Cựu chiến binh đam mê chế tác đá cảnh

Xã hội 05:32 31/10/2024 Bùi Linh
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hoà, thôn Hoàng Mai Yên, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm đã nỗ lực phấn đấu vươn lên và trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Năm 1980 vừa tròn 18 tuổi, người thanh niên Nguyễn Văn Hòa lên đường nhập ngũ (vào đơn vị 539 trực thuộc Đặc khu Quảng Ninh). Tháng 4/1985, ông hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc và trở về quê hương. Vốn sinh ra trong gia đình có nghề chế tác đá cảnh nhưng ông lại lựa chọn công việc tại Xí nghiệp máy kéo Thanh Liêm. Đến năm 1996, CCB Nguyễn Văn Hoà trở về tiếp quản xưởng chế tác đá cảnh của gia đình. Ông đặt tên xưởng là Hoà Tuyết Sơn.

Trải qua 28 năm làm nghề với biết bao thăng trầm, CCB Nguyễn Văn Hoà chia sẻ: Tôi phải lặn lội vào các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình… để tìm được những thế đá đẹp, đem về chế tác theo nhu cầu của khách hàng. Việc chọn đá vô cùng kỳ công, tỉ mỉ. Những chất liệu đá tôi sử dụng chế tác thường là đá trơn, đá cổ thạch, đá tuyết sơn với những đường vân được tạo hoá khắc sâu vào đá; mặt đá nhẵn mịn, không có vết rạn nứt.

Sau khi vận chuyển các khối đá về đến xưởng, ông Hoà cùng những người thợ sẽ bắt đầu ghép đá. Những phiến đá to khó ghép hơn nên cần sự tập trung của những người thợ cùng phối hợp với nhau. Phần lớn đá được để tự nhiên, song cũng có nhiều phiến đá cần cắt xẻ, khoan, đục để tạo hình dáng cho sản phẩm. Sau khi đã ghép xong phần thô sản phẩm, ông tiến hành phủ lớp sơn bóng chống mất màu cho đá. Công đoạn cuối cùng, ông Hoà sẽ trồng những loại cây ưa sống trên đá như: lam điền,  si,  tùng la hán, trắc bách diệp, hoa đá… để hoàn thiện sản phẩm chờ ngày giao đến tay khách hàng.

CCB Nguyễn Văn Hòa đã có 28 năm gắn bó với nghề chế tác đá cảnh.

Ngày trước, công việc chế tác đá cảnh của CCB Nguyễn Văn Hòa vất vả hơn do máy móc kĩ thuật chưa nhiều, mọi công đoạn đều phải làm bằng tay. Khi đó, để vận chuyển các khối đá lớn ông Hoà phải sử dụng pa lăng xích và tời. Bây giờ, với sự trợ giúp của máy móc hiện đại, công việc của ông cũng vơi bớt phần nào vất vả. Sau nhiều năm làm nghề, CCB Nguyễn Văn Hòa đã có thu nhập ổn định khoảng 1 tỷ đồng/năm. Ông mua được xe cẩu, sắm đầy đủ máy móc như máy cắt xẻ, máy khoan và mở rộng được quy mô xưởng sản xuất. Ngoài ra, CCB Nguyễn Văn Hòa còn tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương với mức lương từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Luôn bảo đảm chất lượng và uy tín, xưởng chế tác đá cảnh của CCB Nguyễn Văn Hòa có lượng khách hàng và thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài chế tác sản phẩm hòn non bộ, xưởng của ông còn nhận thi công các công trình sân vườn, hồ cá, tiểu cảnh… Ông luôn tích cực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm trong nghề để có thể đáp ứng với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Khách hàng của ông có sở thích rất đa dạng, người thì chọn đá trơn, có người thích đá có đường nét hoa văn, nhiều người mua đá theo tuổi, theo phong thủy… Từ hòn đá vô tri, qua bàn tay của ông Hòa đã cho ra nhiều tác phẩm đẹp như: Non bộ bút chấm thủy, non bộ thế ngũ hành sơn, hồ cá koi tuyết sơn, sân vườn Nhật…

Trung bình mỗi sản phẩm bên xưởng chế tác đá cảnh của CCB Nguyễn Văn Hòa có giá dao động từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Đặc điểm của đá cảnh tự nhiên là mỗi phiến đá sẽ có hình dạng, đường vân khác nhau, vì thế đối với những người biết chơi đá thì giá trị của mỗi tác phẩm thực sự là vô giá.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội CCB xã Liêm Phong cho hay: Không chỉ làm kinh tế giỏi, CCB Nguyễn Văn Hoà luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, thường xuyên đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ hội viên trong phát triển kinh tế.

Nỗ lực vượt khó vươn lên để xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no hạnh phúc, CCB Nguyễn Văn Hoà là tấm gương sáng về tinh thần cần cù, chịu khó, ham học hỏi... làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC