Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, cộng với đầu tư đồng bộ hạ tầng đồng ruộng trong những năm qua đã thay đổi căn bản quá trình sản xuất. Năng suất, sản lượng, chất lượng lúa gạo không ngừng tăng cao qua các vụ. Không chỉ bảo đảm đủ nguồn cung lương thực phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày, sản xuất lúa của tỉnh đã và đang hướng tới sản xuất hàng hóa.
Cùng với đó, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cũng được áp dụng. Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng được Bản đồ phân tích chất lượng hóa lý tính các vùng đất chuyên trồng lúa. Từ đó làm cơ sở xây dựng quy trình chăm sóc cho từng cánh đồng, vùng sản xuất. Đồng ruộng cũng được bố trí, quy hoạch lại với hệ thống kênh mương, đường nội đồng thuận tiện cho quá trình sản xuất. Các địa phương đã thực hiện dồn đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ, thành ô thửa lớn, xóa bỏ tình trạng manh mún ruộng đất, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1 – 2 thửa, thay 5 – 7 thửa như trước đây. Đồng thời, hạn chế được ruộng trũng, xấu, xa do thuận lợi về giao thông, thủy lợi.
Việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, nâng cao năng suất đạt hơn 120 tạ/ha/năm. Nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất có năng suất “vượt trần” lên đến hơn 70 tạ/ha/vụ. Bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Sản xuất lương thực của tỉnh đã có bước thay đổi căn bản. Năng suất lúa đã tăng 20 – 30% so với cách đây hơn 20 năm. Hiện nay, sản xuất lúa không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà chuyển sang giai đoạn sản xuất mới, tạo ra sản phẩm hàng hóa nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.
Từ việc xác định rõ hướng đi mới cho cây lúa, ngành nông nghiệp đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất lúa hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Từ cách đây hơn 10 năm, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển cánh đồng mẫu. Theo đó, các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu có quy mô diện tích 30 ha trở lên, gọn vùng gắn kết 3 vụ trong năm (vụ lúa xuân, vụ mùa và vụ đông). Đối với cây lúa, sản xuất trên cánh đồng mẫu bảo đảm cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc và thực hiện liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Qua quá trình triển khai, trên địa bàn tỉnh xây dựng, duy trì 76 mô hình cánh đồng mẫu, tổng diện tích hơn 2.000 ha. Nhiều cánh đồng mẫu đã thực hiện liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa giống, lúa chất lượng đem lại hiệu quả cao.
Điển hình, huyện Kim Bảng xây dựng 14 cánh đồng mẫu, tổng diện tích 585 ha ở tất cả các địa phương có diện tích đất lúa đủ lớn (trừ thị trấn Quế, Ba Sao và xã Thanh Sơn), một số xã trong huyện đã xây dựng được 2 cánh đồng mẫu, như: Xã Lê Hồ, Nguyễn Úy, Đồng Hóa… Tại xã Tượng Lĩnh, nơi có 2 cánh đồng mẫu quy mô 30 ha/cánh đồng. Những vụ gần đây, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Tượng Lĩnh đều thực hiện tổ chức liên kết sản xuất với Công ty TNHH Nam Dương (KCN Đồng Văn) sản xuất lúa giống ở các vụ trong năm. Theo người dân địa phương, sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung trên cánh đồng mẫu rất thuận lợi. Trên diện tích sản xuất đã áp dụng cơ giới vào hầu hết các khâu, từ lấy nước, làm đất, đến gieo cấy, thu hoạch. Doanh nghiệp thu mua thóc tươi ngay tại ruộng nên không mất công phơi, bảo quản. Giá trị đem lại trong mô hình cao hơn 15 – 20% so với sản xuất đại trà bên ngoài…
Từ mô hình cánh đồng mẫu, sản xuất lúa theo hướng hàng hóa tập trung được mở rộng. Nhiều cánh đồng thực hiện gieo cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Đa phần các cánh đồng chỉ còn cấy 1 – 2 giống chủ lực thay cho nhiều loại giống như trước đây. Một bộ phận người dân có nhu cầu sản xuất mượn, thuê lại ruộng của những hộ khác để sản xuất quy mô lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm hộ sản xuất có quy mô từ 5 – 10 ha trở lên, một số mô hình cá nhân tập trung ruộng đất lên đến trên 20 ha. Khi sản xuất với quy mô lớn, người dân quan tâm đầu tư để nâng cao năng suất, giá trị trên diện tích gieo cấy.
Theo ông Lại Trung Tâm, Giám đốc HTXDVNN Thanh Hà, trên địa bàn xã đã hình thành những cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa tập trung nhờ tập trung ruộng đất của người dân. Tại đây, các hộ lựa chọn những giống lúa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường, giá trị sản xuất đem lại được bảo đảm, cao hơn so với trước. Quan trọng hơn, giải quyết tốt tình trạng bỏ ruộng do nhiều hộ dân hiện không còn nhu cầu cấy lúa.
Sản xuất 2 vụ lúa của tỉnh đã có bước thay đổi căn bản từ manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cây lúa vẫn được xác định là hướng đi chính trong sản xuất trên đồng ruộng của tỉnh. Để tiếp tục nâng cao giá trị trồng lúa, Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cũng đã nêu rõ, tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu giống bằng việc tăng tỷ lệ lúa chất lượng lên trên 50%; tỷ lệ áp dụng cơ giới trong khâu thu hoạch đạt trên 90%, gieo trồng 60%...
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, các địa phương trong tỉnh hiện đang gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là, việc tập trung ruộng đất chưa được thực hiện nhiều do tư tưởng của một bộ phận người dân không muốn chuyển đổi diện tích. Trên 1 cánh đồng có 5 – 10 ha đã quy hoạch sản xuất tập trung, chỉ cần có một vài hộ nhỏ lẻ nằm xen kẽ không đồng ý đổi diện tích rất khó bảo đảm sự đồng bộ. Tại nhiều nơi chưa tổ chức thống nhất phương thức gieo cấy trên cùng cánh đồng, có cả cấy máy, cấy thủ công và gieo thẳng. Việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng vẫn chưa được áp dụng mở rộng ở nhiều địa phương…
Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Quan trọng nhất vẫn là ruộng đất tuy đã được dồn đổi, nhưng chưa đủ lớn để hình thành vùng sản xuất tập trung. Cùng với đó, tư tưởng của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cũng như cơ giới hóa vào đồng ruộng. Việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ là giải pháp giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị và hiệu quả. Vì vậy, để sản xuất lúa thực sự phát triển các địa phương cần có giải pháp mang tính đột phá. Trước tiên, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và khâu tổ chức sản xuất của các HTXDVNN quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Hình thành các mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, Viet Gap, hữu cơ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đưa cơ giới vào đồng ruộng ở các khâu, như: gieo cấy, phun phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Được biết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng một số mô hình sản xuất lúa an toàn theo hướng Viet Gap, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương. Qua đánh giá hiệu quả kinh tế, lúa sản xuất trong mô hình nâng cao giá trị sản xuất từ 20 – 25% so với ngoài mô hình. Việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ giúp giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động sản xuất nông nghiệp giai đoạn thời vụ. Áp dụng sản xuất lúa an toàn theo hướng Viet Gap giúp bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu lúa – gạo an toàn… Những mô hình này cần tiếp tục được nhân rộng trong những vụ tới.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục lựa chọn những loại giống lúa mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhất là có tiềm năng cho năng suất, chất lượng cao, khả năng phát triển thị trường tốt, đưa vào bộ giống lúa của tỉnh khuyến cáo đến người dân. Đồng thời, phát huy cao nhất hiệu quả bản đồ phân tích chất lượng hóa lý tính các vùng đất của tỉnh giúp cung cấp cho cây lúa chất dinh dưỡng tốt nhất, giảm chi phí không cần thiết khi bón thừa phân. Cùng với đó, hỗ trợ người dân trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thóc hàng hóa theo chuỗi giá trị. Sản xuất lúa hiện nay thu được lợi nhuận tốt do tác động từ giá thóc trên thị trường tăng cao. Bình quân 1 sào lúa cho năng suất hơn 2 tạ (thóc khô), đạt giá trị 2 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận đem lại đạt 50%. Những mô hình sản xuất lúa liên kết với doanh nghiệp thường tăng 5 – 10% so với diện tích đại trà. Đây là động lực để người dân gắn bó với đồng ruộng và cây lúa. Vì vậy, nếu các giải pháp trên được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hơn nữa giá trị trên diện tích sản xuất của tỉnh.
Nội dung: Mạnh Hùng Thiết kế: Đức Huy
Chiều 21/11, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức quay thưởng "Hóa đơn may mắn" quý I, II và III năm 2024. Dự chương trình có đại diện cơ quan thuế; thành viên hội đồng giám sát chương trình “Hóa đơn may mắn” thuộc các sở, ngành.
Sáng 21/11, Hội Người Khuyết tật (NKT) tỉnh Hà Nam phối hợp với Phòng Bảo trợ xã hội (BTXH), Sở Lao động – Thương binh xã hội (LĐ – TBXH) tỉnh Hà Nam và Hội Gia đình trẻ em và người bại não Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến, cập nhật chính sách BTXH và hướng dẫn thủ tục BTXH đối với NKT cho 35 học viên là cán bộ chủ chốt của Hội NKT trên địa bàn tỉnh.
Chiều 21/11, UBND huyện Lý Nhân tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương (QP, QSĐP) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.