Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 của Bộ Công thương về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng, triển khai kế hoạch quản lý, kiểm soát thị trường, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa với các vùng sản xuất nông sản tập trung, nhằm bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết. Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, bán hàng bình ổn giá, mở rộng mạng lưới phân phối đến các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp… Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2019 đạt trên 800 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với Tết Nguyên đán năm 2018. Trong đó, tổng giá trị các mặt hàng quần áo, giày dép, điện tử, điện gia dụng phục vụ Tết Kỷ Hợi đạt khoảng 390 tỷ đồng; gạo các loại bảo đảm cung cấp ra thị trường trên 5.000 tấn; thịt gia súc, gia cầm khoảng 650 tấn; bánh kẹo xấp xỉ 400 tấn; rau quả các loại trên 700 tấn; rượu, bia, nước giải khát ước tiêu thụ khoảng 350 nghìn lít; xăng, dầu đạt trên 11.000 m3…
Đánh giá về thị trường hàng hóa dịp cận Tết, ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu mua sắm của người dân đã có nhiều thay đổi, thời gian nghỉ Tết dài hơn nên trước Tết khoảng 1 tháng, các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động tăng lượng hàng hóa dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện, 6/6 huyện, thành phố cũng đã thực hiện xong công tác chuẩn bị hàng hóa. Năm nay, toàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn giá dịp Tết. Với nguồn cung dồi dào như hiện nay và đặc biệt có sự tham gia điều tiết giá của các nhà sản xuất, phân phối có quy mô lớn, giá hàng hóa dịp Tết này không có biến động lớn.
Có sự chuẩn bị từ khá sớm, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn đã làm việc với các nhà cung cấp, dự kiến chuẩn bị đầy đủ rau, quả, thịt bò, thủy hải sản, bánh kẹo, mứt, gạo… phục vụ Tết. Ông Trần Danh Kiên, Giám đốc Siêu thị Lan Chi Lý Nhân cho biết: Bình quân mỗi năm siêu thị tham gia dự trữ bình ổn giá trên 400 mặt hàng, trị giá hơn 10 tỷ đồng. Việc mua hàng dự trữ với số lượng lớn, phù hợp nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân đã giúp siêu thị Lan Chi tạo được lợi thế, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Giá cả bình ổn, sức mua cũng tăng cao. Năm nay, siêu thị Lan Chi tăng lượng hàng dự trữ lên khoảng 5% so với năm ngoái và phục vụ bán hàng đến hết ngày 30 Tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong vùng.
Nhu cầu hàng hóa, thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sẽ tăng cao. Ước tính, lượng hàng hóa tiêu thụ trong tháng Tết Nguyên đán năm nay tăng 15-20% so với các tháng trong năm. Để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá dịp Tết, trong những ngày cận Tết tới đây, Sở Công thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành triển khai hiệu quả hoạt động kiểm soát, bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận tạo nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng; chủ động theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa trên địa bàn các huyện, thành phố. Xây dựng quy trình nắm bắt, tổng hợp, báo cáo thông tin thị trường hàng hóa và kịch bản ứng phó khi thị trường hàng hóa phục vụ Tết xảy ra biến động. Ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương |
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa diễn ra sôi động hơn, kéo theo tình trạng kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gia tăng. Để quản lý thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2019, Đội QLTT số 3 đã phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các biện pháp quản lý thị trường, bình ổn giá cả. Trong đó, tập trung kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các chợ, đại lý phân phối, điểm tập kết, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm. Những mặt hàng được chú trọng kiểm tra là bánh kẹo, mứt, nước ngọt, bia rượu, thực phẩm… Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng còn kết hợp thực hiện tuyên truyền, tổ chức cho các doanh nghiệp, cá nhân ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng. Ông Vũ Hồng Quang, Đội trưởng Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh |
Thời gian này, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cũng đang đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại pháo cũng như đồ chơi nguy hiểm cho trẻ em bày bán trên thị trường; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Đinh Văn Dương, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho hay: Những ngày cận Tết, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn được đẩy mạnh hơn. Năm nay, Cục yêu cầu các đội QLTT trên địa bàn tăng cường hơn nữa việc kiểm tra các kho bãi, nơi cất giữ hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguyễn Oanh
Năm 2024, phong trào thể dục, thể thao (TDTT) huyện Kim Bảng tiếp tục dược duy trì, phát triển, trong đó có nhiều môn thể thao phát triển, như: Vovinam, karate, dân vũ thể thao, bóng chuyền hơi, bơi lội, pickleball, gym.
Sáng 22/11, Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” đã khai mạc tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Sáng 22/11, Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) huyện Kim Bảng tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.