Nhân lực y tế mất cân đối về chủng loại cán bộ, thiếu đội ngũ chuyên khoa sâu, trình độ cao ở tuyến tỉnh; thiếu nghiêm trọng số lượng bác sỹ ở các trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện và trạm y tế (TYT) tuyến xã... Đó là đánh giá được đưa ra tại một hội nghị chuyên đề của ngành Y tế tỉnh Hà Nam hồi đầu năm 2024 khi nói về những khó khăn của ngành. Vấn đề thiếu bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ tuyến y tế cơ sở đã tồn tại từ lâu, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, quyền lợi của người dân trong khám, chữa bệnh (KCB), đồng thời gây quá tải cho y tế tuyến trên. Ngành Y tế tỉnh, các đơn vị y tế cơ sở cũng đã và đang loay hoay tìm những giải pháp phù hợp, khả thi nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần và không mang tính bền vững. Thực tế đó rất cần sự quan tâm cùng vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, cơ quan chức năng các cấp, bởi đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển.
Ông Dương Hữu Duẩn, Giám đốc TTYT huyện Kim Bảng cho biết, trên địa bàn huyện mới có 12/18 TYT có bác sỹ. 6 trạm còn lại mới chỉ có y sỹ thực hiện KCB, danh mục các bệnh đủ trình độ khám hạn chế hơn nhiều so với bác sỹ. Đơn giản như bệnh tiểu đường, tất cả bệnh nhân của 6 xã, thị trấn không có bác sỹ tại trạm đều phải lên TTYT khám, lấy thuốc hằng tháng. Không chỉ thiếu bác sỹ tại TYT, tại TTYT cũng thiếu nhiều bác sỹ. Hiện ở trung tâm chỉ có 20 bác sỹ, thiếu 9 bác sỹ theo quy định. Theo quy định, ở mức tối thiểu cả TYT và TTYT huyện cần 47 bác sỹ nhưng thực tế chỉ có 32 bác sỹ, thiếu gần 1/3 (15 bác sỹ).
Đối với các TYT, trước đây, để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu bác sỹ, TTYT huyện cử các bác sỹ về tăng cường cho TYT xã 3 buổi/1 tháng, tạo điều kiện cho người dân không phải đi xa. Tuy nhiên, từ khi thực hiện quy định khám bảo hiểm y tế (BHYT) bác sỹ phải đăng ký làm việc toàn thời gian ở đơn vị, trung tâm không thực hiện được việc tăng cường bác sỹ về TYT như trước. Bệnh nhân ở tuyến xã bị các bệnh trong danh mục chỉ bác sỹ mới khám được đều phải lên y tế tuyến trên, vừa xa, thời gian chờ đợi lâu vì lượng bệnh nhân đông, và với một số bệnh cấp cứu bỏ qua “thời gian vàng” trong cứu chữa vì phải di chuyển xa.
Tại TTYT huyện Lý Nhân, ông Trần Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện có 10/21 TYT của huyện không có bác sỹ. Còn tại TTYT huyện, theo chỉ tiêu biên chế được giao năm 2024 thiếu 9 bác sỹ. Còn nếu theo Thông tư 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập thiếu 12 bác sỹ.
Toàn tỉnh hiện có 6 TTYT huyện, thành phố, thị xã và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nam Lý, 109 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc các TTYT. Thiếu bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ tuyến cơ sở được cho là một trong những khó khăn lớn nhất của ngành Y tế tỉnh.
Nói về vấn đề này tại hội nghị gặp mặt nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2024, lãnh đạo ngành Y tế tỉnh cho biết: Nhân lực ngành Y tế tỉnh vừa mất cân đối về chủng loại cán bộ lại thiếu đội ngũ chuyên khoa sâu, trình độ cao ở tuyến tỉnh và thiếu nghiêm trọng số lượng bác sĩ ở các TTYT huyện và TYT tuyến xã.
Một số TTYT huyện nhiều năm nay không tuyển được bác sỹ về công tác. Số liệu đưa ra tại hội nghị này cho biết, định mức nhân lực ngành Y tế tỉnh theo quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế là 3.601 chỉ tiêu, trong đó: Tuyến tỉnh: 2.116 chỉ tiêu; tuyến huyện: 853 chỉ tiêu; tuyến xã: 632 chỉ tiêu. Trong khi đó, chỉ tiêu biên chế viên chức được giao đối với đơn vị sự nghiệp và số lượng người làm việc được phê duyệt đối với đơn vị tự chủ: 2.814 chỉ tiêu (trong đó đơn vị tự chủ: 1.140 chỉ tiêu). Tổng số viên chức hiện có là 2.251 người. Như vậy so với định mức theo Thông tư 03 với số có mặt còn thiếu 1.350 chỉ tiêu và so với số được giao là 787 chỉ tiêu. Số có mặt so với chỉ tiêu biên chế giao hiện nay còn thiếu 563 chỉ tiêu. Nếu tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2021-2026 tình trạng thiếu càng trở nên trầm trọng hơn.
Ông Dương Hữu Duẩn, Giám đốc TTYT huyện Kim Bảng cho biết, do thiếu bác sỹ, hầu hết các khoa ở Trung tâm chỉ có 2-3 bác sỹ. Một số khoa chỉ có 1 bác sỹ, trong đó, có những khoa quan trọng như Khoa Ngoại Sản. TTYT Kim Bảng là đơn vị duy nhất trong các TTYT của tỉnh còn duy trì được việc mổ đẻ tại đơn vị. Mỗi năm có 800-1.000 ca sinh tại trung tâm. Do thiếu bác sỹ nên trung tâm phải điều các bác sỹ khoa khác (không được đào tạo chuyên sâu về Sản khoa mà chỉ khám đa khoa) tham gia trực ngoài giờ ở Khoa Ngoại sản. Cũng do thiếu, các bác sỹ ở trung tâm phải làm vượt giờ nhiều, không được nghỉ bù sau trực.
Trước đây các TTYT cố gắng bố trí cử các bác sỹ ở trung tâm về các TYT ở địa phương không có bác sỹ vài lần/tháng để khám bệnh cho nhân dân nói chung, trong đó có bệnh tiểu đường. Tuy nhiên mấy năm nay do yêu cầu bác sỹ khám BHYT phải đăng ký khám cố định ở một đơn vị, nên các bác sỹ của một số TTYT hằng tháng không xuống khám tại TYT. Bệnh nhân tiểu đường thường tuổi cao, sức yếu, tháng nào cũng phải đi khám, lấy thuốc mà người nhà không phải lúc nào cũng đưa đi được. Nhiều địa phương TYT không có bác sỹ ở cách xa TTYT, càng gây khó khăn cho người cao tuổi khi phải đi khám, lấy thuốc hằng tháng.
Ông Nguyễn Xuân Sỹ, Giám đốc TTYT huyện Bình Lục chia sẻ, hiện ngành y tế trên cả nước đều thiếu bác sỹ, nhất là bác sỹ đa khoa. Vì thiếu nên các bác sỹ có quyền lựa chọn những nơi môi trường, điều kiện, thu nhập tốt hơn để làm việc, ví dụ như bệnh viện công tuyến trên, y tế tư nhân. Mấy năm trở lại đây TTYT huyện có 3 bác sỹ nghỉ việc để ra làm y tế tư nhân, 1 bác sỹ chuyển việc. Một bác sỹ mới ra trường làm việc ở Trung tâm hiện thu nhập gần 6 triệu đồng/ tháng (tính theo lương mới khoảng gần 8 triệu đồng). Nếu làm ở y tế tư nhân họ được trả 15-20 triệu đồng/ tháng và điều kiện làm việc tốt hơn rất nhiều. Nhiều bác sỹ mới ra trường vào làm việc tại TTYT chủ yếu để lấy kinh nghiệm, danh tiếng, sau đó ra làm y tế tư nhân hoặc chuyển lên tuyến trên.
Vừa qua, TTYT huyện Bình Lục là đơn vị đầu tiên trong 6 TTYT của tỉnh được tuyển dụng bác sỹ sau nhiều năm không tuyển dụng. Để có được nguồn TTYT huyện đã phải “nuôi nguồn” khá lâu, như ký hợp đồng với các bác sỹ mới ra trường và hưởng các chế độ gần như bác sỹ trong biên chế, hỗ trợ chi phí đi học nâng cao nghiệp vụ. Nhưng ngay từ khi đăng ký tuyển dụng các bác sỹ cũng thể hiện rõ nguyện vọng là không về làm việc tại TYT xã, và dù đã trúng tuyển làm bác sỹ biên chế của TTYT huyện nhưng ông Sỹ cũng không chắc chắn về việc có “giữ chân” họ được lâu không. Hiện Bình Lục có 8/17 TYT chưa có bác sỹ.
Ông Trần Phúc Lâm, Phó Giám đốc TTYT huyện Lý Nhân cho biết, trước đây trung tâm thu hút khoảng 600 lượt bệnh nhân/ngày đến khám ngoại trú, bệnh nhân nội trú luôn vượt số giường chỉ tiêu. Hiện tại chỉ đạt 330-350 lượt bệnh nhân khám ngoại trú, nội trú công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 60-70%. Cũng như tất cả các TTYT khác, đơn vị đã thực hiện tự chủ một phần về tài chính. Số bệnh nhân ít dẫn đến nguồn thu của đơn vị hạn hẹp, thu nhập của cán bộ, nhân viên mức độ. Cán bộ, nhân viên của trung tâm chỉ có lương và tiền trực theo quy định, không có thu nhập tăng thêm.
Các TTYT khác đều ở trong tình trạng tương tự, đã thiếu lại càng thiếu khi một số bác sỹ trong biên chế nghỉ việc, chuyển việc, nguồn tuyển chưa có, hoặc có cũng không chắc chắn sẽ gắn bó lâu dài. Các TTYT đã khó thu hút, “giữ chân” bác sỹ, các TYT càng khó, nhất là bác sỹ đa khoa trong khi số bác sỹ đang công tác nghỉ hưu dần và không có người thay thế. Ngoài ra, trang thiết bị ở tuyến y tế cơ sở khá lạc hậu, càng khó thu hút người dân đến KCB. Quy định trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập còn nhiều hạn chế, vướng mắc, gây khó khăn trong hoạt động.
Để giải quyết bài toán thiếu nghiêm trọng bác sỹ tuyến cơ sở, ý kiến của nhiều cán bộ lãnh đạo trong ngành cho rằng, trước hết với 5 TTYT chưa tuyển dụng bác sỹ cần bố trí tuyển dụng đáp ứng đủ nhân lực. Cùng với đó, không cắt giảm chỉ tiêu biên chế với các cơ sở y tế công lập nói chung, trong đó có y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đãi ngộ để thu hút, “giữ chân” bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở (theo lãnh đạo các TTYT cho biết: một số tỉnh, thành phố có những ưu đãi về nhà ở, hỗ trợ kinh phí trực tiếp khi bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở).
Ở một khía cạnh khác, Sở Y tế cần tích cực tham mưu, huy động nguồn lực để tiếp tục xây dựng, cải tạo hạ tầng, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị y tế cho các đơn vị y tế cơ sở nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút đông người dân đến KCB, qua đó tăng nguồn thu để bảo đảm thu nhập cho bác sỹ, cán bộ, nhân viên, đồng thời có kinh phí tái đầu tư. Ngành Y tế cũng cần tập trung tham mưu, đề xuất các cấp, ngành chức năng gỡ khó trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. Khi thu nhập, điều kiện làm việc được cải thiện, nâng cao, đơn vị có chiều hướng phát triển tốt sẽ thu hút, “giữ chân” bác sỹ ở tuyến y tế cơ sở, tuyến y tế gần dân nhất và giữ vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thực hiện: Đỗ Hồng
Thiết kế: Đức Huy
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 10/4 đến ngày 12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội.
Từ ngày 21/4 các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Năm nay, cả thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do thực hiện đăng ký theo hình thức trực tuyến trên hệ thống Quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội ( NHCSXH) tỉnh vừa tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020 – 2025 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2025 - 2030
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.