Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, điều hành phiên bế mạc. Đồng chí Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị đối với các ý kiến thảo luận của Trung ương tại Hội nghị. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9.
Tiếp thu và hoàn thiện dự thảo các Đề cương
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các Tiểu ban khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Hội nghị, hoàn thiện các Đề cương, bảo đảm sự thống nhất giữa các báo cáo, nhất là về chủ đề, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu tổng quát; trên cơ sở đó sớm bắt tay xây dựng dự thảo các văn kiện theo kế hoạch đã đề ra; trình bày ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, dự thảo các văn kiện phải thực sự xứng tầm trình Đại hội, thể hiện được ý chí và sức mạnh vươn lên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, động lực mới, cũng như những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Các dự thảo văn kiện phải xác định đúng đắn những chủ trương, định hướng và các quyết sách lớn bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong 5 năm tới, đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).
Tổng Bí thư yêu cầu, quá trình chuẩn bị các văn kiện, phải căn cứ vào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tổng kết 40 năm đổi mới, 15 năm thực hiện Điều lệ và Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011); đồng thời đánh giá một cách khách quan, khoa học toàn diện các vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp mới phát sinh; phân tích sâu sắc các nguyên nhân; dự báo có cơ sở khoa học tình hình đất nước, khu vực và thế giới. Từ đó, xác định đúng đắn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược cho nhiệm kỳ tới.
Một số vấn đề cần lưu ý khi xây dựng dự thảo văn kiện
Tổng Bí thư gợi mở nhiều vấn đề cần nghiên cứu trong quá trình dự thảo văn kiện: Phải chăng sau 40 năm đổi mới, chúng ta đã thực sự hình thành được Lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam; trong nhiệm kỳ này, cần tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt 12 định hướng phát triển đất nước và 6 nhiệm vụ trọng tâm như trong Đề cương Báo cáo Chính trị đã nêu? Đặc biệt là, nên chăng, trong giai đoạn phát triển mới vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII đề ra; tuy nhiên cần tập trung vào những nội dung rất then chốt, cụ thể hơn, như: xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá phát triển; đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, thu hút, bồi dưỡng, phát triển, trọng dụng nhân tài; và xây dựng kết cấu hạ tầng cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, để thực sự tạo ra đột phá phát triển?.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, quá trình dự thảo văn kiện, cần đi sâu phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025, khẳng định những kết quả, thành tựu đã đạt được; chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; làm rõ những nội dung đổi mới, những nhân tố mới tốt hơn, tích cực hơn của nhiệm kỳ khoá XIII so với các nhiệm kỳ trước. Đồng thời dự báo khả năng thực hiện Cương lĩnh, mục tiêu Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng làm rõ những vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhanh và bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Khẩn trương hoàn chỉnh và ban hành Chỉ thị về đại hội đảng các cấp
Tại Hội nghị, Trung ương đã tập trung thảo luận, phân tích, tạo sự đồng thuận cao những nội dung Bộ Chính trị xin ý kiến, bao gồm: Những nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW còn phù hợp; những nội dung cần kế thừa nhưng phải có điều chỉnh, bổ sung; những nội dung cụ thể hoá các nghị quyết, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII,...
Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp uỷ đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thảo luận, góp ý vào các dự thảo văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV và đại hội đảng bộ cấp trên; đồng thời chuẩn bị thật tốt các báo cáo của cấp uỷ cấp mình. Báo cáo của ban chấp hành đảng bộ cần quán triệt định hướng chuẩn bị Văn kiện trình Đại hội XIV; bám sát tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; đánh giá đúng tình hình thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ qua; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ tới và tầm nhìn xa hơn.
Tổng Bí thư lưu ý, việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm hiệu quả cao. Chú ý phát hiện, giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong Nhân dân.
Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp uỷ phải thực hiện theo đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng; rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng, bảo đảm tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.
Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị, sau Hội nghị này, khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn chỉnh và ban hành Chỉ thị để định hướng cho toàn Đảng chuẩn bị và tiến hành thành công Đại hội các cấp, góp phần cho thành công Đại hội XIV của Đảng.
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội để Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung vào Bộ Chính trị với tỉ lệ số phiếu tín nhiệm cao, các đồng chí: Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã quyết định cho thôi chức vụ và khai trừ Đảng 1 số đảng viên vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước…
Tổng Bí thư yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, chúng ta cần phải nghiêm túc, khẩn trương nghiên cứu, hoàn chỉnh các đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội, trình Hội nghị Trung ương 10 xem xét, quyết định để gửi xin ý kiến của đại hội Đảng bộ các cấp; chỉ đạo thật tốt việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra cho các năm 2024 - 2025 với kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao tiếp tục được các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện. Các xã đạt chuẩn NTM nâng cao nỗ lực giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt. Các xã đăng ký “về đích” NTM nâng cao trong năm 2024 đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra. Năm 2024, tỉnh ta phấn đấu có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Chiều 29/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ Ra mắt Nền tảng Sách, báo điện tử thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 (sachdientu.vn, ebook.gov.vn).
LTS: Trong lịch sử 80 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội ta cùng với toàn dân đã anh dũng chiến đấu đánh thắng các đội quân xâm lược nhà nghề (Pháp, Mỹ) được trang bị vũ khí hiện đại, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi vang dội trong các cuộc kháng chiến của Quân đội ta để lại nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học tự chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh bại quân xâm lược. Từ đó tạo cơ sở xây dựng và phát triển nền công nghệ quân sự Việt Nam với những đặc trưng rất độc đáo mà chúng ta cần nghiên cứu để góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn cách mạng mới.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.