Bà Vũ Thị Minh Phượng, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết: Hà Nam hiện có 8 KCN đang hoạt động, thu hút 1.227 dự án đầu tư; trong đó có 401 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 6,490 tỷ USD. Với chủ trương ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực trong lĩnh vực điện tử, nông nghiệp CNC, thân thiện với môi trường, Hà Nam đã dành riêng Khu công nghiệp Đồng Văn III để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.
Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện nay, Nhật Bản là quốc gia có số lượng nhà đầu tư đứng thứ hai tại tỉnh Hà Nam, với 108 dự án (chiếm gần 30% số dự án FDI tại Hà Nam) có tổng số vốn đăng ký hơn 1,333 tỷ USD. Những năm qua, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn đứng tốp đầu trong danh sách các doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh; trong đó, có thể kể đến như Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, Chi nhánh Công ty Honda Việt Nam tại Hà Nam, Công ty TNHH YKK Việt Nam, Công ty TNHH Kyosha Việt Nam…
Những con số trên đã khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Hà Nam, đồng thời khẳng định những định hướng đúng đắn và tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Hà Nam trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong lĩnh vực thu hút đầu tư nói riêng; đặc biệt là thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Tại hội nghị làm việc với Đoàn công tác tỉnh Gunma (Nhật Bản) ngày 13/10 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy đã khẳng định: Hà Nam luôn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức của nước ngoài, cũng như thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp của Nhật Bản. Hà Nam coi hợp tác đầu tư với Nhật Bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng để huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, chế biến theo định hướng của tỉnh; giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách, tham gia tích cực vào các hoạt động an sinh xã hội của tỉnh...
Hiện, ngoài việc dành riêng một KCN để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản với hạ tầng đồng bộ, bảo đảm chất lượng các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp, Hà Nam đã thành lập Japan Desk- Văn phòng hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản khi đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại tỉnh; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với các nhà đầu tư để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, thời gian qua, Hà Nam đã tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tỉnh đã mời các chuyên gia là giám đốc các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia hội đồng tư vấn trong công tác giảng dạy, đào tạo nghề cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam. Đây cũng chính là nguồn lao động cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng. Với chủ trương ưu tiên các nhà đầu tư có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, những năm qua, Hà Nam đã duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến đầu tư, thăm và làm việc với các địa phương của Nhật Bản, cũng như đón các đoàn chính quyền địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản tới thăm, làm việc, khảo sát môi trường đầu tư tại tỉnh.
Trên cơ sở xác định hợp tác với các địa phương của Nhật Bản là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản; không chỉ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, năm 2023, tỉnh đã tổ chức và tham gia rất nhiều sự kiện thiết thực kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Việc tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023, Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản; Chương trình giao lưu bóng đá giữa đội tuyển bóng đá nữ thành phố Kobe và Hyogo với đội bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam; tham dự Lễ hội Việt Nam tại tỉnh Kanagawa; tham dự Hội nghị gặp gỡ Nhật Bản 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức, các sự kiện do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức…đã thể hiện quan hệ hợp tác tốt đẹp và bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, giữa tỉnh Hà Nam và các địa phương, đối tác của Nhật Bản nói riêng. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hà Nam và các đối tác Nhật Bản vẫn còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác. Vì vậy, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực Hà Nam đang ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư, như công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, y tế...
Nhật Bản hiện cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn và chủ lực của Việt Nam. Với nguồn lao động dồi dào, có chất lượng, thời gian tới, Hà Nam sẽ thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức của Nhật Bản để đưa người lao động của tỉnh sang làm việc, học tập tại Nhật Bản, nhất là trên lĩnh vực y tế, điều dưỡng. Tiếp tục chiến lược thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, trong tháng 10 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã làm việc với Thống đốc tỉnh Gunma, Nhật Bản và đoàn doanh nghiệp. Đây là địa phương hiện có 12.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc, là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại tỉnh. Vì vậy, chương trình hợp tác trên lĩnh vực lao động giữa tỉnh Hà Nam với tỉnh Gunma và các địa phương khác của Nhật Bản trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội và mang lại những kết quả tích cực.
Nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch, Hà Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, sự kiện, tổ chức các hoạt động xúc tiến, khảo sát thị trường du lịch với các đối tác, địa phương của Nhật Bản để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch từ Nhật Bản đến với Hà Nam.
Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường của nhau.
Được xác định là một trong 3 trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ngày càng đa dạng và linh hoạt. Giá trị nông sản vì thế ngày càng được nâng cao. Đó chính là nội dung phỏng vấn của phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh.
Chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây được quan tâm duy trì ổn định với tổng đàn trên 28.000 con. Hướng đi này giúp bò thịt dần từng bước thay thế một phần cho đàn lợn đang có xu hướng giảm do tác động từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh và giá cả bấp bênh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.