các chị quanh năm “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Họ đi chợ đầu năm với niềm tin, hi vọng một năm mới sẽ có thêm điềm lành, rước nhiều sự may mắn, tài lộc, phước lành về nhà. Thông thường, khách hàng hay hỏi mua một quả đu đủ thật đẹp cùng với một gói muối và vài quả cau, lá trầu. Những trái cau, lá trầu được xem như món lộc đầu năm để cho những ai thành tâm sẽ gặp duyên may, phước lành. Gói muối nhỏ với mong ước cho gia đình một năm êm ấm, hạnh phúc. Còn trái đu đủ tượng trưng cho sự dư dả, đủ đầy trong cả năm. Cảnh chợ đầu Xuân năm nào cũng vui và thân mật, người bán, người mua chào nhau bằng những lời chúc an lành cho năm mới.

Những phiên chợ đầu năm luôn mang ý nghĩa mong cầu sự may mắn và tài lộc nên ngoài những người buôn bán chuyên nghiệp thì cũng có rất nhiều người dân tranh thủ mang chút đồ của nhà làm ra để đi bán lấy may. Bà Lê Kiều Trang, tổ 1, phường Lê Hồng Phong cho hay: Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng 2 Tết là tôi lại cắt một ít rau xanh trong vườn để đem ra chợ bán lấy may. Giá cả không quan trọng, miễn sao việc bán hàng được thuận lợi. Tôi làm vậy để hi vọng công việc của mình sẽ thuận buồm xuôi gió, may mắn sẽ đến với bản thân, gia đình trong năm mới.

Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, phiên chợ đầu Xuân thường diễn ra vào sáng sớm mồng 2 Tết với những thao tác mua bán đơn giản, nhanh chóng nhưng rất thân tình, cởi mở giữa người và người; không có cảnh xô bồ, chen lấn, nói thách giá bán như trong những ngày chợ thường. Buổi chợ đầu năm cũng không kéo dài như ngày thường trong năm mà kết thúc từ khá sớm. Lượng hàng hóa bày bán cũng không nhiều và không đa dạng như chợ thường ngày. Trong phiên chợ đầu năm, đa số tiểu thương và người dân chỉ đem bán những mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, tôm, cá, rau củ, hoa quả... Dù hàng hóa bán được ít hay nhiều thì ai cũng tươi cười, vui vẻ vì đầu Xuân được gặp gỡ, trao gửi tài lộc và những lời chúc tốt lành cho nhau. Hơn nữa, việc mua bán đầu năm phần nhiều mang ý nghĩa ước mong có được một năm buôn bán thuận lợi chứ tiểu thương không đặt nặng vấn đề lời lãi. Hàng hóa ở chợ vì thế mà không còn gọi theo những cái tên vốn có của nó như muối, hoa cúc, hoa hồng, bật lửa, cau trầu... mà được gọi chung là “Lộc” đầu năm.

Sau một năm làm việc vất vả với những áp lực, lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống, đi chợ ngày đầu năm, nhiều người có chung cảm giác như những xô bồ, náo nhiệt, bon chen thường ngày bị xua tan, thay vào đó là sự ấm áp, là niềm tin, hi vọng, ước mong về sự bình an. Điều đặc biệt nữa ở những phiên chợ đầu năm là từ người bán cho đến người mua đều tươi tắn trong những bộ trang phục mới. Ai bán được nhiều, ai còn hàng ít cũng đều không quan trọng. Họ vui vẻ nói cười, trao gửi đến nhau những câu chúc thân tình, cầu mong bình an, hạnh phúc, phát tài, phát lộc đến với mọi người, mọi nhà. Đây chính là nét đẹp của những phiên chợ đầu Xuân được gìn giữ bao đời./.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Sun World Hà Nam – Địa điểm mới thu hút khách du lịch

Thư viện ảnh  |  21:28 30/04/2025

Vào ngày 30/4, Sun World Hà Nam, tọa lạc bên trong đô thị Sun Urban City, Thành phố Phủ Lý đã chính thức mở cửa đón khách, đánh dấu sự xuất hiện của một điểm đến giải trí mới thu hút khách du lịch tại Hà Nam.

Hân hoan, tự hào mừng ngày Thống nhất đất nước

Đời sống  |  16:51 30/04/2025

Trong không khí hân hoan, tự hào kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), hoà nhịp với hàng triệu trái tim trên cả nước, người dân Hà Nam đã hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam sáng 30/4.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Thệ: Hãy gìn giữ, trân quý giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay

Chính trị  |  15:30 30/04/2025

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, trên cả nước, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hà Nam đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phạm Xuân Thệ (ảnh) , nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, người con quê hương Hà Nam  - một nhân vật lịch sử; người đã trực tiếp cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 bắt Tổng thống Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng, kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ của dân tộc…, để được cùng ông sống lại trong thời khắc lịch sử hào hùng đó của dân tộc; được hiểu thêm những mất mát, hy sinh của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.