Dọc vùng đất bãi ven sông Đáy có diện tích hàng chục ha của huyện Kim Bảng, thành phố Phủ Lý và huyện Thanh Liêm hiện đã cơ bản được phủ kín màu xanh của các loại cây trồng. Trên vùng bãi thuộc thôn Thanh Nộn, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) người dân đang tập trung chăm sóc lứa rau, ngô đầu tiên được trồng sau lũ. Một số diện tích rau ăn lá ngắn ngày đã và đang cho thu hoạch. Bà Phạm Thị Hoa ở xã Thanh Sơn (Kim Bảng) có gần 2 sào đất bãi trồng và thu được lứa rau ăn lá đầu vụ đông ở phần diện tích đất cao. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà đã xuống giống cho lứa bắp cải chính vụ cũng là loại cây trồng chính trên diện tích sản xuất. Bà Hoa cho biết: Lũ rút, khi đất khô tôi tranh thủ trồng lứa rau ăn lá ngắn ngày cung cấp cho thị trường lúc khan hiếm, giá cao. Lứa bắp cải hiện nay sẽ cho thu vào đúng dịp Tết Nguyên đán tới.
Hiện nay, vùng đất bãi ven sông Đáy của các địa phương khác trong tỉnh đều đang tập trung sản xuất sau lũ. HTX nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng) có diện tích sản xuất hơn 4 ha giáp với vùng đất bãi của thôn Thanh Nộn, lên kế hoạch sản xuất ngay khi nước lũ trên sông Đáy bắt đầu rút. Quá trình sản xuất được thực hiện thành 2 giai đoạn chính gồm: sản xuất rau ăn lá ngắn ngày và cây ưa lạnh. Do lũ rút chậm và chờ đất khô đã sang đầu tháng 10, HTX bố trí khoảng 0,5 ha chân đất cao và tập trung trong các nhà lưới (gần 2.000 m2) trồng rau ăn lá để có sản phẩm cung ứng cho các đầu mối tiêu thụ theo hợp đồng. Diện tích còn lại, HTX dành hơn 1 ha trồng khoai tây theo chương trình cung cấp cho Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Việt Nam phục vụ chế biến, gần 2ha trồng bắp cải và các loại rau ưa lạnh khác cung ứng cho thị trường dịp trước và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Trên vùng đất bãi xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) trải dài gần 1 km, diện tích hơn 10 ha, người dân địa phương đang thực hiện sản xuất đa dạng cây trồng. Trong đó, có đến 60% diện tích trồng chủ yếu 2 loại hoa chính, gồm: cúc và lay ơn. Chị Đặng Thị Thơ, người dân thôn 5, có 3,5 sào đất bãi đã trồng toàn bộ hoa, với 1,5 sào lay ơn, 2 sào cúc chia thành các lứa. Theo chị Thơ, do ảnh hưởng của lũ trong tháng 9 nên không trồng được lứa hoa sớm cho thu vào khoảng tháng 11 âm lịch nên toàn bộ diện tích sẽ được trồng tập trung bán vào dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng. Vụ hoa đông năm nay, tuy giá các loại giống hoa đều cao hơn 20 – 30% so với những năm trước, nhưng gia đình vẫn đầu tư trên 40 triệu đồng tiền giống để phát triển sản xuất. Theo dự tính, vụ hoa thuận lợi sẽ có nguồn thu tốt, lợi nhuận bình quân đạt 10 – 20 triệu đồng/sào.
Sau lũ, sản xuất trên vùng đất bãi ven sông Đáy của tỉnh khá thuận lợi. Trải qua lũ đất được làm sạch, diệt trừ các đối tượng sâu, bệnh còn tồn dư trong đất, thuận lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, sản xuất có thể giảm được từ 1 – 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Đợt lũ năm nay kéo dài và trên diện rộng làm chậm thời vụ dẫn đến khan hiếm các sản phẩm nông nghiệp nói chung, là cơ hội được giá cho nông sản vùng bãi. Vì thế, đẩy mạnh khôi phục phát triển sản xuất trên vùng đất bãi màu mỡ sông Đáy sau lũ giúp nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân. Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Người dân vùng bãi đã chủ động có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ giống, vốn, vật tư để khi có đất triển khai sản xuất ngay. Hiện, việc khôi phục sản xuất trên vùng bãi sau lũ đang được thực hiện hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh.
Đối với người dân những vùng ven sông Đáy, việc khôi phục và sản xuất ổn định sau lũ hứa hẹn mang lại thắng lợi cả về năng suất và giá trị; đồng thời, tạo đà cho phát triển những vụ sản xuất tiếp theo.
Các siêu cường thế giới đang thử nghiệm năng lực quân sự tương lai khi vệ tinh sát thủ và không chiến trong không gian trở thành những nguy cơ chiến tranh mới.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho nhân dân, ngày 10/9/2021, UBND thị xã Duy Tiên đã ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND về thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Toàn tỉnh hiện nay có khoảng 670 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) nằm trải rộng ở tất cả các địa phương; trong đó có 668 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và 2 cơ sở giết mổ tập trung của Công ty cổ phần tập đoàn Masan (Khu công nghiệp Đồng Văn IV). Công tác kiểm soát giết mổ GSGC mới chỉ thực hiện được ở 2 cơ sở giết mổ tập trung. Điều này, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đồng thời, gây khó khăn trong công tác giám sát, ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.