Cần phát động, tổ chức “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm” hằng năm

Chính trị 16:47 06/11/2024 NDO
Thực hiện chủ trương “Tiết kiệm là quốc sách” của Đảng và Nhà nước ta, những năm qua, các cấp, các ngành và các địa phương trong cả nước đã có nhiều quy định và biện pháp nhằm thực hành tiết kiệm, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lãng phí và bước đầu đạt được một số hiệu quả nhất định.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngày 30/10/2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tuy nhiên, để nhắc nhở, động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và tích cực thực hành tiết kiệm, chúng ta nên tổ chức “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm”.

Chủ trương, chính sách tiết kiệm chưa thật sự phát huy hiệu quả

Về mặt chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 21/12/2012, Ban Bí thư khóa XI ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ban hành Pháp lệnh về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998. Pháp lệnh này sau đó được Quốc hội khóa XI nâng lên thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005. Sau tám năm thời gian thực hiện luật này, nhận thấy những bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013. Hiến pháp năm 2013 cũng hiến định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế-xã hội và quản lý nhà nước.

Như vậy, trong vòng 15 năm, chính sách về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được đưa lên bàn nghị sự ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất không dưới ba lần, điều đó cho thấy sự cấp bách của một vấn đề xã hội được Quốc hội đặc biệt quan tâm. Sự ra đời của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là văn bản pháp lý quan trọng trong việc thúc đẩy thực hành tiết kiệm ở mọi cấp, mọi ngành từ Trung ương đến cơ sở.

Cùng với những quy định, chế tài bắt buộc các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức nhà nước phải thực hành tiết kiệm, chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân thường xuyên nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm ở mọi lúc, mọi nơi, đồng thời phải chú trọng kiểm tra và xử lý nghiêm minh những nơi, những người gây lãng phí, làm thất thoát tiền của, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, việc thực hành tiết kiệm vẫn chưa thành nền nếp thường xuyên, ý thức tiết kiệm chưa trở thành ý thức thường trực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Tình trạng lãng phí gây thất thoát tiền bạc, tài sản công vẫn diễn ra khá phổ biến, có nơi và có vụ việc rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng ngân sách nhà nước và đời sống nhân dân.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng lãng phí còn nghiêm trọng, đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, đó là: Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Ý nghĩa sâu sắc của “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm”

Phát huy tinh thần, hiệu quả của những “ngày/ngày hội toàn dân”, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên phối hợp tổ chức, phát động phong trào “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm”; đồng thời duy trì thường niên “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm”.

Trong ngày này, cùng với làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa chính trị-xã hội của “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm”, Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền các cấp huy động, động viên mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân tự nguyện trích một khoản tiền nhất định của mỗi cá nhân đóng góp vào “Quỹ tiết kiệm quốc gia”.

Số tiền này thu được sẽ hỗ trợ công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách và giải quyết một số chính sách an sinh xã hội.

Duy trì thực hiện “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm” hằng năm có ý nghĩa sâu sắc cả về chính trị, kinh tế-xã hội. Về mặt chính trị, đây là ngày giúp cho mọi công dân thấy rõ vai trò, tác dụng, ý nghĩa to lớn của việc thực hành tiết kiệm để phục vụ đầu tư cho phát triển đất nước.

Về khía cạnh kinh tế, thông qua thực hiện ngày này sẽ huy động được một lượng tiền đáng kể trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về chính sách kinh tế quốc gia.

Về phương diện xã hội, đây là ngày thúc đẩy, lan tỏa phong trào toàn xã hội nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm; giáo dục mọi công dân và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hợp lý hóa việc thu-chi; động viên mọi ngành, mọi nghề, mọi nhà, mọi người đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động sản xuất, triệt để thực hành tiết kiệm, hạn chế tới mức thấp nhất sự lãng phí cả về thời gian, tiền bạc, của cải, sức lực.

Về thời gian tổ chức, có thể nghiên cứu, xác định lấy ngày 29/11 hằng năm là “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm”. Sở dĩ lấy ngày này vì ngày 29/11/2005, lần đầu tiên Quốc hội khóa XI ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là dấu mốc chính thức luật hóa chủ trương “Tiết kiệm là quốc sách” của Đảng, Nhà nước ta.

Việc phát động, duy trì tổ chức “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm” vào ngày 29/11 hằng năm cũng là một cách vận dụng quan điểm, cách làm “đưa chính trị vào giữa dân gian” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện văn hóa tiết kiệm, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Trung Quốc trang bị những 'vũ khí' gì cho cuộc chiến thương mại 2.0 với Mỹ?

Quốc tế  |  06:06 24/11/2024

Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nêu 10 yếu tố hình thành trạng thái hạnh phúc cho người học

Giáo dục  |  05:45 24/11/2024

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".

Đổi mới công tác nữ công theo hướng thiết thực, hiệu quả

Đoàn - Hội  |  05:43 24/11/2024

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC