Độc đáo Từ đường Lương Quận Công Trần Như Lân

Di sản 05:43 08/12/2024 Chu Bình
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 230 di tích đã được công nhận xếp hạng; trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 95 di tích cấp quốc gia, 133 di tích cấp tỉnh. Ngoài đình, đền, chùa, văn chỉ, các di tích được công nhận còn gồm các từ đường (nhà thờ họ) của nhiều dòng họ nổi tiếng đất Hà Nam. Tại đây thờ các vị cao, tằng, tổ, khảo và những người trong dòng họ có công với đất nước, hy sinh vì dân vì nước.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều từ đường nổi tiếng đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh như: Từ đường Nguyễn Khuyến (xã Trung Lương, huyện Bình Lục); Từ đường Lương Quận Công Trần Như Lân (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục); Từ đường Song Nhâm Vũ Văn Duyệt, trưởng chi Ất họ Vũ Lạc Tràng (phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý); Từ đường họ Lại (xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý); Từ đường Trương Công Giai (xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm). Trong số đó, Từ đường Lương Quận Công Trần Như Lân mang nhiều dáng vẻ cổ kính với công trình đậm kiến trúc truyền thống và những câu chuyện về người con ưu tú Trần Như Lân của dòng họ Trần Như Ngọc Lũ.

Từ đường Lương Quận Công Trần Như Lân được xây dựng từ thế kỷ 17. Từ đường là ngôi nhà 5 gian làm toàn bằng gỗ lim, mỗi vì kèo có 4 cột, cột cái có đường kính trên 30cm, tất cả các thân cột đều đặt trên các chân tảng bằng đá xanh; ba mặt nhà thờ xây tường gạch, đằng trước là hệ thống cửa gỗ lim chạy suốt 5 gian có thể tháo lắp dễ dàng. Ngoài ra, mặt ngoài, hai đầu hồi phía trên đắp hổ phù, đây là biểu tượng cho thấy những nhân vật được thờ mang nhiều chất võ công hơn là văn trị và nằm sát phía đầu hồi là hai cột đồng trụ, tạo cho công trình thêm khang trang, bề thế.

Tam quan Từ đường Lương Quận Công Trần Như Lân.

Tại Từ đường Lương Quận Công còn có nhiều đồ thờ phong phú đa dạng, tất cả đều được sơn son thiếp vàng, ánh màu rực rỡ và còn lưu giữ được 15 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê, gồm: 10 đạo sắc được phong vào thế kỷ 17 và 5 đạo sắc được phong cùng một năm 1769. Điều đặc biệt, tính từ Lương Quận Công Trần Như Lân là người đầu tiên được phong sắc cho đến người cuối cùng là Huyền trung hầu Trần Như Tiệp (đời thứ 7 của họ Trần Như) đều được nhà Lê phong sắc ngay lúc còn sống vì đã có những công lao lớn đóng góp cho triều đình... Hiện nay, ở tỉnh Hà Nam ít có di tích nào tập trung một số lượng lớn sắc phong thời Lê lớn như ở di tích Từ đường Lương Quận Công Trần Như Lân. Số sắc phong này là một khối tư liệu quý giá giúp hậu thế tìm hiểu về một giai đoạn của lịch sử dân tộc với nhiều biến cố lớn.

Với số lượng sắc phong đó còn cho thấy, con cháu Lương Quận Công đều là những tướng tài và đều thành đạt bằng con đường võ nghiệp. Chính vì vậy, một nét đặc biệt nữa ở từ đường là tất cả các bài vị đặt trong ngai thờ đều tạo dáng thành những thanh gươm, chuôi hướng về phía trên và được cắm thẳng vuông góc với bệ ngai thờ. Thanh gươm được cách điệu, tạo dáng khỏe, có giá trị về mặt nghệ thuật. Phía trên cùng của chuôi gươm là một khối bầu dục, bên ngoài chạm thành những ngọn lửa, phía trong có những con rồng cuộn khúc chầu vào mặt trời ở chính giữa. Phía dưới là đốc gươm tạo thành hai con rồng, phần thân gấp khúc, đầu ngẩng cao thành hai vòng tròn, đuôi xoắn lại nối với cán gươm. Mặt chính của bài vị thường để ghi tên người được thờ, tạo thành lưỡi của thanh gươm. Toàn bộ bài vị thờ đều được cách điệu, vừa mang tính khái quát cao, thể hiện được công trạng của người được thờ là những võ quan, vừa mang tính nghệ thuật với phong cách độc đáo, bề thế và uy nghiêm.

Tại Từ đường thờ Lương Quận Công Trần Như Lân còn có các văn bia, gia phả cách đây hơn 300 năm giúp nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử một thời đã qua của quê hương đất nước. Qua các tài liệu còn lưu giữ và truyền thuyết trong vùng kể lại: Trần Như Lân sinh năm 1563 tại làng Kim Lũ (nay là xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục) trong một gia đình nông dân nghèo. Bố mất sớm, sống trong cảnh mẹ góa con côi, ông sớm có ý thức tự chủ để gánh vác mọi công việc của gia đình. Từ các việc chăn trâu, kiếm củi, làm thuê ông đều không quản ngại. Ông còn ham luyện tập võ nghệ và chịu khó học hỏi, có trí rộng tài cao và sức khỏe phi thường. Nghe nói ở kinh đô dễ kiếm sống, ông đã lên kinh thành làm nghề gánh nước thuê. Ông thường dùng kiệu (chum to, miệng rộng) chứ không dùng thùng để gánh nước vì kiệu to chứa được nhiều nước hơn. Hằng ngày, ông đi gánh nước thuê ở gần một khu trường tập bắn cung của triều đình để đào tạo những nhân tài cho đất nước.

Một lần, ông đã xin nghỉ việc để vào trường bắn thử tài. Ông bắn ba phát đều trúng hồng tâm rồi biểu diễn võ, đấu kiếm và đua ngựa được cả trường bắn nhiệt liệt hoan nghênh. Phục tài nghệ của ông, triều đình nhà Lê đã trọng dụng đưa ông vào đội quân của triều đình. Trong cuộc nội chiến giữa nhà Lê và nhà Mạc, Trần Như Lân đã góp nhiều công sức cùng quân triều đình đánh tan nhà Mạc và được coi là rường cột của quốc gia lúc đương thời. Căn cứ theo gia phả dòng họ, ông có 5 người con trai đều là những vị tướng tài triều Lê. Chỉ trong mấy đời đầu, gia đình ông Trần Như Lân đã có 4 người được phong tước Quận công và 13 người được phong tước hầu.

Mặc dù làm quan to trong triều nhưng Lương Quận Công Trần Như Lân rất quan tâm tới quê hương, bản quán. Ông cùng gia đình công đức tu sửa đình, chùa, dựng chợ (chợ Chủ), đắp đường sá, xây cầu cống, mở bến đò, khai phá ruộng hoang, quy hoạch lại đồng ruộng và mua lại một số ruộng đất cho dân làng canh tác lấy hoa lợi lo vào những công việc chung. Nhờ có công lao với nước với dân, ông đã được nhân dân địa phương tôn làm phúc thần ngay lúc còn sống và sau khi mất ông còn được phối thờ tại đình làng. Hiện tại chùa Ngọc Lũ còn có nhiều tượng các vị bồ hậu là các bậc phu nhân của dòng họ Trần Như do có nhiều đóng góp tiền bạc, ruộng đất trong các đợt tu sửa chùa nên được tạc tượng để thờ.

Với những giá trị trên đây, Từ đường Lương Quận Công Trần Như Lân đã được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1995.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành 134/158 nhiệm vụ năm 2024

Môi trường - Đô Thị  |  14:08 22/12/2024

Sáng 22/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác chuyên môn năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.

Ban CHQS thành phố Phủ Lý gặp mặt gia đình quân nhân

Quốc phòng  |  12:50 22/12/2024

Sáng 22/12, Đảng ủy, Ban CHQS thành phố Phủ Lý tổ chức gặp mặt gia đình quân nhân đang công tác tại đơn vị nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). 

Tinh gọn bộ máy: Cuộc cách mạng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn

Chính trị  |  11:59 22/12/2024

Với phương châm: Trung ương làm trước, địa phương làm sau, Trung ương không đợi tỉnh, tỉnh không đợi huyện, huyện không đợi xã, với sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã và đang tạo ra "sức nóng" mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội. 

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC