Phải có đầy đủ đạo đức công vụ và năng lực chuyên môn
Ngày 20/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 76/SL ban hành Bản Quy chế công chức nước Việt Nam dân chủ cộng hòa áp dụng từ ngày 1/5/1950. Đây là văn bản chính thức đầu tiên quy định chế độ công chức của nước Việt Nam. Điều 2 của Quy chế này ghi rõ: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những điều có hại đến thanh danh công chức, hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Những điều quy định đó tuy vắn tắt nhưng đã nêu khá đầy đủ những yêu cầu phẩm chất của người cán bộ công chức nước Việt Nam mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm và tư cách đạo đức.
Những tiêu chí cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những tiêu chí đạo đức, là mục tiêu phấn đấu thi đua tu dưỡng của mỗi người Việt Nam yêu nước, mỗi cán bộ, đặc biệt là cán bộ đảng viên, là những người cần gương mẫu thực hiện trước. Với các cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “Trong mọi việc, chúng ta chỉ có một mục đích, là phụng sự đồng bào, phụng sự Tổ quốc. Chúng ta chỉ có một phương châm, là chí công vô tư”
Trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta còn thấp, hiệu quả lao động chưa cao, nhiều nếp nghĩ, cách làm lạc hậu xưa cũ còn chưa được vượt qua. Trong bối cảnh đó, việc học tập để nâng cao năng lực chuyên môn của mỗi cán bộ công chức có vai trò rất quan trọng. Trình độ mọi mặt được nâng cao sẽ nâng cao được hiệu quả công tác, sẽ tránh được những sai lầm khuyết điểm không đáng có do nhận thức ấu trĩ, do tri thức khoa học, công nghệ thấp kém. Người cán bộ công chức tốt phải là một người có trình độ văn hoá cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh những điều này với mọi ngành và với từng cá nhân. Người nhấn mạnh, cán bộ phải đầy đủ cả đức và tài một cách hài hòa trong phẩm chất cá nhân - vì “có tài mà không có đức là người vô dụng” nhưng “có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Lựa chọn và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ công chức
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm việc đánh giá, lựa chọn, sử dụng, chăm sóc đội ngũ cán bộ. Muốn lựa chọn cán bộ đúng cần phải căn cứ vào những tiêu chí cơ bản về đạo đức công vụ:
a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng.
c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn.
d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Đó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ, chúng ta phải theo cho đúng”
Theo Người, khi sử dụng cán bộ thì cần theo năm cách:
- Chỉ đạo những phương hướng đường lối công tác cho cán bộ, để họ phát huy năng lực và tinh thần sáng tạo trong những công việc cụ thể.
- Nâng cao trình độ cho cán bộ bằng cách tạo điều kiện để họ học thêm lý luận và chuyên môn.
- Thường xuyên kiểm tra rút kinh nghiệm, sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm trong quá trình công tác.
- Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục, cải tạo, giúp họ sửa chữa.
- Giúp đỡ họ bảo đảm những điều kiện sinh hoạt, chăm sóc họ khi đau ốm. Tùy theo hoàn cảnh mà giúp đỡ họ giải quyết vấn đề gia đình…
Những điều Người viết từ tháng 10/1947 đến nay vẫn gợi mở nhiều suy nghĩ.
Mối quan hệ hai chiều
Nhà nước pháp quyền chúng ta đang (và còn phải) phấn đấu xây dựng là chính quyền nhân dân - của dân, do dân, vì dân - trong đó dân là chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chính phủ (phải) là “người đày tớ trung thành” của nhân dân, mỗi cán bộ phải là “công bộc” tận tụy của nhân dân. “Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”. “Việc gì có lợi cho dân phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(5). Sự tận tâm và liêm chính được Chính phủ thể hiện trước nhân dân, mà công chức là những người trực tiếp thi hành, đáp ứng mong mỏi của toàn xã hội cũng như của từng người dân. Điều đó xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào Chính phủ, là động lực để nhân dân thực hiện những chủ trương, chính sách của Chính phủ. Mỗi cán bộ, công chức là đại diện của Chính phủ trên cương vị công tác của mình không được phụ lòng tin đó.
Cán bộ, công chức là những người “làm công ăn lương” nhưng là người “làm chủ” chứ không phải là người “làm thuê”. Mỗi người cán bộ, công chức cần/phải phát huy quyền dân chủ và năng lực sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Theo chiều ngược lại, nhân dân có thể đánh giá chính xác những ưu điểm, khuyết điểm của bộ máy chính quyền cũng như của từng cán bộ. Với tinh thần tin ở nhân dân và thực sự cầu thị, tháng 10/1947, trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tin vào dân chúng… Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(6). Mối liên hệ giữa nhân dân và Chính phủ là mối quan hệ hai chiều biện chứng. Mối liên hệ này càng chặt chẽ càng bảo đảm tính nhân dân của chính quyền cách mạng và nhân dân càng có điều kiện khẳng định quyền làm chủ của mình. Muốn thực hiện được mối liên hệ này cần phải tạo ra và bảo đảm một cơ chế dân chủ thực sự và toàn diện để nhân dân có thể thực hiện được quyền dân chủ của mình. Cán bộ, công chức cũng chính là người trực tiếp vận hành cơ chế đó trong mỗi công việc tiếp xúc với nhân dân.
Thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy
Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết đấu tranh chống lại những bệnh tật dễ mắc trong bộ máy nhà nước - đó là bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, tệ “quan cách mạng” nhũng nhiễu nhân dân ở các địa phương. Người kịch liệt phê phán những khuyết điểm: làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hoá… của cán bộ đã suy thoái, biến chất. Tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch: “Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”(7).
Một hệ thống công quyền chân chính, tiến bộ và nhân văn phải bảo đảm được sự công bằng, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Thi hành được điều này không phải dễ dàng bởi vì từ xưa rồi, “tội của quan vẫn được xử theo lễ còn tội của dân được xử theo luật” (!). Vẫn còn tình trạng pháp luật chưa nghiêm, vẫn có vụ việc “nén bạc đâm toạc tờ giấy” khiến lòng dân thiếu niềm tin vào hệ thống pháp chế. Tình trạng này một phần do hệ thống luật pháp của chúng ta còn nhiều kẽ hở để những kẻ bất liêm lợi dụng, phần khác do việc thi hành luật pháp chưa nghiêm minh, chưa bảo đảm tác dụng giáo dục và răn đe, từ đó nảy sinh các nhũng nhiễu, tiêu cực, các vòi vĩnh hối lộ và tham nhũng. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó giữ địa vị nào, làm nghề gì” đang đặt ra như một yêu cầu bức xúc của xã hội. Làm được như vậy, chúng ta mới bảo vệ được kỷ cương phép nước, giữ được lòng tin của nhân dân. Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo Đảng tiến hành quyết liệt theo phương châm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào” hiện nay đang đáp ứng yêu cầu đó.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không viết riêng những điều về công chức. Khái niệm công chức trong thời trước chưa tách bạch như hiện nay. Nhưng những điều Người căn dặn cán bộ, đảng viên không nằm ngoài những yêu cầu về phẩm chất mà những công chức, viên chức là “công bộc” của nhân dân luôn cần tu dưỡng. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức về phẩm chất và năng lực là công tác quan trọng cùng với việc cải cách hành chính và tác phong làm việc, tạo ra những cơ chế hoạt động hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền. Đó cũng là sự cụ thể hoá, kế thừa và phát triển những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ công chức từ những năm xưa để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới hôm nay.
Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).
Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.