Tìm hiểu thực tế cho thấy phong trào “Dân vận khéo” được Đảng ủy xã Trác Văn triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã đã phát động xây dựng các mô hình sản xuất mới, như: Chăn nuôi bò sữa; cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp... Nổi bật, trong chăn nuôi bò sữa tại Trác Văn đã xây dựng khu chăn nuôi tập trung với số lượng tổng đàn lên đến hàng trăm con.
Từ nguyên liệu sữa bò tươi, người dân đã nghiên cứu, đầu tư chế biến ra một số sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) xếp hạng 4 sao và được đưa vào tiêu thụ các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, như: Sữa bò tươi nguyên chất, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm… Thu nhập từ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn đã đạt hàng chục tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, phong trào cải tạo vườn tạp giúp địa phương hình thành những khu vườn cây ăn quả có diện tích hàng chục ha, trở thành sản phẩm đặc trưng như: bưởi, cam, ổi… Ngoài ra, người dân còn tích cực đưa một số loại cây trồng giá trị cao vào sản xuất như: nho hạ đen, dâu tây...
Những năm qua, Trác Văn còn là địa phương đi đầu trong xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ cung cấp cho thị trường các thành phố lớn. Điển hình là trang trại hữu cơ Happy Farm tại xã kết hợp sản xuất với du lịch sinh thái, trải nghiệm đã và đang mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn, chủ trang trại hữu cơ Happy Farm cho biết: Phong trào “Dân vận khéo” của địa phương góp phần tạo khí thế, động lực cho người dân phát triển kinh tế. Sản xuất nông nghiệp của xã đã thay đổi theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, giá trị cao…
Cùng với phát triển kinh tế, các ngành, đoàn thể trong xã duy trì, nhân rộng thực hiện một số mô hình, như: Thực hành tiết kiệm tặng bò vàng sinh sản cho hội viên nông dân nghèo, hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cổng trường an toàn giao thông; giữ vững và nâng cao chất lượng trường chuẩn quốc gia; vận động nhân dân tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất làm đường giao thông nông thôn; trồng, chăm sóc các con đường hoa; phân loại rác thải, ủ phân hữu cơ bằng thùng compost; ngõ xóm tự quản về vệ sinh môi trường… Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới ở Trác Văn có nhiều thay đổi, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
Những năm gần đây, xã Trác Văn còn duy trì thực hiện tốt mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Thực hiện mô hình, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức có sự đổi mới mạnh mẽ, tận tụy vì nhân dân phục vụ. Chính quyền thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính để rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Trong 6 tháng đầu năm 2024 xã đã tiếp nhận, giải quyết 920 hồ sơ hành chính các loại, bảo đảm nhanh gọn, đúng luật. 100% hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn; trên 97% hồ sơ được giải quyết theo mức độ 3, 4. Thi đua thực hiện "Dân vận khéo" kết hợp với thực hiện tốt mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” không những góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp xã thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án được triển khai trên địa bàn, không để xảy ra đơn thư khiếu kiện…
Theo đồng chí Phạm Công Sứ, Bí thư Đảng ủy xã, thông qua việc xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” Trác Văn đã huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đồng thời, thể hiện được sự năng động, sáng tạo trong công tác vận động nhân dân của những cán bộ làm công tác dân vận để nhân dân tin tưởng và làm theo.
Những mô hình “Dân vận khéo” từ việc cụ thể hóa nội dung học tập, làm theo Bác theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ở Trác Văn đã đem lại những hiệu quả thiết thực, tăng cường mối đoàn kết cộng đồng, giúp hộ dân khó khăn vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa tại mỗi cộng đồng dân cư. Quan trọng hơn, từ những mô hình hay, cách làm đúng đã giúp giải quyết tốt những vấn đề bức xúc từ cơ sở, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình năm 2024 cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Sáng 24/11, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024. Dự hội nghị có các đồng chí: Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Bùi Văn Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng; các đơn vị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đại diện các HTX sản xuất và cung ứng sản phẩm; các HTXDVNN, HTX kiểu mới ít thành viên tiêu biểu trong tỉnh…
Du lịch Hà Nam đang có những chuyển biến tích cực với lượng khách và doanh thu tăng trưởng cao. Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành chức năng của Hà Nam định hướng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Để làm được điều này, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại chỗ là việc quan trọng, cấp thiết.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.