Bói ra ... buồn lo

Bạn đọc viết 06:28 27/02/2019 Phạm Hiền
Để phê phán hiện tượng bói toán, ca dao xưa có nhiều câu hài hước, hóm hỉnh, nhưng ý nghĩa hết sức sâu sắc, như lời nhắc nhở, cảnh tỉnh những người mải sa vào mê tín dị đoan, như: Tử vi xem số cho người/ Số thầy thì để cho ruồi nó bâu/Số cô có vợ có chồng/ Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai...

Đầu Xuân năm trước, mới mùng 5 Tết, cô bạn tôi gọi điện rủ đi xem bói. Trước khi đi, bạn tôi tâm sự: Vợ chồng mình tích cóp được ít tiền dành để mua nhà nhưng một người bạn hỏi vay với lãi suất cao để đầu tư làm ăn. Thấy lãi cao, tin bạn, tiền lại chưa đủ mua nhà nên vợ chồng mình quyết định cho vay tất cả. Mấy tháng đầu, bạn trả lãi đầy đủ, sau đó cứ đến tháng là khất nợ. Hết lần này đến lần khác đòi không được, cuối cùng bạn đó trốn “mất tăm”. Tiền lãi không có, tiền gốc cũng không đòi được, bế tắc, không biết phải làm gì, bạn tôi quyết định đi xem bói.

Tranh minh họa.

Đầu năm mới, người đi xem bói rất đông, chờ từ sáng đến cuối giờ chiều bạn tôi mới đến lượt. Khi xem, “cậu” phán cho bạn tôi rất chung chung: Tài lộc bình thường, vợ chồng có nhiều lúc xung đột, gia đình hay có người đau ốm vặt, trong năm có việc cần đến món tiền lớn... cẩn thận năm nay chồng gặp hạn tai nạn xe cộ. Nghe đến hạn tai nạn xe cộ bạn tôi giật mình lo lắng. Thấy vậy “cậu” trấn an, làm lễ giải hạn sẽ yên ổn thôi. Sau đó bạn tôi có hỏi “cậu” số tiền cho vay liệu có lấy được không? “Cậu” lắc lư xin đài rồi quả quyết, lấy được nhưng cũng phải làm lễ. Lo lắng về hạn tai nạn xe cộ, lại muốn lấy lại được tiền, bạn tôi quyết định làm lễ dù số tiền lên đến vài triệu đồng. Lễ xong lần đầu, “cậu” bảo, sang hè có người trả tiền. Về nhà chờ đợi, hết hè rồi đến thu vẫn không thấy tiền đâu, bạn tôi lại xuống hỏi “cậu”. Lần này cậu nói, năm nay cả hai vợ chồng đều có sao xấu chiếu, rất nặng, còn gặp nhiều trắc trở phải lễ tiếp. “Phóng lao phải theo lao” bạn tôi lại bỏ tiền triệu ra làm lễ. Lễ xong “cậu” nói đến cuối đông có tin vui về tiền. Nhưng đông qua, xuân tới vẫn không thấy tiền đâu; cả năm lại nơm nớp sống trong nỗi lo chồng bị tai nạn...

Đầu Xuân năm nay, tôi gọi điện hỏi bạn có đi xem bói nữa không? Bạn tôi lắc đầu ngán ngẩm, thôi, bói chẳng thấy vui đâu, vừa mất tiền lại chuốc thêm buồn lo.

Những lần cùng bạn tôi đi xem bói, đi lễ, trong lúc chờ đợi tôi được nghe rất nhiều chuyện xung quanh chuyện bói, chuyện lễ. Có người phải bỏ tiền cắt tiền duyên tới bốn năm lần bởi mỗi thầy nói một kiểu. Thầy sau nói thầy trước chưa giải đúng cách nên còn trắc trở, chưa thuận, nếu không lễ sẽ bị “người âm” theo quấy phá. Có người bỏ tiền làm lễ di căn hoán số để vợ chồng thuận hòa bởi thầy phán, nếu không làm lễ vợ chồng sẽ bị chia cắt đôi đường. Nhưng làm xong vợ chồng vẫn mâu thuẫn, lo sợ nên tìm thầy cao tay hơn để lễ. Có người gia đình làm ăn thua lỗ đi xem bói thầy bảo phải làm lễ bồi hoàn long mạch mới làm ăn được, nếu không lễ, thậm chí sẽ bị phá sản. Nhưng lễ mãi việc làm ăn vẫn không tiến triển...

Để phê phán hiện tượng bói toán, ca dao xưa có nhiều câu hài hước, hóm hỉnh, nhưng ý nghĩa hết sức sâu sắc, như lời nhắc nhở, cảnh tỉnh những người mải sa vào mê tín dị đoan, như: Tử vi xem số cho người/ Số thầy thì để cho ruồi nó bâu. Số cô chẳng giầu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà/ Số cô có mẹ có cha/ Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông/ Số cô có vợ có chồng/ Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai. Tiền buộc dải yếm bo bo/ Trao cho thầy bói đâm lo vào mình...

Trong cuộc sống, ai cũng có mong cầu được thuận lợi, thành công, hạnh phúc. Khi gặp khó khăn, trở ngại, trắc trở... nhiều người không tìm cách nỗ lực vượt qua bằng chính khả năng, năng lực, quyết tâm của mình lại chọn cách đi xem bói, đi lễ. Khi được hỏi, phần đông người đi xem bói đều chung suy nghĩ, đi xem bói thường mang lo vào người, nhưng vì muốn “biết trước tương lai” nên nhiều người vẫn muốn đi. Không ít người chịu cảnh “tiền mất tật mang” mới thực sự tỉnh ngộ.

Đầu Xuân mới năm nay, cô bạn tôi chọn cách đi lễ chùa cầu sức khỏe, bình an. Bạn tôi nói, đi lễ chùa lòng thấy thanh thản, thư thái, chứ đi xem bói chỉ chuốc lo vào người.

Phạm Hiền

TIN MỚI CẬP NHẬT

Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới

Xã hội  |  20:14 22/11/2024

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia

Chính trị  |  20:01 22/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.

Đội liên quân Tỉnh ủy- Tỉnh đoàn giành Cúp Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII

Trong tỉnh  |  19:47 22/11/2024

Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC