Nhằm nâng cao nguồn thu ngân sách từ đất, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung quy hoạch khu dân cư, giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng cơ sở hạ tầng các dự án, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ). Tuy nhiên, so với cùng kỳ những năm trước, trong 5 tháng đầu năm 2024 thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng. Để bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong nửa cuối năm 2024, các ngành chức năng, địa phương tiếp tục rà soát các dự án, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ, phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao.
Tại thành phố Phủ Lý đã và đang chuẩn bị triển khai GPMB tổ hợp xây dựng các hạng mục: Công viên chủ đề kết hợp nhà ở 26ha, Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang 176ha; Khu đô thị Thời đại và Đổi mới sáng tạo hơn 202ha. Dự án hướng đến góp phần tạo động lực để Hà Nam nâng cao nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất và hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt trên 60%, ngành dịch vụ chiếm 26% cơ cấu kinh tế. Hiện nay, thành phố Phủ Lý đang chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất phối hợp với các xã, phường tập trung GPMB cho dự án.
Ngoài tổ hợp trên, thành phố Phủ Lý cũng đang tập trung GPMB xây dựng các khu đấu giá QSDĐ và GPMB khu đất ở phường Lương Khánh Thiện để thu hút đầu tư. Theo ông Đỗ Hoàng Hải, Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý, năm 2024 thành phố Phủ Lý phấn đấu thu tiền sử dụng đất đạt khoảng 2.200 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu trên, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục về bồi thường GPMB, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bảo đảm kịp thời, sát với thực tế địa phương và đúng với quy định của pháp luật. Qua đánh giá của các địa phương cho thấy, công tác bồi thường GPMB trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ, đáp ứng yêu cầu về thời gian, diện tích, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và tạo được nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) trong 5 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã tổ chức 9 đợt đấu giá QSDĐ ở các xã gồm: Thanh Tân, Liêm Chung, Bình Nghĩa, Nhật Tân, Đức Lý, Nhân Khang, Thanh Hương với tổng số 146 lô đất (diện tích 14.712 m2), có giá khởi điểm hơn 124 tỷ đồng. Sau khi đấu giá được hơn 161 tỷ 676 triệu đồng (giá chênh lệch tăng hơn 36 tỷ 864 triệu đồng). Nhiều xã nhờ bám sát nhu cầu của thị trường, nhanh chóng xây dựng khu đấu giá QSDĐ, nâng cao nguồn thu ngân sách cho địa phương. Điển hình như xã Bình Nghĩa (Bình Lục) từ đầu năm đến nay cho đấu giá QSDĐ 2 đợt với 77 lô có diện tích gần 7.000 m2, thu về ngân sách hơn 77 tỷ đồng. Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa cho biết: Mục tiêu nâng cao nguồn thu ngân sách xã, trả nợ công và tiếp tục đầu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, xã Bình Nghĩa đã quy hoạch khu dân cư ngay gần trung tâm xã. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi về giao thông, gần đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình nên được nhiều người dân quan tâm đấu giá QSDĐ. Kết quả, bình quân các lô đất sau khi đấu giá tăng 1,2 đến 1,5 lần so với giá khởi điểm. Để có được kết quả này, xã Bình Nghĩa đã tiến hành rà soát kế hoạch sử dụng đất ở địa phương, nắm bắt nhu cầu của thị trường, tổ chức xin cấp trên xây dựng khu dân cư. Công tác thi công dự án cũng được triển khai nhanh chóng và được thông báo rộng rãi tới nhiều người dân. Cách làm này đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia đấu giá QSDĐ, góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo kinh nghiệm thực tế ở các địa phương cho thấy, muốn có quỹ đất sạch để đấu giá thì phải xây dựng và triển khai kế hoạch trước cả năm. Việc chọn vị trí phải gần các trục đường chính, thuận lợi về giao thông và lâu dài đất có tiềm năng sinh lời. Khi có thông báo địa điểm phải tổ chức họp dân, công khai dự án, tuyên truyền, vận động người dân nhanh chóng bàn giao mặt bằng xây dựng các khu dân cư mới. Quá trình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các điểm đấu giá phải bảo đảm đồng bộ, kết nối hạ tầng trong khu vực để người dân làm nhà ở thuận lợi. Khu dân cư cũng được xây dựng hạ tầng đồng bộ (đường giao thông, điện lưới, hệ thống thoát nước...) để người dân có thể đến ở ngay khi trúng đấu giá.
Mặt khác, để nâng cao hiệu quả từ bán đấu giá QSDĐ, các cơ quan chuyên môn kết hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) thực hiện các công tác chuẩn bị đúng quy trình, quy định. Trước mỗi đợt bán đấu giá, các đơn vị triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi, chi tiết đến đông đảo nhân dân qua phương tiện thông tin đại chúng. Với cách làm này khi triển khai đấu giá khu đất ở các xã đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia đấu thầu, qua đó nâng cao mức thu nộp ngân sách.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Xác định chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước là chỉ tiêu pháp lệnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy muốn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất đạt kết quả tốt đòi hỏi các địa phương phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng năm, đặc biệt là việc triển khai các bước từ xây dựng kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch dự án, GPMB, thi công công trình, quyết toán dự án... Thực hiện các bước trên mất rất nhiều thời gian và rất cần có sự vào cuộc phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều cấp, ngành. Đối với những địa phương đã và đang tích cực triển khai các bước, việc xây dựng các dự án cho đấu giá QSDĐ sẽ hoàn thành kế hoạch được giao. Ngược lại có nhiều địa phương chỉ cần làm chậm một hoặc vài bước, nhất là GPMB chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá.
Thực tế cho thấy, đối với các huyện, thị xã, thành phố khi tích cực kiểm tra, hướng dẫn, đốc thúc từng xã, phường, thị trấn sát sao trong quá trình thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ về đấu giá QSDĐ thì việc thu ngân sách từ đất sẽ cao. Cụ thể, trong năm 2024 huyện Thanh Liêm xây dựng kế hoạch thu ngân sách từ đất khoảng gần 1.500 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch trên, ngay từ đầu năm 2023, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, xây dựng các điểm dân cư mới, trình cấp trên xem xét bổ sung quy hoạch xây dựng các khu đấu giá QSDĐ. Theo nhận định, đầu năm nay việc đấu giá QSDĐ ở huyện Thanh Liêm có nhiều khả quan, huyện sẽ phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chỉ đạo điều hành của chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB; rà soát, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đầy đủ, kịp thời sát với thực tế địa phương, đúng với pháp luật, làm cơ sở để thống nhất trên toàn tỉnh.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, GPMB. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho người bị thu hồi đất; chủ động bố trí quỹ đất tái định cư, đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư đồng bộ, phù hợp phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của người dân. Mặt khác, thực hiện tốt công tác trao đổi, trả lời những thắc mắc của các hộ dân trước, trong và quá trình triển khai thu hồi đất, GPMB. Với các ngành chức năng và địa phương, cần nhanh chóng hoàn thành các khu đấu giá QSDĐ, công bố giá đất; bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư... phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách từ tiền sử dụng đất.
Thực hiện: Trần Thoan Thiết kế: Đức Huy
Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.