Bình Lục chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

E-MAGAZINE 08:29 03/06/2024 www.baohanam.com.vn

Được xác định là địa phương trọng điểm phát triển nông nghiệp của tỉnh với hơn 9.000 ha đất canh tác. Do vậy, Bình Lục luôn quan tâm xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC). Coi đây là hướng đi góp phần tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế ở Bình Lục nói chung, phấn đấu đến năm 2025, được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Được xác định là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Bình Lục đã quan tâm quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp, giúp tận dụng tốt lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng, từng địa phương trên địa bàn. Cụ thể, huyện đã quy hoạch những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản kết hợp được gần 90 ha tại một số xã, như: An Ninh, Đồng Du, Tràng An, An Nội. Xã An Ninh quy hoạch và chuyển đổi vùng trồng bưởi trên đất lúa cốt cao có diện tích hơn 7 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với trước đây cấy lúa, mở ra hướng phát triển mới trên đồng ruộng.
Trong sản xuất, lúa được coi là loại cây truyền thống của huyện, do vậy Bình Lục quy hoạch các vùng sản xuất lúa theo hướng hàng hóa với diện tích 6.000 ha/năm (vụ xuân 3.500 ha, vụ mùa 2.500 ha). Tập trung sản xuất những giống lúa chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường, như: Bắc thơm số 7, LT2 kháng bạc lá, nếp cái hoa vàng, nếp 97… Những vùng sản xuất lúa được bảo đảm có quy mô tập trung, tạo ra lượng hàng hóa lớn. Đặc biệt, để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã được tỉnh quy hoạch 2 vùng sản xuất NNUDCNC. Trong đó, vùng 1 có diện tích hơn 121 ha tại xã Đồng Du 96,2 ha, thị trấn Bình Mỹ 25,5 ha; vùng 2 tại xã Tràng An có diện tích 56 ha. Vùng 1 hiện đã đi vào hoạt động với 1 dự án đầu tư của HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín – Hà Nội) có diện tích 19,5 ha.

Để sản xuất NNUDCNC đạt hiệu quả, huyện đã đề xuất tỉnh cơ chế đặc thù và có cơ chế riêng hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới. Trong đó, cách đây hơn 5 năm huyện đã đề xuất cơ chế đặc thù của tỉnh hỗ trợ xây dựng điểm 3 mô hình nhà kính công nghệ cao có diện tích 500 m2/nhà liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương sản xuất dưa vân lưới tại xã Bình Nghĩa, Hưng Công và An Ninh. Cùng với đó, huyện có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng nhà kính, nhà màn trồng rau, củ, quả theo Đề án “Xây dựng mô hình NNUDCNC giai đoạn 2021 – 2025”.

Theo ông Trần Xuân Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bình Lục, sản xuất nông nghiệp vẫn được xác định là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế ở Bình Lục. Vì vậy, huyện đã chú trọng phát triển NNUDCNC, thúc đẩy đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào đồng ruộng. Từ đó, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác. Việc quy hoạch vùng và hỗ trợ cho sản xuất NNUDCNC được huyện lựa chọn ưu tiên thực hiện giúp hình thành các mô hình hạt nhân mở rộng ra các địa phương khác.

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện có 8 mô hình nhà kính công nghệ cao, 13 mô hình nhà màn với tổng diện tích gần 50.000 m2. Những mô hình này đều cơ bản phát huy tốt hiệu quả sản xuất. Đồng thời, từng bước thay đổi tư duy, cách làm của người nông dân trên đồng ruộng.

Diện tích trồng nho trong nhà màn cho hiệu quả kinh tế cao của HTX NN ứng dụng công nghệ cao Đồng Du (xã Đồng Du, Bình Lục).

Tìm hiểu tại mô hình nhà kính công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Nhung, xã Bình Nghĩa, một trong 3 mô hình xây dựng đầu tiên thực hiện liên kết sản xuất dưa vân lưới với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương được tỉnh hỗ trợ. Trong những năm đầu chị Nhung thực hiện ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo đúng chương trình (mỗi năm 2 vụ). Cây dưa vân lưới trồng trong nhà kính cho hiệu quả kinh tế cao, đạt lợi nhuận 20 triệu đồng/vụ (40 triệu đồng/năm). Ngoài ra, vào thời điểm vụ đông không trồng được dưa vân lưới chị Nhung trồng thêm dưa chuột thương phẩm bán ra thị trường đạt lợi nhuận 12 – 15 triệu đồng/vụ. Khoảng 2 năm trở lại đây, khi hợp đồng với doanh nghiệp không còn được duy trì (do doanh nghiệp không tiếp tục thực hiện liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm) chị Nhung chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả theo hướng an toàn trong nhà kính. Chị lựa chọn những loại rau trồng trái vụ mà diện tích sản xuất ngoài trời không thực hiện được. Theo chị Nguyễn Thị Nhung, mỗi lứa rau trồng trong nhà kính đem lại giá trị và lợi nhuận cao gấp 1,5 lần bên ngoài. Nhất là cây dưa chuột trồng muộn trong nhà kính thu hoạch dịp Tết Nguyên đán trừ mọi chi phí cho lợi nhuận cao gấp 2 lần sản xuất thời điểm chính vụ. Chi phí sản xuất trong nhà kính công nghệ cao cũng thấp hơn bên ngoài khi giảm tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật…

Với những mô hình NNUDCNC khác trên địa bàn huyện đều duy trì sản xuất, phát triển tốt. Như mô hình trồng nho mẫu đơn, nho hạ đen trong nhà màn của HTX NNUDCNC Đồng Du (xã Đồng Du) có diện tích 2 ha phát huy tốt hiệu quả. Cây nho được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt năng suất cao và cho giá trị gần 1 tỷ đồng/ha/năm. Hứa hẹn cây nho sẽ nâng giá trị, hiệu quả trong thời gian tới khi tuổi cây nhiều lên cho năng suất cao.

Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX NNUDCNC Đồng Du chia sẻ: Khi công nghệ cao được đưa vào ứng dụng trong sản xuất giúp đưa những giống cây trồng mới đồng thời cũng đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, chế độ chăm sóc… Với cây nho của HTX sau mấy năm trồng trong nhà màn đã thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của khu vực miền Bắc, đạt giá trị cao hơn nhiều lần những loại cây trồng khác.

Tại Khu NNUDCNC Bình Lục tỉnh đã, đang lựa chọn và mời những doanh nghiệp, HTX có đủ tiềm lực cả về kinh tế, khoa học kỹ thuật về đầu tư. Từ cuối năm 2022, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (Thường Tín – Hà Nội) được chấp thuận đầu tư Dự án Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm trên diện tích 19,5 ha. Hiện nay, dự án đang được nhà đầu tư triển khai, xây dựng khu nhà màn rộng 3.000 m2, nhà kho hơn 200 m2, bể chứa nước sạch được che bạt phục vụ tưới cho sản xuất trong nhà màn 600 m3. Đồng thời, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà cải tạo, làm mới gần 4 km kênh mương trong nội khu, đắp bờ vùng, bờ thửa. HTX đã sử dụng trên 600 tấn phân hữu cơ, gieo vãi đậu tương cải tạo 6 ha đất sản xuất…

Cơ giới hóa khâu gieo cấy tại Bình Lục đang được mở rộng.

Được biết, HTX đang tiếp tục cải tạo đất mở rộng sản xuất cây dưới nước trên một phần diện tích gắn với trải nghiệm sinh thái. Đồng thời, tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất rau mầm cung cấp cho thị trường. Ông Mai Hữu Đoan, thành viên HTX cho biết: Do mới đầu tư nên diện tích sản xuất của HTX chủ yếu đang trong giai đoạn cải tạo phù hợp với trồng rau, củ, quả. Việc sản xuất tập trung trên toàn bộ diện tích dự kiến từ vụ đông 2024 . Khi sản xuất đi vào ổn định, lượng rau, củ, quả xuất ra thị trường sẽ đa dạng hơn về chủng loại. Giá trị sản xuất hướng đến đạt bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 7 - 8 lần trở lên so với cấy lúa trước đây.

Qua thực tế cho thấy, hiệu quả từ các mô hình sản xuất NNUDCNC trên địa bàn huyện Bình Lục đều cao hơn sản xuất truyền thống từ 1,5 - 3 lần. Với những mô hình sản xuất trong nhà kính công nghệ cao đạt từ 60 – 80 triệu đồng/mô hình 500 m2/năm. Áp dụng sản xuất NNUDCNC giúp mở ra hướng mới, từ đó người dân trong huyện tích cực áp dụng khoa học, công nghệ, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Đồng thời, chú trọng đến sản xuất tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ.

Tuy nhiên, việc phát triển NNUDCNC tại huyện Bình Lục vẫn còn những hạn chế nhất định. Các mô hình sản xuất trong nhà kính công nghệ cao, nhà màn chưa được mở rộng. Ngay Khu NNUDCNC tại huyện mới có duy nhất Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà chính thức vào đầu tư. Tại một số mô hình sản xuất chưa có được liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu bán ra thị trường tự do giá trị không cao. Huyện chưa có nhiều diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất… Đây là những vấn đề cần giải quyết để sản xuất NNUDCNC tại Bình Lục thực sự phát triển và phát huy hiệu quả.

Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục cho biết: Phát triển NNUDCNC là hướng đi tất yếu và chủ lực trong giai đoạn mới của huyện. Vì vậy, thời gian tới, Bình Lục tiếp tục phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh mời gọi, lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào các vùng của Khu NNUDCNC trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đại trà trên đồng ruộng. Theo đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nông nghiệp tiếp tục được tăng cường. Hiện huyện đang tập trung quản lý tốt quy hoạch Khu NNUDCNC ở cả 2 vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư.  Với vùng 1 có thêm 2 dự án, tổng diện tích trên 51 ha đang triển khai xin chủ trương đầu tư của tỉnh. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ trở thành "điểm nhấn" trong việc tổ chức liên kết, nhân rộng thêm các mô hình vệ tinh. HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà hoạt động trong Khu NNUDCNC Bình Lục có kế hoạch liên kết với các vùng lân cận sản xuất rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn an toàn và thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân.

Nông dân Bình Lục ứng dụng công nghệ bay không người lái thực hiện phun thuốc BVTV cho sản xuất nông nghiệp địa phương.

Theo ông Mai Hữu Đoan, thành viên HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, trong chiến lược phát triển HTX hướng đến mở rộng những vùng liên kết ra các địa bàn lân cận. Do vậy, các địa phương cần quan tâm công tác quy hoạch và xây dựng những mô hình sản xuất NNUDCNC… Đối với các địa phương dọc sông Châu nên bố trí phát triển sản xuất rau, củ, quả tận dụng thế mạnh vùng đất bãi. Đây sẽ là những mô hình áp dụng sản xuất NNUDCNC và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vùng nội đồng sản xuất lúa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng VietGAP, hữu cơ. Từ mô hình 10 ha lúa hữu cơ của xã La Sơn, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng. Trong vụ xuân năm nay, Bình Lục đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa có diện tích 20 ha tại xã Đồng Du. Mô hình sẽ được đánh giá và tiếp tục nhân rộng trong những vụ tiếp theo.

 Nhằm tạo thuận lợi trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các địa phương trong huyện tiếp tục triển khai xây dựng mô hình HTX ít thành viên. Theo ông Phạm Văn Đức, Giám đốc HTX NNUDCNC Đồng Du, khi đầu ra cho sản phẩm ổn định, diện tích sản xuất NNUDCNC mới phát huy tốt hiệu quả. Sản phẩm nho hạ đen và mẫu đơn của HTX sản xuất ra đều được tiêu thụ, việc sản xuất rất thuận lợi. HTX đang tiếp tục áp dụng kỹ thuật cao để tạo ra thêm sản phẩm, kéo dài thời gian thu hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả, lợi nhuận.

Sản xuất nông nghiệp của  Bình Lục những năm tới vẫn cơ bản duy trì ổn định và phát triển. Do vậy, để nâng cao giá trị trên diện tích canh tác cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất NNUDCNC. Mục tiêu của huyện đặt ra đến năm 2025 xây dựng 62 mô hình nhà màn có tổng diện tích 62.000 m2; 8 mô hình nhà kính, diện tích 8.000 m2; 70 hệ thống tưới tự động cho 70.000 m2… Đây là yếu tố quan trọng để các xã trong huyện duy trì và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.

Thực hiện: Mạnh Hùng

Thiết kế: Đức Huy

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025

Chính trị  |  20:41 21/11/2024

Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.

Toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia

Chính trị  |  20:07 21/11/2024

Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.

 Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Kinh tế  |  17:57 21/11/2024

Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều  21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC