Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên

Đời sống 05:24 20/12/2024 ng
Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 30/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, nhằm thể chế hóa các văn kiện, nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước về người chưa thành niên. Luật thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên.

Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi (khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015), là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hạn chế trong việc phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm. Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Do đó, chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có tiếp cận chuyên biệt, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc, nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 10 chương và 179 điều. Trong đó, quy định về: xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng; thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, giải quyết vụ án hình sự, xử lý chuyển hướng, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên được áp dụng theo quy định của Luật này và theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, luật khác không trái với quy định của Luật này.

Tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường tại Trường THCS An Nội, Bình Lục.

Đáng chú ý, Luật Tư pháp người chưa thành niên đã tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ, nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội. Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội gồm: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng. Mục đích xử lý chuyển hướng nhằm xử lý kịp thời và hiệu quả đối với người chưa thành niên; giúp người chưa thành niên thay đổi nhận thức, nhận biết, sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện khắc phục, ngăn ngừa nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh việc hòa giải giữa người chưa thành niên và bị hại bị ảnh hưởng bởi hành vi phạm tội của người chưa thành niên; nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng tham gia trực tiếp vào hoạt động xử lý chuyển hướng.

Luật cũng xây dựng quy trình, thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Trong đó, Luật quy định trong vụ án hình sự có bị can là người chưa thành niên và người thành niên thì Cơ quan điều tra tách vụ án hình sự để giải quyết vụ án độc lập đối với bị can là người chưa thành niên; quy trình khởi tố, điều tra, truy tố phải được tiến hành trong môi trường thân thiện; các thông tin có liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên phải được giữ kín, không cung cấp công khai… Cùng với đó, Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng đưa ra những quy định bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; thu hút, huy động nguồn nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; thiết lập cơ sở giam giữ phù hợp với mục đích phục hồi, giáo dục và sự phát triển của người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, đơn giản, phù hợp với người chưa thành niên…

Luật Tư pháp người chưa thành niên được xây dựng, ban hành và có hiệu lực nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc và bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi… Qua đó giúp người chưa thành niên tăng cường cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Thể thao  |  07:16 22/12/2024

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

“Con đường lịch sử” – Tự hào 80 năm trang sử vẻ vang của Quân đội anh hùng

Văn hóa  |  06:02 22/12/2024

Tối 21/12, tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp Bộ Quốc phòng tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Con đường lịch sử”, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Loạt xe gầm cao tiếp tục giảm giá 'sập sàn' những ngày cuối năm

Ô tô - Xe máy  |  05:48 22/12/2024

Những mẫu xe gầm cao khá 'hot' của KIA, Honda, Ford, Toyota hay Skoda,... tiếp tục được giảm giá khá sâu trong tháng 12 nhằm kích cầu và đẩy hàng tồn trước Tết Nguyên đán.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC