Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trong năm 2024 của tỉnh ước đạt 1.241.628 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 516.797 triệu đồng, ngân sách huyện 336.923 triệu đồng, ngân sách xã 156.340 triệu đồng, nhân dân đóng góp 193.135 triệu đồng, vốn doanh nghiệp, HTX 7.120 triệu đồng, vốn lồng ghép 7.900 triệu đồng và vốn khác 23.413 triệu đồng…
Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội đã được các địa phương tiếp tục đầu tư, nâng cấp, làm mới tương đối đồng bộ. Nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn ổn định. Đến nay, cơ bản các xã đã thực hiện tốt công tác duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và đang nỗ lực hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Một số xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024 đến nay cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện và đạt 18/19 tiêu chí NTM nâng cao như: Thanh Phong (Thanh Liêm); Trung Lương (Bình Lục), Tiên Ngoại và Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên). Hai xã đăng ký đạt NTM kiểu mẫu năm 2024 Hoàng Tây (Kim Bảng) và Đinh Xá (TP Phủ Lý) đến nay cũng cơ bản bảo đảm đạt chuẩn các tiêu chí NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Trong năm 2024, xã hoàn thiện, nâng cấp, cải tạo gần 1 km đường giao thông, bảo đảm 100% các tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa bằng trải nhựa, bê tông. Đồng thời, triển khai làm gờ giảm tốc, lắp đặt biển báo trên các tuyến đường giao thông. Đến nay 95,8% tuyến đường trục xã và 100% đường trục thôn được trồng cây xanh, điện chiếu sáng… bảo đảm sáng – xanh – sạch – đẹp. Với đường trục chính nội đồng cũng đã được địa phương cứng hóa toàn bộ, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất. Tiêu chí thu nhập được xác định khá khó khăn do địa phương chủ yếu thuần nông.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, như: Trồng ổi lê đạt tiêu chuẩn VietGap, đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa… Cùng với đó, tạo điều kiện để lao động trẻ tham gia làm công nhân cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đào tạo nghề, giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn… Qua rà soát, xã cơ bản đạt tiêu chí thu nhập theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, chỉ tính riêng trong tháng 6/2024, xã Văn Lý đã phát triển được trên 500 thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 93%...
Ông Vũ Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Văn Lý khẳng định: Thời gian tới, xã sẽ tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt trong xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, chú trọng đến bảo đảm thu nhập bình quân đầu người, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế lên 95%, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn… Với tiến độ thực hiện như hiện nay, đến hết năm 2024, Văn Lý sẽ bảo đảm hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu, tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Năm 2024, huyện Lý Nhân có 5 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với xã Văn Lý, các xã: Phú Phúc, Nhân Mỹ, Nhân Nghĩa, Chân Lý cũng đã đạt từ 14 – 16/19 tiêu chí, 63 – 66/75 chỉ tiêu. Theo bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Lý Nhân, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024 đang tập trung hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu và từng bước hoàn thiện hồ sơ trình các cấp, ngành thẩm định.
Về phía Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện định kỳ hằng tháng giao ban với các địa phương, nắm bắt kết quả đã thực hiện. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí cơ sở đang gặp phải. Qua đánh giá, các địa phương trong huyện đăng ký năm nay sẽ hoàn thành được những tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.
Đặc biệt, phong trào xã hội hóa trong xây dựng nhà văn hóa (NVH) thôn, xây dựng cổng làng, lắp camera an ninh trên các tuyến đường và phong trào hiến đất làm đường... đã ngày càng lan tỏa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, chương trình hiện cũng đang gặp không ít khó khăn do những yếu tố khách quan, chủ quan; tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025 vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan môi trường ở một số địa phương có thời điểm chưa được quan tâm thường xuyên, việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh chưa triệt để, một số bể chứa, trung chuyển rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, nhiều tuyến đường hoa, cây xanh không được chăm sóc; việc duy trì, nhân rộng các mô hình đường hoa, cây xanh, cũng như tạo cảnh quan môi trường theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp chưa được quan tâm đúng mức.
Một số công trình hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, trường học ở một số xã chưa được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa do thiếu kinh phí. Nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với sản phẩm chủ lực, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm chú trọng, dẫn đến thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn. Một số xã mức độ duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao chưa thực sự quyết liệt.
Các xã NTM kiểu mẫu đến nay chưa hoàn thiện bảo đảm 4 quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, có xã chỉ tiêu NTM, NTM nâng cao còn đạt ở mức thấp (xã Nguyễn Úy đạt chuẩn 16 tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao; xã Thanh Tâm đạt chuẩn 17 tiêu chí NTM, 16 tiêu chí NTM nâng cao). Công tác duy trì nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM còn chậm; một số chỉ tiêu huyện NTM các huyện chưa đạt tập trung ở tiêu chí môi trường, chất lượng môi trường sống. Đặc biệt tiến độ thực hiện Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao của huyện Bình Lục còn chậm so với yêu cầu. Hiện, huyện Bình Lục mới đạt chuẩn 7/9 tiêu chí huyện NTM và 4/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao.
Theo ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nguyên nhân của những khó khăn, tồn tại trên chủ yếu là do một số chỉ tiêu, tiêu chí của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021- 2025 được bổ sung thêm và yêu cầu cao hơn so với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là các chỉ tiêu, tiêu chí về tổ chức sản xuất, y tế, môi trường, chất lượng môi trường sống... Bởi đây là những tiêu chí khó đòi hỏi nguồn lực lớn để thực hiện trong khi hầu hết các địa phương đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn thực hiện chương trình.
Thêm nữa, đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ phụ trách NTM cấp xã thường xuyên bị xáo trộn, thay đổi, nên còn lúng túng trong việc tham mưu, triển khai thực hiện trên địa bàn. Đặc biệt, có thời điểm do thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính cấp xã nên một số địa phương chưa tập trung cao trong công tác chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM…
Xây dựng NTM là một chương trình dài hơi, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Vì vậy, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, thì việc huy động nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 thực sự khó khăn đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, muốn tháo gỡ khó khăn, trước tiên, các địa phương cần phải hiểu mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đặt ra không chỉ xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn; phát huy văn hóa truyền thống; nâng cao năng lực cộng đồng dân cư ở nông thôn. Chương trình chính là sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế, văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, các địa phương cần thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 2292/KH-UBND, ngày 27/11/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình xây dựng NTM năm 2024 và các chương trình, đề án, kế hoạch chuyên đề đã được UBND tỉnh phê duyệt phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025…
Riêng đối với các ngành chức năng, cần thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao; huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, nhất là đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP…
Thực hiện: Minh Thu – Mạnh Hùng. Ảnh: Mạnh Hùng
Thiết kế: Đức Huy
Chiều 21/12, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết công tác nội chính, cải cách tư pháp (CCTP) và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh về PCTN, TC; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh; bí thư các ban cán sự Đảng, đảng đoàn; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; thường trực huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh.
Nhân dịp Lễ Giáng sinh và năm mới 2025, chiều 21/12, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam đã đi thăm, chúc mừng Lễ Giáng sinh và năm mới 2025 Giáo xứ Phủ Lý.
Sáng 21/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Vũ Chiến Thắng, Trương Hải Long chủ trì Hội nghị...
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.