Văn từ Vĩnh Trụ nằm ở phía sau đình Vĩnh Trụ (Di tích xếp hạng cấp quốc gia năm 1993) được xây dựng vào đầu thời Nguyễn. Nơi đây thờ Khổng Tử, Thất thập nhị hiền, Chu Văn An và các nhà khoa bảng của quê hương đỗ đạt trong thời phong kiến; thờ Cụ Nghè Vũ Văn Lý, người thầy dạy học, đào tạo nhân tài, sỹ phu yêu nước ở phủ Lý Nhân. Đây là trường dạy học sớm nhất của huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân xưa. Đã có nhiều học trò thành danh, như: Vũ Hữu Lợi (ông Nghè Giao Cù), Bùi Quế (ông Nghè Châu Cầu), Phạm Văn Nghị, Dương Khuê, Vũ Văn Báo... Đặc biệt, người học trò tiêu biểu là Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Nhiều người con của quê hương Vĩnh Trụ đã học hành thành tài tại Văn từ này, họ đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước… Qua đó, nêu bật ý nghĩa tôn vinh công lao các Thành hoàng đã dạy vua học hành, cũng là mở nghiệp đất học, đất văn mai sau cho quê hương.
Di tích Nho học được coi là một bộ phận quan trọng của hệ thống di tích lịch sử văn hóa của dân tộc. Ở Hà Nam, hiện nay có 6 di tích còn bảo lưu khá tốt kiến trúc, đồ thờ, cảnh quan, trong đó Văn từ Vĩnh Trụ là di tích có quy mô kiến trúc lớn, tương đối nguyên vẹn. Tại đây hiện còn lưu giữ 2 tấm bia đá cổ - chứng tích quan trọng của di tích Nho học, cung cấp thông tin quý về lịch sử hình thành, thể hiện truyền thống tôn sư, trọng đạo của người dân Vĩnh Trụ xưa và nay. Các nhà khoa bảng Vĩnh Trụ dù làm quan hay về với đời thường, đều là người hiểu biết rộng và có mối quan hệ gần gũi với xóm làng, chăm lo đóng góp xây dựng quê hương.
Văn từ Vĩnh Trụ có kiến trúc khá độc đáo. Cổng Văn từ được xây dựng theo phong cách cổ truyền, 2 tầng mái, trên mái đắp giả ngói ống, đao mái tạo cách điệu hình rồng. Trên cùng phần mái, chính giữa đắp hình mặt nhật được bao quanh bởi các đao lửa, vân mây. Đối xứng với cổng chính là 2 cột đồng trụ, mỗi cột được tạo tác thành 3 phần trang trí tính từ dưới lên, gồm: chân, thân và đỉnh. Chân cột tạo dáng thắt cổ bồng; thân vuông tạo các khung ô, trong khung là các câu đối bằng chữ Hán, trên thân là ô lồng đèn; đỉnh cột tạo đôi nghê chầu vào nhau, nối 2 cột đồng trụ và cổng chính là bức tường xây kín, giữa đắp nổi chữ Hán.
Kiến trúc Văn từ mang phong cách thời Nguyễn thế kỷ XIX, có bố cục mặt bằng hình chữ Nhị, gồm 2 tòa 3 đệ nhất gian và 3 đệ nhị gian. Tòa đệ nhất dài 7,3m, rộng 5,37m, xây theo kiểu tường hồi, bít đốc giật cấp. Trên mái lợp ngói nam, dưới lót ngói chiếu, rui tấm, hoành vuông. Tòa đệ nhị 3 gian bít đốc giật cấp, nền lát gạch phẳng phiu. Lối kiến trúc vì nóc theo kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách theo kiểu chồng rường bán giá chiêng, có hàng bảy tiền chắc khỏe gánh đỡ phần mái. Các hoa văn trang trí và các họa tiết trên kiến trúc tỉ mỉ với đường nét mềm mại, thanh thoát thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa… Cùng với kiến trúc và chạm khắc hoa văn, Văn từ còn lưu giữ nhiều đồ thờ và hiện vật có giá trị về nghệ thuật mang phong cách thời Nguyễn, tiêu biểu, như: khám thờ, bát hương, bia đá…
Hiện vật có giá trị phải kể đến là hai khám thờ đặt hai gian bên tòa đệ nhị. Hai khám thờ có kích thước dài 0,6m, rộng 0,4m, cao 0,9m được tạo tác đồng nhất về đề tài trang trí gồm một lớp. Phía trên vành khám trang trí đôi rồng chầu mặt nguyệt; rồng với đôi mắt lồi to, mũi sư tử, trán lạc đà, chân 3 móng bám chặt những làn mây tản; hai bên trang trí chữ triện. Khám thờ vẫn giữ được nếp sơn thếp cổ, mang đậm phong cách thời Nguyễn.
Bên cạnh đó, Văn từ còn lưu giữ một bia đá có kích thước 1,17m x 0,57m x 0,16m. Trán bia hình bán nguyệt; mặt trước chạm đôi rồng chầu mặt nhật, mặt sau chạm mặt hổ phù miệng ngậm chữ Thọ; diềm bia chạm dây hoa viền quanh uốn sóng đều đặn vân mây. Nội dung bia ghi chép việc tu sửa Văn từ năm thứ 10, niên hiệu Tự Đức (1857) và chỉnh trang đồ thờ tự năm thứ 12, niên hiệu Tự Đức (1859). Trên bia còn liệt kê những người công đức cùng với số tiền cúng tiến vào việc sửa sang Văn từ. Bia đá được lập vào ngày 10 tháng 11, niên hiệu Tự Đức năm thứ 16 (1863). Ngoài những đồ thờ, hiện vật tiêu biểu được lưu giữ ở trên, Văn từ Vĩnh Trụ còn lưu giữ được nhiều hiện vật, đồ thờ khác, như: đài nước, bài vị, ống hương, cây nến… góp phần tạo nên giá trị lịch sử văn hóa của di tích.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụm Di tích Đình – Văn từ Vĩnh Trụ là địa điểm hội họp, tập trung quần chúng nhân dân tham gia mít tinh, tuần hành tại huyện đường. Đến năm 1945, dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh huyện, khắp nơi xuất hiện hàng loạt cuộc rải truyền đơn, dán khẩu hiệu vạch tội ác của giặc, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh. Không chỉ vậy, Văn từ trở thành địa điểm tập kết và huấn luyện của dân quân du kích địa phương, là địa điểm dạy học của trường cấp 1, cấp 2 Vĩnh Trụ… Từ năm 1975 đến nay, cụm Di tích Đình – Văn từ Vĩnh Trụ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống hiếu học của cha ông cho các thế hệ tương lai.
Nhằm bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử của Di tích Văn từ Vĩnh Trụ, chính quyền địa phương và Ban Quản lý Di tích đình Vĩnh Trụ đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về ý nghĩa lịch sử, văn hóa địa phương, ý thức trân trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, không xâm hại tới di tích. Thường xuyên phát động phong trào toàn dân đoàn kết bảo vệ di tích. Tại Khu Di tích đình và Văn từ Vĩnh Trụ, du khách cũng có thể tìm hiểu về giá trị lịch sử thông qua quét mã QR code để nắm được những thông tin cần thiết, bổ ích về ý nghĩa, giá trị lịch sử độc đáo quần thể di tích này.
Theo ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Trụ, Trưởng Ban Quản lý Di tích đình - Văn từ Vĩnh Trụ, để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Văn từ Vĩnh Trụ, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân và du khách thập phương.
Sáng 15/1, Ban CHQS thị xã Duy Tiên đã tổ chức lễ đón nhận và tư vấn, giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Sáng 15/1, Công đoàn ngành y tế tổ chức Chương trình “Tết sum vầy – Xuân ơn Đảng”, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong ngành. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế đã đến dự, tặng quà động viên người lao động.
Những năm gần đây, nhất là năm 2024, hợp tác kinh tế trở thành nội dung được quan tâm hàng đầu trong tất cả hoạt động đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là đối ngoại cấp cao. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế là lời đáp trả mạnh mẽ trước luận điệu của một số phần tử chống đối, thù địch cho rằng các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam “đi nhiều nơi, đón nhiều người” nhưng chẳng đem lại lợi ích gì, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.