Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Xã hội 05:25 14/01/2025 Đỗ Hồng 
Hà Nam là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất công nghiệp lớn với hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung đang hoạt động, thu hút hàng trăm doanh nghiệp với gần 90 nghìn công nhân lao động. Số cơ sở thực phẩm nhiều, số bếp ăn tập thể lớn, lượng người ăn đông, cơ sở kinh doanh đường phố ngày càng phát triển, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm đã được quan tâm và có chuyển biến tích cực, nhưng thực tế vẫn còn không ít đơn vị, cá nhân vi phạm. Vì thế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong đảm bảo ATTP là yêu cầu nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần sự vào cuộc tích cực các cấp, ngành, lực lượng chức năng và người dân.

Công nhân một công ty ở KCN Châu Sơn, Phủ Lý ăn bữa trưa tại Nhà ăn tập thể của đơn vị (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Hải Yến

Vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm các quy định về ATTP

Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.100 cơ sở thực phẩm, trong đó: trên 500 bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến suất ăn sẵn cung cấp hàng vạn suất ăn mỗi ngày cho công nhân các khu, cụm công nghiệp; khoảng 300 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 58 người mắc (không có tử vong), tăng so với các năm trước đó. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 13/9/2024 tại bếp ăn tập thể khu B Công ty TNHH JY Plastic (Cụm Công nghiệp Bình Lục, xã Trung Lương, huyện Bình Lục) làm 37 người mắc; nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella spp. Đơn vị chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 2 triệu đồng đối với Công ty TNHH JY Plastic; 77 triệu đồng với Công ty TNHH Sản xuất thương mại Trường Thủy, Sở Y tế trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 176 triệu đồng đối với Công ty CP suất ăn An Việt. Vụ ngộ độc thứ 2 xảy ra ngày 9/11/2024 tại xã An Ninh, huyện Bình Lục làm 5 người mắc. Nguyên nhân do độc tố tự nhiên Aconitin trong thành phần củ ấu tẩu có trong mẫu rượu ngâm. Vụ ngộ độc thực phẩm thứ 3 xảy ra ngày 25/11/2024 đối với học sinh tiểu học trên địa bàn xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên. Sau khi uống trà sữa tại quán nước gần cổng trường học, 16 học sinh có triệu chứng buồn nôn, không tìm được nguyên nhân do không lấy được mẫu trà sữa học sinh đã uống. Tuy nhiên lấy mẫu nguyên liệu để chế biến trà sữa của quán nước này xét nghiệm cho thấy chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, ngành Y tế đã nhận được một số đơn thư phản ánh tình trạng suất ăn cho công nhân tại một số doanh nghiệp có dị vật, sinh vật lạ... hiện đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Trong công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP, năm 2024 các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP của các cấp, ngành đã thanh tra, kiểm tra 3.447 cơ sở/6.199 cơ sở quản lý, trong đó có 2.845 cơ sở đạt, chiếm 82,5%. Như vậy, vẫn còn tới 602/3.447 cơ sở được kiểm tra chưa đạt, chiếm 17,5%. Với các cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đã xử lý phạt tiền 1.003.500.000 đồng đối với 213 cơ sở và buộc cơ sở tự tiêu hủy các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị 40.290.000 đồng; xử lý hình sự 4 vụ với các tội danh: vi phạm quy định về ATTP; buôn bán hàng giả là thực phẩm; trốn thuế trong lĩnh vực thực phẩm).

Các hành vi vi phạm chủ yếu bị xử phạt gồm: sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP; nhân viên bếp ăn không thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP trong quá trình chế biến thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện không đúng chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định; nơi sản xuất, kinh doanh không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảo quản, vận chuyển thực phẩm...

Đơn vị chức năng cũng đã thực hiện giám sát, kiểm soát bảo đảm ATTP phục vụ các lễ hội sự kiện diễn ra trong tỉnh. Qua xét nghiệm nhanh, đã có 531/533 mẫu thực phẩm và 666/670 mẫu dụng cụ đạt các chỉ tiêu xét nghiệm. Những mẫu không đạt gồm: 1 mẫu rượu trắng (không đạt chỉ tiêu Methanol), 1 mẫu dưa chuột (không đạt chỉ tiêu hóa chất bảo vệ thực vật), 4/670 mẫu dụng cụ còn bám dính tinh bột.

Đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, các cấp, ngành đã triển khai nhiều hoạt động bảo đảm ATTP, công tác ATTP cũng có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2024 cho thấy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng trăm cơ sở qua kiểm tra có vi phạm, trong đó có những cơ sở phải xử lý hình sự. Đáng lo ngại nhất là số vụ ngộ độc thực phẩm gia tăng.

Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ATTP vẫn tiếp diễn. Trong đó, nguồn cung ứng thực phẩm tươi sống chưa được kiểm soát chặt chẽ; hầu hết các đơn vị cung ứng hiện nay chưa đạt được các yêu cầu về truy suất nguồn gốc. Việc tuân thủ quy trình chế biến thực phẩm chưa nghiêm; các doanh nghiệp tự đào tạo người lao động nên khó đánh giá được nhận thức và tuân thủ quy trình chế biến. Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh nhưng khi phát hiện sai phạm qua hậu kiểm thì đã có một nguồn lớn thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn đã được bán ra thị trường. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hạn chế do quy định về việc hạn chế thanh, kiểm tra các doanh nghiệp.

Về công tác quản lý, lãnh đạo UBND một số xã, phường, thị trấn chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm ATTP; sự phối hợp triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung trong dịp trọng điểm. Một số đoàn kiểm tra tuyến huyện, xã chưa thực hiện xử phạt vi phạm về ATTP; không lấy mẫu gửi labo kiểm nghiệm phục vụ kiểm tra. Cơ sở thực phẩm hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, mang tính thời vụ nên việc kiểm soát và cải thiện các điều kiện bảo đảm ATTP gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của một số chủ cơ sở và người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm chưa cao; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP còn phân tán, chưa tập trung đầu mối, nguồn nhân lực còn mỏng; ở tuyến xã, cán bộ được giao nhiệm vụ theo dõi công tác ATTP là cán bộ kiêm nhiệm, không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý ATTP nên việc tham mưu, tổng hợp báo cáo còn nhiều hạn chế.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Dương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, để tăng cường công tác bảo đảm ATTP, đơn vị đã đề xuất một số giải pháp, như: thống nhất mô hình quản lý theo hướng một cơ quan chuyên môn quản lý tất cả các lĩnh vực về ATTP, không phân chia theo ngành quản lý để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; cho phép thanh tra, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, đột xuất mà không phải thông báo trước vì việc thanh, kiểm tra ATTP theo kế hoạch đều có báo trước cho các đơn vị như hiện tại không thấy được thực tế khách quan. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề ATTP ở cấp cơ sở, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn của các cơ quan chức năng như đào tạo, tập huấn, tuyên truyền... Phải quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ mới có thể đưa công tác bảo đảm ATTP ngày càng đi vào nền nếp, hạn chế thấp nhất số cơ sở vi phạm quy định về ATTP.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Ngoại giao kinh tế đâu phải vì mục tiêu viển vông!

Những năm gần đây, nhất là năm 2024, hợp tác kinh tế trở thành nội dung được quan tâm hàng đầu trong tất cả hoạt động đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là đối ngoại cấp cao. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế là lời đáp trả mạnh mẽ trước luận điệu của một số phần tử chống đối, thù địch cho rằng các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam “đi nhiều nơi, đón nhiều người” nhưng chẳng đem lại lợi ích gì, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025

Chính trị  |  06:17 15/01/2025

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025.

Nỗ lực của doanh nghiệp trong khắc phục ô nhiễm môi trường

Môi trường - Đô Thị  |  05:29 15/01/2025

Thời gian qua, trong quá trình hoạt động sản xuất, tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã phát sinh bụi, tiếng ồn, khí thải... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực. Tình trạng này xảy ra ở các khu công nghiệp (KCN): Đồng Văn III, IV, Châu Sơn và một số doanh nghiệp hoạt động ngoài KCN như: Công ty cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn, vùng sản xuất vật liệu xây dựng thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm)...

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC