Phát triển cây vụ đông hàng hóa, hướng đến giá trị xanh bền vững

E-MAGAZINE 10:45 04/11/2024 www baohanam.com.vn

Nhiều năm qua, vụ đông luôn được xác định là một trong 3 vụ sản xuất chính trong năm và là vụ sản xuất hàng hóa chính, có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, sự biến động về giá cả vật tư nông nghiệp, cộng với những bất thuận về thời tiết... đã khiến cho sản xuất vụ đông của nhiều địa phương hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Vậy, làm thế nào để vụ đông thực sự trở thành vụ sản xuất hàng hóa chính, đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao, cùng với các lĩnh vực khác trong sản xuất nông nghiệp phát huy được vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế của tỉnh?

Nhìn lại sản xuất vụ đông những năm gần đây có thể khẳng định: sản xuất vụ đông đã và đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ về chất (cả về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng và năng suất, giá trị sản phẩm). Nhiều mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng nông nghiệp xanh hình thành và ngày càng mở rộng, hướng tới sự phát triển xanh và bền vững.

Nông dân xã Nguyễn Úy (Kim Bảng) chăm sóc cho diện tích dưa chuột vụ đông.

Được đánh giá là một trong những địa phương có phong trào sản xuất vụ đông phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, tổng diện tích gieo trồng vụ đông hằng năm của huyện Kim Bảng luôn ổn định từ 1.700-1.900 ha. Xác định vụ đông là vụ sản xuất hàng hóa chính trong năm nên các địa phương đã bám sát chỉ đạo của huyện, của ngành, tập trung mở rộng diện tích cây vụ đông hàng hóa; đồng thời, lựa chọn những cây trồng cho năng suất, giá trị kinh tế cao và phù hợp với đồng đất của địa phương vào sản xuất đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Vụ đông năm 2023, tổng diện tích cây trồng vụ đông có giá trị xuất khẩu của huyện đạt gần 1.300 ha, chiếm hơn 60% tổng diện tích gieo trồng vụ đông, đạt 106,6% kế hoạch. Những loại cây có diện tích trồng lớn, như: dưa chuột gần 420 ha, bí đỏ hơn 500 ha, ngô nếp, ngô ngọt 265 ha… Cây vụ đông hàng hóa được trồng tại các cánh đồng mẫu có quy mô lớn. Hiện, toàn huyện có 12/18 cánh đồng mẫu (chiếm trên 80% diện tích) trồng cây vụ đông. Phần lớn diện tích sản xuất vụ đông ở Kim Bảng đều được ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) hoặc đại lý. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên trồng các loại cây hàng hóa có giá trị xuất khẩu ở các xã: Tượng Lĩnh, Nguyễn Úy, Lê Hồ, Nhật Tân, Đồng Hóa, Văn Xá… Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Kim Bảng cho biết: Sản xuất cây vụ đông hàng hóa hiện đã thành truyền thống tại các địa phương trong huyện. Cùng với việc diện tích cây vụ đông hàng hóa được duy trì ổn định hằng năm, giá trị sản xuất cây vụ đông cũng ngày càng được nâng cao; bình quân giá trị thu nhập đạt từ 130-150 triệu đồng/ha/năm. Riêng cây dưa chuột xuất khẩu cho giá trị đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5-2 lần so với trồng lúa. Đó cũng chính là lý do vì sao trong khi diện tích cây trồng vụ đông ở nhiều địa phương khác trong tỉnh ngày càng bị thu hẹp, nông dân không còn "mặn mà" với cây trồng vụ đông thì ở Kim Bảng, sản xuất vụ đông đã đi vào thực chất, không còn là phong trào. Cùng với sự phát triển của các ngành nghề kinh tế phi nông nghiệp thì nông dân Kim Bảng vẫn “nặng lòng” với sản xuất nông nghiệp; đặc biệt, là sản xuất vụ đông.

Cũng như Kim Bảng, nhiều địa phương trong tỉnh đang duy trì khá ổn định sản xuất vụ đông hàng hóa. Tại thành phố Phủ Lý, mặc dù diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, có nhiều doanh nghiệp, ngành nghề phát triển nhưng một số vùng vẫn duy trì sản xuất cây vụ đông hàng hóa. Trong đó, cây trồng chủ lực là dưa chuột, được trồng tập trung nhiều ở xã Trịnh Xá, diện tích trồng hơn 10 ha.

Với lợi thế về đồng đất và giao thông thuận lợi, hiện huyện Lý Nhân được ghi nhận là địa phương có diện tích vụ đông lớn nhất tỉnh, đạt 3.000 ha; Trong đó, riêng diện tích trồng các loại cây hàng hóa giá trị cao khoảng 1.000 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích gieo trồng vụ đông; tập trung nhiều ở các xã có truyền thống trồng cây vụ đông như: Nhân Nghĩa, Bắc Lý, Trần Hưng Đạo và đặc biệt là xã Chân Lý, nơi có vùng sản xuất cây dưa chuột (tập trung chính dưa chuột bao tử xuất khẩu) gần 100 ha trong vụ đông. Ở Chân Lý có hộ diện tích trồng cây dưa chuột xuất khẩu lên tới 1 ha… Theo ông Vũ Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý, diện tích cây dưa chuột xuất khẩu tại địa phương phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Do đầu ra tương đối thuận lợi, giá cả ổn định, lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa, nên sản xuất cây dưa chuột đã trở thành nghề cho thu nhập chính đối với nhiều lao động ở Chân Lý hiện nay.

Không chỉ được mở rộng về diện tích, sản xuất vụ đông hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn, Viet GAP, hữu cơ đã và đang được nhiều địa phương quan tâm, phát triển. Là huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, nên nhiều năm qua, Bình Lục đã quan tâm xây dựng các vùng sản xuất xanh, áp dụng phương pháp canh tác thông minh, bảo vệ môi trường sinh thái thông qua hệ thống nhà kính công nghệ cao, nhà màn. Toàn huyện có trên 20 mô hình, với tổng diện tích nhà kính, nhà màn gần 40.000m2. Tại HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Lục) xây dựng khu nhà màn rộng 3.000m2 chuyên sản xuất rau thực phẩm an toàn. Trên vùng đất bãi sản xuất rau truyền thống xã Bình Nghĩa đã xây dựng 5 khu nhà kính công nghệ cao và nhà màn có diện tích từ 500 – 1.000m2…

Không chỉ đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, sản xuất cây vụ đông hàng hóa đã và đang góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất của nông dân từ “tư duy phong trào” sang “tư duy thị trường”. Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN & PTNT) khẳng định: Các mô hình cây trồng hàng hóa vụ đông và sản xuất trong nhà kính công nghệ cao, nhà màn tại các địa phương trong tỉnh thực sự đã và đang phát huy được hiệu quả toàn diện về năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế. Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tích cực hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và bảo quản sản phẩm nông sản vụ đông cho người dân. Qua đó nhằm nâng cao hiệu quả đối với sản xuất vụ đông hàng hóa.

Sản xuất vụ đông hàng hóa đã thực sự làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng trên đồng ruộng, đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất chung trên diện tích canh tác. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng của các địa phương. Về diện tích sản xuất có chiều hướng tăng, nhưng không đồng đều ở các địa phương, chỉ tập trung chính tại những nơi có truyền thống trồng vụ đông như các huyện: Kim Bảng, Lý Nhân và vùng ven sông Châu của huyện Bình Lục…

Nông dân xã Bình Nghĩa (Bình Lục) chăm sóc cây bắp cải vụ đông.

Nhiều địa phương trước đây có thế mạnh sản xuất cây vụ đông hàng hóa, hiện cơ bản không còn duy trì. Nếu so với thời kỳ cao điểm, tổng diện tích gieo trồng vụ đông của tỉnh hiện nay giảm tới gần 50%. Ngoài những nguyên nhân khách quan do chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển giao thông, công nghiệp, thương mại dịch vụ thì vẫn còn có nguyên nhân do tư duy sản xuất vụ đông của một số địa phương vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa tạo được sức bật về giá trị kinh tế. “Cung chưa đủ cầu” sản xuất vụ đông vì thế thiếu tính bền vững.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 10 doanh nghiệp chế biến nông sản, nhưng lượng thu mua trên địa bàn mới đáp ứng được khoảng 50 – 70% so với nhu cầu cho sản xuất, chế biến. Ông Lương Văn Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, xã Chân Lý (Lý Nhân) chia sẻ: Trong vụ đông, doanh nghiệp có nhu cầu thu mua khoảng hơn 2.000 tấn dưa chuột bao tử xuất khẩu để chế biến và cung cấp nguyên liệu cho đối tác. Tuy nhiên, mỗi vụ doanh nghiệp chỉ thu mua được khoảng hơn 1.000 tấn, có vụ thấp hơn (chủ yếu ở địa bàn huyện Lý Nhân... Thiếu vùng nguyên liệu tập trung, với số lượng lớn, dẫn đến tình trạng “cung không đủ cầu”, chính là một trong những nguyên nhân căn bản khiến cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực “đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, rủi ro cao” vốn đã khó càng thêm khó.

Lý giải về những nguyên nhân, diện tích sản xuất vụ đông bị chững lại trong mấy năm gần đây, theo ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước hết là do việc tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ đông của nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở còn buông lỏng, thiếu kiên quyết; sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chưa đủ mạnh, nên phong trào sản xuất vụ đông giảm dần. Hiệu quả sản xuất vụ đông cũng chưa thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, thời tiết trong vụ sản xuất này thường xuyên có những bất lợi làm thiệt hại cây trồng các loại. Giá cả vật tư đầu vào, như phân bón, giống quá cao làm tăng chi phí sản xuất, nên hiệu quả sản xuất thấp, thậm chí thua lỗ và từ đó người dân không mặn mà với sản xuất vụ đông. Sự kết nối, liên kết sản xuất thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất chưa nhiều. Vụ đông 2023 chỉ có khoảng trên 10 cơ sở sản xuất có liên kết với một số doanh nghiệp để bao tiêu các sản phẩm dưa chuột, bí đỏ,  ngô nếp, rau củ quả các loại... nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, số lượng sản phẩm không nhiều nên hiệu quả sản xuất cũng hạn chế. Đặc biệt, sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp trong những năm gần đây đã tạo ra làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Hầu hết,  lao động trẻ đi làm ở các doanh nghiệp, có thu nhập cao hơn... nên việc sản xuất vụ đông gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nơi gần như không làm được vụ đông.

Như tại xã Liêm Sơn (Thanh Liêm), trước đây, sản xuất cây dưa chuột xuất khẩu vụ đông được thực hiện ở cả 2 HTX (Nam Sơn và Bắc Sơn) với diện tích mỗi nơi hơn 10 ha. Nhưng khoảng 2 – 3 năm gần đây, cây dưa chuột tại địa phương không còn được duy trì do thiếu lao động, sản xuất nhỏ lẻ khó thực hiện cả trong khâu phục vụ tưới, tiêu và thu mua sản phẩm. Theo ông Đoàn Ngọc Thành, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bắc Sơn, vào vụ HTX đều triển khai kế hoạch trồng vụ đông xuống tận thôn để các hộ đăng ký sản xuất. Tuy nhiên, chỉ có một số hộ làm, ruộng sản xuất lại nằm rải rác không gọn vùng nên khó triển khai...

Sản xuất rau vụ đông.

Ngoài những nguyên nhân trên, tại một số địa phương, công tác quy hoạch gắn kết 3 vụ trong năm, nhất là bố trí vụ mùa sớm gắn sản xuất vụ đông ưa ấm chưa được sát; việc xác định đối tượng cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương còn lúng túng; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, đa phần khâu tiêu thụ sản phẩm vụ đông hàng hóa không qua hợp đồng kinh tế, dẫn đến trong cùng 1 vụ khi có ít sản phẩm giá cao, thời điểm thu hoạch rộ giá giảm…

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, vụ đông năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 8.000 ha; trong đó, có hơn 5.000 ha cây vụ đông trên diện tích đất 2 lúa, với những loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, như: Dưa chuột (700 - 800ha), bí xanh và bí đỏ (1.200ha), ngô nếp (400 ha)…Theo đó, sở cũng chỉ đạo các địa phương phát triển những cánh đồng sản xuất vụ đông tập trung tạo ra sản phẩm hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, các loại cây trồng trong vụ ít nhiều có sự thay đổi, việc tiêu thụ các sản phẩm yêu cầu cao về chất lượng ...Vì vậy, sản xuất vụ đông ở các địa phương cần sớm chuyển nhanh, chuyển mạnh từ tư duy tăng sản lượng sang tăng giá trị để tăng hiệu quả kinh tế. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp "bán những cái mình có" sang tư duy kinh tế nông nghiệp, “bán cái thị trường cần”. Thực tế trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng, người nông dân ít khi tính toán tới chi phí đầu vào, mà chú trọng nhiều vào giá bán, thấy sản phẩm cây trồng gì vụ trước, năm trước bán được giá thì vụ sau, năm sau đua nhau sản xuất nhiều loại sản phẩm đó. Do đó khó tránh khỏi trường hợp được mùa mất giá.

 Để sản xuất vụ đông thực sự đem lại hiệu quả, trước hết, cần thay đổi cách làm, cách nghĩ trước đây, không sản xuất chạy theo phong trào để lấy thành tích hoặc sản xuất tự do, tự phát chạy theo giá cả; sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún gây ra tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Diện tích sản xuất vụ đông cần phải được quy hoạch trên những vùng đất cao, khả năng tiêu thoát nước tốt, ít bị ngập úng. Chỉ nên tập trung gieo trồng những cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn để thu hoạch xong trước thời vụ gieo trồng cây vụ xuân trên đất đó, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ và cho hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Cũng theo ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trước khi bước vào sản xuất vụ đông, các HTXDVNN và chính quyền các địa phương cần tích cực hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách liên kết với doanh nghiệp; coi doanh nghiệp là người đỡ đầu. Đặc biệt, để tạo ra những “sản phẩm thị trường cần”, các mô hình sản xuất vụ đông cũng phải tuân thủ theo tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường (VietGAP, Global GAP) hoặc theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đặt hàng.  

Trên thực tế, mặc dù nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh cho người dân nhưng sau đại dịch Covid-19 lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn; giá trị các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giảm mạnh, nhiều mặt hàng không xuất khẩu được nên ế đọng, giá giảm mạnh... Vì vậy, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo đà thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, bảo đảm sản xuất vụ đông 2024 đạt kết quả tốt, tại Hội nghị tổng kết công tác sản xuất vụ đông năm 2023; triển khai sản xuất vụ động năm 2024, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng đã yêu cầu: Các địa phương cần tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ hình thành những vùng sản xuất cây vụ đông lớn, tập trung và ổn định. Đồng thời, nhấn mạnh trong chiến lược phát triển trồng trọt, sản xuất vụ đông vẫn được xác định là vụ sản xuất chính. Do đó, các ngành, địa phương và người dân tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông bài bản, hiệu quả hơn. Đối với nhóm cây ưa ấm cần lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng càng sớm càng tốt. Đối với nhóm cây ưa lạnh cần bố trí thời vụ hợp lý để khai thác tối đa điều kiện đất đai, lao động nhằm hạn chế thu hoạch số lượng lớn sản phẩm trong một thời điểm gây dư thừa, rớt giá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng…

Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh trong phát triển vụ đông, theo Sở NN&PTNT Hà Nam, bên cạnh những giải pháp mang tính đột phá của các địa phương, các bộ, ngành chức năng, cần tham mưu đề xuất Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất cây vụ đông, đặc biệt là cây vụ đông trên đất chuyên trồng lúa nước để phát triển và mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, tăng cường giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp có khả năng, uy tín trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhằm tăng giá trị kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất vụ đông nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung ngày càng phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Thực hiện: Minh Thu – Mạnh Hùng Thiết kế: Đức Huy

TIN MỚI CẬP NHẬT

CLB Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Lý Nhân kết nạp 5 thành viên mới

Đoàn - Hội  |  17:40 26/12/2024

Ngày 26/12, Câu lạc bộ (CLB) Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi huyện Lý Nhân tổng kết công tác hoạt động năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Hòm Quỹ nhân đạo tại Siêu thị GO! Hà Nam thu được trên 9,2 triệu đồng

Xã hội  |  17:35 26/12/2024

Hưởng ứng Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" và phong trào "Người tốt việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa phối hợp với Siêu thị Go! Hà Nam mở hòm Quỹ nhân đạo đặt tại siêu thị.

Phong trào "Tuổi cao, gương sáng" ở phường Trần Hưng Đạo

Đoàn - Hội  |  17:25 26/12/2024

Phát huy tinh thần tuổi cao, gương sáng, những năm qua, người cao tuổi (NCT) phường Trần Hưng Đạo (TP Phủ Lý) luôn gương mẫu đi đầu, thực hiện các phong trào thi đua của địa phương, tích cực tham gia phát triển kinh tế, là tấm gương cho con cháu noi theo.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC