Tìm hiểu tại các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh, cho thấy, việc khôi phục và phát triển chăn nuôi đang được người dân quan tâm. Những chuồng nuôi quy mô hộ gia đình, không chủ động được con giống đang chuẩn bị các điều kiện nhập đàn. Trong đó, chuồng trại dọn sạch, rải vôi bột, phun thuốc khử trùng tiêu độc. Nguồn con giống được lựa chọn bảo đảm rõ nguồn gốc, sạch bệnh… Tại các trang trại tập trung, tự sản xuất con giống hoạt động chăn nuôi vẫn diễn ra ổn định.
Xã Văn Xá (Kim Bảng) có tổng đàn lợn luôn duy trì ở mức hơn 8.000 con, và gần 1.000 con lợn nái. Chăn nuôi của xã chủ yếu phát triển tại khu tập trung với 24 trang trại hoạt động theo mô hình khép kín từ nuôi lợn nái sản xuất lợn giống chuyển sang nuôi lợn thịt. Những ô chuồng lợn thịt đạt trọng lượng được xuất bán trước Tết đều được vệ sinh tiêu độc khử trùng và chuyển con giống về nuôi thịt. Tại trang trại của anh Nguyễn Công Trung Nhận có quy mô 180 con lợn nái và gần 2.000 lợn thịt. Khu chuồng lợn thịt hiện đã cơ bản được lấp đầy. Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTXDVNN Văn Xá cho biết: Các trang trại chăn nuôi của xã đều chủ động được con giống cho việc tái đàn. Do vậy, lượng lợn thịt trước Tết xuất ra nhiều, nhưng đã được tái đàn kịp thời. Hiện tổng đàn lợn của xã vẫn được duy trì, không có biến động nhiều so với dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Cùng với lợn, gia cầm (tập trung vào gà thả vườn) là đối tượng giảm mạnh đàn trong dịp Tết Nguyên đán do lượng tiêu thụ của người dân lớn. Đa phần gà phục vụ Tết được nuôi tại các hộ nhỏ lẻ trong khu dân cư từ 50 – 200 con/hộ. Với những hộ chăn nuôi quy mô lớn các loại gà đặc sản xuất bán số lượng lớn trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng đàn gia cầm trong tỉnh giảm gần 500.000 con trong dịp Tết Nguyên đán. Tại vùng Tiên Phong, xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên) chuyên nuôi giống gà Móng đặc sản có đến 80 – 90% số hộ nuôi phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Do gà Móng cho chất lượng thịt ngon nhất khi có tuổi đời từ 8 tháng đến 1 năm nên người dân đều có nhu cầu nhập đàn nuôi mới từ đầu năm. Trang trại nuôi gà Móng Thắm Tuyết tại địa phương từng được lựa chọn bảo tồn nguồn gen quý của giống gà đặc sản bản địa này. Hiện, trang trại nuôi với số lượng lớn nhất trong vùng, duy trì đàn gà Móng trên 5.000 con, riêng đàn gà bố mẹ hơn 1.000 con. Sau Tết Nguyên đán lượng gà giảm khoảng 1.000 con. Trang trại đang nâng công suất ấp nở con giống gà Móng phục vụ nuôi tại chỗ và cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Văn Thắm, chủ trang trại chia sẻ: Giai đoạn đầu năm, lượng gà giống ấp nở của cơ sở tăng từ 20 – 50% so với những thời điểm khác trong năm. Người dân nhập đàn trong khoảng từ nay đến tháng 4 (trước thời điểm nắng nóng cao điểm mùa hè) bảo đảm cho gà Móng thịt được nuôi đủ thời gian. Trong thời điểm đầu năm, trang trại cung cấp khoảng 30 – 50 nghìn con giống gà Móng ra thị trường.
Việc khôi phục đàn vật nuôi sau dịp Tết Nguyên đán phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất trong năm. Về phía ngành Nông nghiệp đã có chỉ đạo, tuyên truyền và khuyến cáo đến người dân bảo đảm phát triển đàn hiệu quả. Theo đó, người dân khi tái đàn cần thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại trước khi đưa con giống mới vào nuôi. Nguồn con giống gia súc, gia cầm được lựa chọn bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, sạch bệnh. Trong quá trình nuôi áp dụng tốt phương pháp an toàn sinh học, nhất là tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, định kỳ khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn thả…
Ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT) cho biết: Để bảo đảm phát triển chăn nuôi của tỉnh, ngành tăng cường công tác kiểm dịch giống gia súc, gia cầm nhập vào nội tỉnh. Trong tháng 3 tới, triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh vụ xuân cho đàn vật nuôi và kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế thấp nhất nguy cơ phát sinh các loại dịnh bệnh có khả năng ảnh hưởng đến chăn nuôi.
Năm 2024, theo mục tiêu đề ra, đàn lợn duy trì trên 360 nghìn con, đàn gia cầm hơn 8 triệu con, đàn trâu, bò 37 nghìn con… Với việc đẩy mạnh khôi phục đàn ngay từ đầu năm, hướng tới chăn nuôi của tỉnh sẽ bảo đảm được sản lượng thịt hơi xuất chuồng và giá trị theo kế hoạch đề ra. Qua đó, duy trì được hướng phát triển chủ lực, góp phần vào tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 1,9% so với năm 2023.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình I (VOVedu) vừa phối hợp với CLB Cầu nối Thiện Tâm tặng quà cho học sinh THCS có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; bệnh nhân đang điều trị bệnh nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nhiều phần quà cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Chiều 15/01, tại Nhà Văn hoá xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý), Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Ban Kinh tế tài chính trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam; chùa Vĩnh Nghiêm (thành phố Hồ Chí Minh); nhóm Chia sẻ - Sharing; Quỹ Lá xanh & Phòng Thương mại Slovakia – Việt Nam và các mạnh thường quân tổ chức Chương trình trao quà "Tết yêu thương" Xuân Ất Tỵ năm 2025.
Chiều 15/1, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 9 đánh giá kết quả công tác CCHC năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp. Phiên họp tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Chính phủ đến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự phiên họp tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.