Nỗ lực cải thiện thứ hạng Chỉ số thương mại điện tử

Cải cách hành chính 09:32 29/02/2024 Nguyễn Oanh
Giai đoạn 2021-2023, Chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh Hà Nam luôn thuộc nhóm trung bình của cả nước. Năm 2023, với tổng số 17,8 điểm, Chỉ số TMĐT của tỉnh xếp vị trí thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Mặc dù thứ hạng đạt khá trong bảng xếp hạng chỉ số TMĐT và đã có sự cải thiện mạnh mẽ so với giai đoạn trước nhưng năm 2023, Chỉ số TMĐT của Hà Nam vẫn giảm lần lượt là 1 bậc và 3 bậc so với năm 2022 và 2021. Theo đó, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy hoạt động TMĐT phát triển, nâng cao thứ hạng Chỉ số TMĐT trong năm 2024 và 2025.

Chỉ số TMĐT được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần là chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; chỉ số giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); chỉ số giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Tại Hà Nam, trong các chỉ số thành phần này, chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin được ghi nhận là có sự cải thiện mạnh mẽ nhất qua các năm. Năm 2023, chỉ số này xếp vị trí thứ 9 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2022. Có được kết quả này là do tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các giải pháp nhằm tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp…

Cụ thể, tỉnh quan tâm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông hoạt động, phát triển; chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các đề án “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh Hà Nam”, “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMĐT trên địa bàn tỉnh Hà Nam”. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt tới cán bộ, người lao động trong đơn vị; tuyên truyền hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu như người dân nông thôn, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, học sinh, sinh viên, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp xúc công nghệ… về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thanh toán, các phương tiện thanh toán và lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, hướng đến phát triển TMĐT...

Đông đảo đại biểu doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội thảo nâng cao kỹ năng bán hàng online và marketing cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Sở Công thương phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức. Ảnh: Hân Hân

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin là trụ cột đầu tiên trong Chỉ số TMĐT, bao gồm một số chỉ tiêu quan trọng đánh giá khả năng đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp trong lĩnh vực TMĐT; mức độ lao động thường xuyên sử dụng email hay các công cụ hỗ trợ khác (zalo, viber, skyber, messengger…) trong công việc; hiệu quả của việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và TMĐT… Tỉnh Hà Nam hiện có trên 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Với sự phát triển của mạng lưới này, từ năm 2021 đến nay đã có trên 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh được tiếp cận, tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số; gần 2.800 doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng nền tảng số. Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan tạo trên 10.000 tài khoản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất để đăng tải, bán sản phẩm trên các sàn TMĐT.

Các chỉ số B2B, B2C được đánh giá trên cơ sở tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng các phần mềm, chữ ký điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến, ứng dụng TMĐT cho hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng website doanh nghiệp, việc doanh nghiệp tham gia bán hàng qua các nền tảng như mạng xã hội, sàn TMĐT… Để cải thiện các chỉ số này, các sở, ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đăng ký sử dụng phần mềm quản lý, chữ ký điện tử, hóa đơn điện tử. Hằng năm, Sở Công thương đều đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website; tổ chức các lớp tập huấn về việc ứng dụng TMĐT và công nghệ thông tin trong kinh doanh, giúp doanh nghiệp nắm bắt và cập nhật thông tin thị trường, tìm kiếm bạn hàng thông qua các ứng dụng TMĐT; khai thác, mở rộng mạng lưới phân phối, bán lẻ trên sàn giao dịch TMĐT cho các đơn vị sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các bộ giải pháp hoàn tất đơn hàng và tham gia sàn giao dịch TMĐT trong tỉnh, trong nước và quốc tế… Kết quả, năm 2023, chỉ số B2C tiếp tục duy trì vị trí thứ 24/63 tỉnh, thành phố nhưng chỉ số B2B bị giảm 5 bậc so với năm 2022, xếp vị trí thứ 29/63 tỉnh, thành phố.

Theo ông Lê Minh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, các doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng tích cực, chủ động hơn trong việc ứng dụng TMĐT để tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, thiết lập kênh phân phối và bán hàng trên nền tảng công nghệ số. Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến việc xây dựng, phát triển website doanh nghiệp, phát triển kinh doanh trên mạng xã hội, tham gia các sàn TMĐT, đẩy mạnh quảng cáo, kinh doanh trên nền tảng di động. Doanh nghiệp trong tỉnh hiện cũng đã sử dụng phổ biến các phần mềm quản lý, sử dụng chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, nhận đơn đặt hàng và đặt hàng qua các công cụ trực tuyến.

Bên cạnh kết quả đạt được cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân khiến cho chỉ số B2B bị giảm thứ hạng và chỉ số B2C chưa thực sự có sự bứt phá trong năm 2023 là do nguồn nhân lực có chất lượng cao cho phát triển TMĐT của tỉnh ít dẫn đến việc hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp chưa được kịp thời. Số lượng website doanh nghiệp tăng nhưng chưa nhiều; doanh nghiệp tổ chức, triển khai ứng dụng TMĐT chủ yếu là tự phát, tập trung ở các doanh nghiệp lớn. Việc khai thác những lợi ích mà TMĐT mang lại như tiếp thị và quảng cáo trực tuyến, bán hàng, đặt hàng, thanh toán trực tuyến, kế hoạch truyền thông trực tuyến chưa được triển khai ứng dụng nhiều. Khả năng cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu so với doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật khi tham gia website chưa được đảm bảo…

Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh nằm trong trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số TMĐT với trên 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT, mạng xã hội; 100 % website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; trên 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ và 60% các hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch TMĐT; trên 70% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động… Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về TMĐT nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ phục vụ phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; áp dụng rộng rãi chứng thực chữ ký số để bảo đảm an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT; hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền riêng của doanh nghiệp, làm công cụ liên lạc, trao đổi thông tin, giao dịch trực tuyến…

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri tại Hưng Yên

Người đại biểu nhân dân  |  19:23 02/12/2024

Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nhà báo Bùi Hữu Tuấn đoạt giải Nhất Cuộc thi “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024

Văn học - Nghệ thuật  |  17:08 02/12/2024

Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.

Chủ tịch nước Lương Cường: Xây dựng ngành Tòa án tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Chính trị  |  16:11 02/12/2024

Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC