Internet Việt Nam sắp ngừng sử dụng IPv4

Khoa học - Công nghệ 05:28 29/11/2024 Theo vnexpress.net
Trung tâm Internet Việt Nam cho biết sẽ tắt dần IPv4 từ 2027 và dự kiến chuyển hoàn toàn sang IPv6 từ 2030.

Tại sự kiện Internet Day 2024 sáng 27/11 ở Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam VNNIC, cho biết năm nay Internet toàn cầu đã chứng kiến một "bước nhảy" khi lần đầu biểu đồ định tuyến Internet trên IPv4 giảm vào ngày 5/5.

IP được hiểu là số nhận dạng hoặc địa chỉ của một thiết bị trên Internet. Trong quá trình sử dụng, các gói tin sẽ được định tuyến và di chuyển từ IP này tới IP kia. Với giao thức IPv4, không gian địa chỉ là hơn 4 tỷ, đã được sử dụng hết từ năm 2021, đòi hỏi phải chuyển sang IPv6 với không gian địa chỉ lớn hơn. Biểu đồ định tuyến Internet trên IPv4 đồng nghĩa với việc lượng kết nối trên IPv6 đã tăng mạnh.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Lưu Quý

Tại Việt Nam, khi Internet được triển khai năm 1997, giao thức duy nhất là IPv4, trước khi IPv6 được triển khai vào 2013. Từ đó đến nay, cả hai giao thức này cùng được sử dụng, dẫn đến có ba loại giao thức gồm IPv4 only, IPv6 only và kết hợp IPv4-IPv6.

Theo ông Thắng, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trên thế giới về sự chuyển dịch sang giao thức mới. Đến nay, tỷ lệ sử dụng IPv6 tại Việt Nam năm nay đạt 65,35%, vượt trội so với con số 40% của thế giới và nâng xếp hạng của Việt Nam lên top 7, tăng hai bậc so với năm ngoái.

Giám đốc VNNIC cũng nhận định xu thế chung của thế giới là sẽ chuyển dịch hoàn toàn sang IPv6 và Việt Nam cũng sẽ đón đầu xu hướng này. "2027-2028 sẽ là giai đoạn sẽ tập trung vào IPv6 only và đến 2030, toàn bộ là giao thức này", ông nói. Điều này đồng nghĩa IPv4 sẽ được tắt vào năm 2030. Kế hoạch chuyển đổi dự kiến được công bố chi tiết cuối năm nay.

Lịch trình triển khai IPv6 tại Việt Nam. Ảnh: Vnnic

Việc chuyển dịch hoàn toàn sang IPv6 được cho là mang lại nhiều giá trị, nhờ chi phí cho địa chỉ IP ngày càng rẻ, có thể tiết kiệm hàng triệu USD. Do cấu trúc tiêu đề được đơn giản hóa, IPv6 sử dụng ít điện năng hơn, từ đó đảm bảo yếu tố "xanh" cho kết nối Internet. Ngoài ra, nó cũng giúp đáp ứng các yêu cầu của những công nghệ mới như AI, 5G, Cloud, nhờ kết nối tốc độ cao hơn, độ trễ thấp hơn giao thức cũ. Lấy ví dụ với Facebook, ông Thắng cho biết công ty đã sử dụng IPv6 cho các trung tâm dữ liệu của mình từ năm 2015, từ đó giúp tốc độ tải tăng 20-40%.

Ngoài ra, khi công nghệ Internet vạn vật (IoT) phát triển, nhu cầu kết nối Internet tăng cao và chỉ IPv6 mới có thể đáp ứng kết nối của hàng chục triệu thiết bị.

Tại sự kiện, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên gọi giai đoạn từ 2016 đến nay là "Kỷ nguyên băng thông rộng và IoT", với các bước tiến như mạng 4G và 5G được triển khai, ứng dụng IoT trong sản xuất và đời sống được đẩy mạnh. Dẫn báo cáo của Statista, ông Liên cho rằng số người dùng Internet tại Việt Nam ước tính đạt hơn 100 triệu vào năm 2029.

"Cơ hội mở ra cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam rất lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao để doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường 100 triệu người dùng này", ông nói.

Trong khi đó, Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030, trung bình mỗi người dân sẽ sở hữu 4 kết nối IoT.

"Hệ sinh thái IoT không chỉ kết nối dữ liệu mà còn là nền tảng để triển khai các phần mềm, ứng dụng thông minh giúp xử lý và phân tích dữ liệu, thúc đẩy đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, đặc biệt là trung tâm dữ liệu biên, điện toán đám mây biên, mang lại cơ hội phát triển mới cho mọi lĩnh vực và giải quyết các bài toán của Việt Nam", ông Phúc nói.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Số ca mắc sởi tăng gấp 111 lần so với năm ngoái

Y tế  |  06:11 29/11/2024

So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi năm nay cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần; đã có 5 ca tử vong.

Sức hút của Giải Bóng bàn Cúp Báo Hà Nam

Trong tỉnh  |  05:30 29/11/2024

Giải Bóng bàn truyền thống Cúp Báo Hà Nam năm 2024 được tổ chức với sự tham gia của 230 vận động viên (VĐV) đến từ 18 đơn vị. Ngoài VĐV đến từ các cơ quan, đơn vị, trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao; phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) các huyện, thị xã, thành phố; giải năm nay còn thu hút đông đảo học sinh THPT, đại học và các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia, như: Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành; Trường THPT C Kim Bảng; Trường THPT Lý Nhân; Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại ASI Miền Bắc; Công ty TNHH Vận tải Hồng Hà… 

Đầu ra chậm, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh VLXD gặp khó

Kinh tế  |  05:29 29/11/2024

Từ cuối quý III/2024, hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) đã bắt đầu duy trì trở lại, do thời điểm cuối năm, các công trình phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh kế, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD vẫn đang dư thừa, tồn kho, trong khi đó nhu cầu của thị trường không cao dẫn đến ngành sản xuất VLXD vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC