Trường học hạnh phúc là một khái niệm đã và đang trở nên quen thuộc và ngày càng được coi trọng với ngành Giáo dục hiện nay. Bởi, giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm sâu sắc; giáo dục phải vì sự tiến bộ của con người... để trường học trở thành nơi nâng cánh cho những ước mơ, khát vọng của các thế hệ học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước. Và vì thế, ngoài trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh thì việc làm thế nào để mọi học sinh đều cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” được xem là mục tiêu mà bất kỳ một trường học nào cũng mong muốn đạt được.
"Trường học hạnh phúc" là một mô hình mang tới nhiều giá trị giáo dục bền vững. Mô hình này được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) định hướng chỉ đạo triển khai thí điểm bắt đầu từ tháng 4/2018 ở thành phố Huế, sau đó được nhân rộng và phát triển trên toàn quốc. Qua một số năm thực hiện, đến nay, việc xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc" đã trở thành phong trào thi đua của toàn ngành Giáo dục. Tại Hà Nam, tháng 12/2019, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nam đã tham mưu với lãnh đạo Sở GD&ĐT; đồng thời, có công văn gửi phòng GD&ĐT các huyện, thị, thành phố phối hợp hướng dẫn các trường học tổ chức và tham gia xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc".
Từ những hướng dẫn này, các cơ sở giáo dục dựa trên 3 tiêu chí về trường học hạnh phúc để cụ thể hóa và tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện nhà trường. Trong đó, tiêu chí thứ nhất về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân; tiêu chí thứ 2 về dạy và học; tiêu chí thứ 3 về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Các nội dung trong ba tiêu chí xây dựng "Trường học hạnh phúc" đều nhằm hướng tới sự thay đổi về nhận thức của các chủ thể trong nhà trường, thay đổi thói quen hành vi và cảm xúc để đạt được các giá trị cốt lõi về "yêu thương, an toàn, tôn trọng và tự hào"... cho cán bộ, giáo viên,cha mẹ học sinh, học sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục, để mô hình thực sự tác động tích cực đến tâm lý, nhận thức của cán bộ, nhà giáo, người lao động trong toàn ngành và trở thành một phong trào thi đua có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng cộng đồng học đường tích cực và bền vững, Công đoàn ngành đã tham mưu với Sở GD&ĐT lựa chọn Phòng GD&ĐT Phủ Lý là đơn vị điểm triển khai thực hiện xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc" trong các trường học; chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp với lãnh đạo nhà trường đăng ký xây dựng mô hình với 2 chuyên đề: “Thầy cô thay đổi hướng tới trường học hạnh phúc” và “Xây dựng trường học hạnh phúc đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”; đồng thời, đăng ký tham gia tập huấn chương trình "Hiệu trưởng thay đổi vì Trường học hạnh phúc"...
Để hỗ trợ các nhà trường trong triển khai mô hình, ngành Giáo dục đã xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn về năng lực ứng xử văn hóa cho đội ngũ nhà giáo, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị cho học sinh, học viên, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập. Công đoàn ngành Giáo dục đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh, học viên; tập huấn một số nội dung về tâm lý lứa tuổi, tâm lý học đường… trong mô hình “Trường học hạnh phúc” đối với 100% cán bộ quản lý, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn, tổng phụ trách đội, giáo viên cốt cán các cấp học trong toàn tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, tọa đàm về mô hình "Trường học hạnh phúc" nhằm hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm ở các nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến các hành vi vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của nhà giáo, người lao động trong hoạt động nghề nghiệp.
Trò chuyện với nhiều hiệu trưởng các cơ sở giáo dục về mô hình "Trường học hạnh phúc" đều nhận được một đáp án: Khi một ngôi trường được công nhận đạt các tiêu chí của "Trường học hạnh phúc" cũng có nghĩa là đã tạo được niềm tin với cha mẹ học sinh và xã hội, giúp ngôi trường ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để giữ được các giá trị này, đòi hỏi các nhà trường cố gắng, nỗ lực nhiều hơn và cần hơn nữa sự chung tay, góp sức của cha mẹ học sinh, của toàn xã hội. Đặc biệt, các nhà giáo cần ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm của mình để có được sự tôn vinh trong xã hội. Trong tập thể các nhà giáo, hiệu trưởng như một nhạc trưởng, có vai trò đặc biệt tạo không khí cho phong trào, tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh và giáo viên có những cảm xúc tích cực để kích thích sự sáng tạo và khẳng định sự tôn trọng với họ. Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với các nhà giáo, hiệu trưởng cần thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia, giảm bớt áp lực sổ sách, giấy tờ và thay đổi, chủ động giao quyền cho giáo viên, tạo môi trường để giáo viên quyết tâm đổi mới, gạt bỏ được tư duy thành tích.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS An Đổ (Bình Lục), các trường học hiện nay đang đối mặt với nhiều áp lực bởi những hiện tượng tiêu cực, như: bạo lực học đường, ma túy học đường, vi phạm Luật An toàn giao thông ở tuổi vị thành niên… xảy ra bên trong và bên ngoài trường học, rất khó kiểm soát chặt chẽ. Một trong những tiêu chí của "Trường học hạnh phúc" là phải bảo đảm sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý cho học sinh và cán bộ, nhà giáo, người lao động; không để vi phạm đạo đức nhà giáo và bạo lực học đường… Để làm được điều này, các nhà trường cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để tất cả học sinh và giáo viên cảm thấy được học tập và làm việc một cách hạnh phúc. Bên cạnh đó, trong hành trình xây dựng "Trường học hạnh phúc", các nhà trường phải huy động được đa dạng nguồn lực, vừa để phát huy trách nhiệm và để tạo động lực, sức mạnh thay đổi điều kiện vật chất trường lớp, tạo nên môi trường dạy và học an toàn, thân thiện, thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng một cách toàn diện cho người học...
Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (thành phố Phủ Lý), mô hình "Trường học hạnh phúc" được triển khai thực hiện đúng giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, các cơ sở giáo dục bắt đầu tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức, đưa mô hình vào thực tiễn. Với Trường THCS Trần Quốc Toản, một ngôi trường có bề dày gần 50 năm hình thành và phát triển, tích lũy được nhiều thành tích, tạo nền móng vững chắc để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng học đường tích cực và bền vững. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng giúp nhà trường vượt qua khó khăn, hướng tới thực hiện thành công mô hình. Ở đây, nhà trường đã đặt mục tiêu cần có một môi trường tốt để học sinh được phát triển toàn diện, phát huy tốt năng lực trong học tập và rèn luyện; giúp học sinh hoàn thiện nhân cách, có kỹ năng sống tốt để giải quyết tốt các vấn đề, tình huống trong cuộc sống.
Trường THCS Trần Quốc Toản có số lượng học sinh đông nhất trong khối các trường THCS của thành phố Phủ Lý nhưng điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, diện tích trường, lớp chật hẹp làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức các hoạt động giáo dục dành cho học sinh. Tuy nhiên, với các mục tiêu phát triển trường học, nhất là xây dựng "Trường học hạnh phúc", nhà trường đã luôn quan tâm chỉnh trang, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; tích cực tuyên truyền cho học sinh nhận thức rõ tác hại của bạo lực học đường, qua đó giúp các em chung tay xây dựng môi trường thân thiện, yên tâm học tập. Đầu năm học nhà trường kiện toàn ban tư vấn tâm lý cho học sinh với sự tham gia của đầy đủ các thành phần để giúp học sinh vượt qua áp lực và khó khăn trong học tập và cuộc sống. Cô giáo Bùi Việt Hằng, giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản chia sẻ: Chúng tôi luôn khuyến khích sự sáng tạo và khám phá của học sinh thông qua việc tham gia các cuộc thi. Hiện nay, thực hiện chương trình giáo dục mới, đòi hỏi phải có phương pháp giảng dạy sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm, chúng tôi đã kết hợp các phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, như: học dự án, học trải nghiệm giáo dục STEM và tự học để giúp học sinh khám phá kiến thức chủ động. Điều này không chỉ giúp các em tiếp thu nhanh, mà còn tạo sự hứng thú và thoải mái, phù hợp với tiêu chí hạnh phúc.
Thực tế, ngoài việc “Dạy tốt, học tốt”, Trường THCS Trần Quốc Toản còn chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa giúp cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm theo chủ đề về giáo dục pháp luật, về văn hóa đọc, về văn hóa truyền thống, giá trị văn hóa lịch sử, dân tộc... Các hoạt động trong và ngoài trường học, các thầy cô và học sinh luôn nhận được sự đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ của phụ huynh. Tháng 8/2024, hưởng ứng Cuộc thi “Viết và bình chọn Trường học hạnh phúc” do Tạp chí Trẻ em Việt Nam (Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam) tổ chức, Trường THCS Trần Quốc Toản là một trong hai trường duy nhất của Hà Nam nằm trong tốp 100 “Trường học hạnh phúc” toàn quốc được vinh danh.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa cho biết: Trường chúng tôi đã thực hiện triết lý giáo dục của một ngôi trường hạnh phúc là xây dựng môi trường giáo dục vừa bảo đảm chất lượng dạy và học, vừa hỗ trợ và tạo điều kiện để học sinh phát huy tối đa tiềm năng, niềm say mê của mình. Vì thế, Trường THPT chuyên Biên Hòa còn nổi bật với thương hiệu “trường của các câu lạc bộ”. Nhà trường hiện có trên 20 CLB, bao gồm cả các CLB sở thích và CLB học thuật, thể hiện rõ tính đa dạng, phong phú ở mọi lĩnh vực. Mỗi CLB là "sân chơi" lý tưởng để học sinh thỏa sức thể hiện, học tập và chứng tỏ bản thân, phát huy sở trường của mình.
Thực hiện: Chu Uyên Thiết kế: Đức Huy
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Bulgaria tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 - 28/11/2024.
Chuẩn bị Kỳ họp thường lệ cuối năm HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026 dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày (4,5,6/12), chiều 25/11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyên truyền phục vụ kỳ họp. Đồng chí Bùi Văn Hoàng, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Sáng 25/11, tại Trường THPT chuyên Biên Hòa, Ban Tuyên giáo Thành ủy Phủ Lý phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức tuyên truyền truyền thống 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.