Tại các địa phương có truyền thống chăn nuôi lợn của tỉnh, hiện đàn lợn vẫn chỉ duy trì ở mức trung bình như thời điểm giá lợn thịt 50 – 55 nghìn đồng/kg năm 2023. Tại xã Văn Xá (Kim Bảng), địa phương chăn nuôi lợn khá phát triển với nhiều trang trại quy mô tập trung có số lượng 300 đến hơn 1.000 con lợn thịt/lứa hiện có tổng đàn lợn khoảng trên 8.000 con, trong đó có gần 1.000 lợn nái. Cơ bản người dân duy trì nuôi gối lứa, con giống tự sản xuất trong trang trại từ đàn lợn nái.
Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Văn Xá cho biết: Qua quá trình chăn nuôi người dân trên địa bàn tiếp nhận về giá bán lợn thịt tăng bình tĩnh hơn những năm trước. Chủ yếu các hộ tập trung giữ vững cả đàn lợn thịt và lợn nái hiện có. Về số hộ chăn nuôi trên địa bàn cũng không thay đổi so với khi giá thấp (điều này trái ngược với năm 2016 đầu 2017 giá lợn hơi xuất chuồng tăng cao người dân ồ ạt đầu tư).
Với các trang trại, tuy giá lợn thịt đã tăng cao được khoảng gần 3 tháng nhưng người nuôi vẫn đang trong giai đoạn "nghe ngóng" thị trường và tính toán khả năng phát triển đàn. Trang trại của anh Nguyễn Văn Hồng, xã Kim Bình (thành phố Phủ Lý) có quy mô nuôi 400 lợn nái và 3.000 lợn thịt. Hiện anh Hồng duy trì 300 con lợn nái và khoảng hơn 1.000 lợn thịt. Hiện có đến gần 50% diện tích chuồng trại của anh vẫn đang để trống.
Anh Hồng chia sẻ: Chăn nuôi lợn thịt giai đoạn hiện nay giá lên cao đang cho lãi tốt. Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro cũng rất lớn về dịch bệnh, giá cả bấp bênh của thị trường. Chưa chắc khi đầu tư chạy theo giá bán đã suôn sẻ, lãi cao theo như chủ quan tính toán ban đầu. Để có được sản phẩm lợn thịt bán ra cũng mất khoảng 5 – 6 tháng lúc đó thị trường, giá cả đã khác…
Thực tế, giá lợn thịt trên thị trường hiện nay tăng cao, giá thức ăn giảm nhẹ người chăn nuôi đang thu được lãi cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (từ năm 2021). Bình quân một con lợn thịt xuất chuồng trọng lượng 100 – 120 kg, trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 2 triệu đồng. Với trang trại chăn nuôi 200 – 300 con lợn thịt gối lứa, 1 đợt xuất chuồng từ 30 – 50 con cho lợi nhuận từ 60 – 100 triệu đồng. Giá lợn thịt tăng cao, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với khi giá thấp.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời điểm này, chăn nuôi lợn thịt đang thuận lợi và hiệu quả nhất trong mấy năm gần đây. Những hộ có lợn xuất chuồng giai đoạn này thu được lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, người dân vẫn đang cân nhắc trong việc phát triển đàn… Nguyên nhân, trước hết do giá lợn thịt tuy ở mức cao nhưng vẫn thiếu ổn định, trong khi đó, người chăn nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tự do, chưa có hợp đồng liên kết tiêu thụ.
Để mở rộng chăn nuôi, tăng đàn ít nhất cần có thời gian từ 5 - 6 tháng mới có lợn thịt xuất chuồng (tính từ khi nuôi con giống), rất có thể khi đó giá bán xuống thấp trở lại. Hiện nay, nguồn lợn giống đang khá khan hiếm do thời gian qua đàn lợn nái bị tác động từ dịch bệnh và giá cả giảm đáng kể. Tổng đàn lợn nái của tỉnh hiện chỉ có khoảng gần 30 nghìn con, bằng xấp xỉ 50% so với thời gian cao điểm.
Đàn lợn nái chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp và trang trại tập trung nuôi theo quy trình khép kín (từ chăn nuôi lợn nái sản xuất con giống đến chuyển sang nuôi lợn thịt). Vì thế, nguồn con giống xuất bán ra bên ngoài phục vụ tái đàn không có nhiều. Giá lợn giống đang ở mức rất cao, khoảng 1,7 – 2 triệu đồng/con (trọng lượng 7 kg), gần tương đương với giai đoạn đỉnh điểm năm 2016. Như vậy, chi phí con giống chiếm đến 25% là trở ngại rất lớn cho phát triển chăn nuôi lợn thịt. Một vấn đề quan trọng nữa là nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn phát sinh rất lớn.
Chăn nuôi lợn của tỉnh đang phát triển theo xu hướng giảm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung vào các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp. Tổng đàn lợn hiện nay duy trì khoảng 360 – 380 nghìn con. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, việc lợn thịt tăng giá hiện nay không theo quy luật (thường tăng vào giai đoạn cuối năm) do nguồn cung ra thị trường không nhiều.
Tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (xã Bối Cầu – Bình Lục) số lượng lợn cung cấp tại tỉnh chỉ khoảng 40%, còn lại là nguồn cung của các doanh nghiệp và vận chuyển từ tỉnh ngoài về. Như vậy, giá lợn thịt khả năng sẽ ổn định trở lại khi nguồn cung được bảo đảm hơn. Vì thế, người chăn nuôi cần thận trọng xem xét, tính toán khi đầu tư phát triển đàn để thu được hiệu quả kinh tế cao.
Dự báo, trong tháng 1/2025, ở Bắc Bộ không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại. Nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc.
Sáng 22/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác chuyên môn năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.
Sáng 22/12, Đảng ủy, Ban CHQS thành phố Phủ Lý tổ chức gặp mặt gia đình quân nhân đang công tác tại đơn vị nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.