Đoàn kết, chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh, bền vững

Bước sang năm mới Giáp Thìn 2024, với những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2023 - năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; với mục tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; phục hồi kinh tế sau dịch bệnh gặp nhiều khó khăn hơn so với dự báo, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, quyết tâm vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tỉnh Hà Nam đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương; đồng thời, tập trung cụ thể hóa, ban hành chương trình hành động, kế hoạch để tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đồng thời tập trung quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên các lĩnh vực trong năm 2023. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tổ chức việc kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thống nhất, đồng bộ từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh; thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh và các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu theo đúng quy định, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; thành lập các Tiểu ban, các Tổ giúp việc để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030. Lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc chuẩn bị một bước cho đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ.

Làm tốt công tác tư tưởng tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tập trung xây dựng tổ chức đảng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Công tác kết nạp đảng viên có chuyển biến tích cực, năm 2023, toàn tỉnh đã kết nạp được 1.251 đảng viên, tăng 31% so với năm 2022. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện và xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, được dư luận, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Các đại biểu bấm nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Nguyễn Oanh

Tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận; tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân phát huy truyền thống của Đảng bộ, đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên các lĩnh vực được nâng lên. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở; dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường.

Kinh tế của tỉnh cơ bản ổn định, có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng đạt 9,41% (đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng, thứ 8 toàn quốc). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giảm tỷ trọng nông nghiệp nhưng nâng cao giá trị gia tăng. Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra (đạt 14.617 tỷ đồng), tiếp tục tự cân đối ngân sách năm 2023.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực. Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả; trong năm đã thu hút được 35 dự án FDI đầu tư cấp mới, với tổng vốn đầu tư là 549 triệu USD (bằng 156% so với cùng kỳ năm 2022). Chương trình phát triển đô thị được đẩy mạnh, đến hết năm 2023 đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra (48,1%); ngày 08/11/2023, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1128/QĐ-BXD công nhận đô thị Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi và có bước phát triển. Hoạt động du lịch đạt kết quả cao; tổng lượt khách du lịch đạt trên 4,3 triệu lượt (tăng 38,8%); doanh thu ước đạt trên 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 57,1% so với năm 2022). Công nghiệp hóa nông nghiệp được đẩy mạnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vượt kế hoạch đề ra; đến nay, toàn tỉnh có trên 50% số xã đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Công tác quy hoạch được triển khai đồng bộ; ngày 26/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu: Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; kinh tế thịnh vượng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; xã hội văn minh, hiện đại, dân chủ; con người Hà Nam phát triển toàn diện, với các phương hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2025: Phát triển công nghiệp - công nghệ cao - đô thị - dịch vụ du lịch thương mại; giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển đô thị - công nghiệp - công nghệ cao - dịch vụ du lịch thương mại. Đây là cơ sở để tỉnh Hà Nam tiếp tục triển khai các định hướng chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng và cả nước; đồng thời, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh Hà Nam trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà cho trẻ em mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2023. Ảnh: Lê Yến

Hệ thống hạ tầng khung kết nối liên vùng tiếp tục được đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp; trong năm đã khởi công nhiều dự án giao thông trọng điểm, tạo kết nối liên vùng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển; tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớn, tạo ấn tượng sâu sắc, như: Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Hà Nam, Trưng bày Bảo vật quốc gia và cổ vật tiêu biểu, Giải đua thuyền rồng - Lễ hội Tam Chúc lần thứ I, Bay trải nghiệm khinh khí cầu, Khai trương Khu phức hợp thể thao tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, “Tuần văn hoá, du lịch Hà Nam năm 2023” với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối” và các hoạt động văn hóa, thể thao nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế; đặc biệt, lần đầu tiên, Hà Nam được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”. Để đạt được danh hiệu này, Hà Nam đã vượt qua nhiều “đối thủ” xuất sắc khác, như: Thành phố George Town (Malaysia), Thành phố Gjirokastër (Albania), Thung lũng Kathmandu Valley (Nepal), Thành phố Oaxaca (Mexico)... Giải thưởng đã khẳng định sự yêu mến, công nhận và tôn vinh của cộng đồng quốc tế đối với giá trị văn hóa, lịch sử phong phú riêng của Hà Nam; đồng thời, góp phần quảng bá du lịch Hà Nam trong và ngoài nước.

Chất lượng giáo dục - đào tạo được duy trì; giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả nổi bật. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2023, tỉnh Hà Nam đứng thứ 7 toàn quốc về điểm bình quân chung; trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia năm học 2022-2023, Hà Nam nằm trong “top 4” cả nước về số thí sinh đạt giải Nhất. Công tác đào tạo nghề được chú trọng, chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%. Tập trung giải quyết việc làm mới cho hơn 28.000 lao động. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm; dịch bệnh được kiểm soát. An sinh xã hội được  bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đã tổ chức thành công Cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2023. Công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số đạt nhiều kết quả. Hà Nam là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành chỉ tiêu cấp 100% căn cước công dân gắn chíp điện tử theo Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư của công dân được tập trung chỉ đạo; đã giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh và nhiều vụ việc tồn đọng được giải quyết dứt điểm; việc xử lý các vi phạm qua thanh tra, kiểm tra kịp thời, giữ vững ổn định tình hình.

Sản xuất dây dẫn điện ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Thanh Liêm). Ảnh: Hân Hân

Có thể khẳng định năm 2023, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam đã đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn và hoàn thành khá toàn diện nhiệm vụ chính trị, tạo tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong thời gian tới.

Năm 2024 là năm quyết định cho việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị:

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện và tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; giữ vững đoàn kết, thống nhất trong toàn đảng bộ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thực hiện hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần tự giác, “tự soi, tự sửa”, tự nhận diện của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương.

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chụp ảnh với các đơn vị hỗ trợ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc. Ảnh: P.V

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên và chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ. Đẩy mạnh phát triển đảng viên mới, phấn đấu tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm đạt từ 3-4% trên tổng số đảng viên toàn đảng bộ. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 bảo đảm đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, giữ vững ổn định tình hình để chuẩn bị đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030. Rà soát, bổ sung quy hoạch, kiện toàn cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực, chủ động chuẩn bị một bước nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI bảo đảm có kế thừa, đổi mới và phát triển. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

Thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; tập trung kiểm tra, giám sát về thực hiện các nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc thực hiện Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ và một số lĩnh vực nhạy cảm, dư luận quan tâm.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực: Công tác dân vận, nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế và nhiệm vụ chính trị được giao.

Hai là, về lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội:

Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương, nghị quyết, chương trình, đề án của tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ động rà soát những quy hoạch có liên quan để kịp thời điều chỉnh, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh. Bám sát các bộ, ngành Trung ương để hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu Công nghệ cao Hà Nam và triển khai các bước tiếp theo theo quy định. 

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình mạ khay cấy máy tại xã Đạo Lý (Lý Nhân). Ảnh: Mạnh Hùng

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, trọng tâm là hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và Khu Công nghệ cao. Tập trung thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới tạo ra giá trị sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh phát triển ổn định, bền vững. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; hạ tầng các khu đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và hệ thống kênh mương tưới tiêu, thoát nước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối liên vùng, như: Cầu Tân Lang, tuyến đường bộ song hành quốc lộ 21, Nút giao Phú Thứ, tuyến đường kết nối hai đền Trần, các kênh mương, trạm bơm tưới tiêu đã cho chủ trương. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển đô thị; tập trung hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị, bảo đảm mục tiêu Kim Bảng trở thành thị xã trước năm 2025; thị xã Duy Tiên cơ bản đáp ứng tiêu chí đô thị loại III, tiến tới thành lập thành phố; xây dựng 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV (đô thị Thanh Liêm, Lý Nhân và thị trấn Bình Mỹ thuộc huyện Bình Lục).

Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch; khởi công Dự án đầu tư xây dựng Công viên chủ đề tại thành phố Phủ Lý; hoàn thiện các thủ tục xây dựng quần thể Khu Du lịch Tam Chúc trở thành Di sản “Văn hoá và Thiên nhiên thế giới”; kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực về nghiên cứu, đầu tư các dự án phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; chú trọng thực hiện hiệu quả cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa.

Thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, thực hiện tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ngay từ đầu năm. Tập trung, quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng; xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; tập trung xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; gắn phát triển văn hóa, phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá truyền thống và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Tăng cường giới thiệu, quảng bá về địa danh, tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chủ động phòng, chống dịch, bệnh; làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở khu vực mới. Đầu tư nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, thu hút, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; thực hiện tốt an sinh xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân.

Tăng cường thu hút lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động có chỗ ở ổn định, gắn bó lâu dài với tỉnh.

Ba là, về quốc phòng, an ninh; cải cách hành chính; tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo:

Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, nhất là an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông, tích cực, chủ động phòng, chống cháy nổ. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính giai đoạn 2021 - 2025; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Triển khai hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo tinh thần năm 2024 là “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác tiếp dân, đối thoại và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; kịp thời giải quyết đơn, thư từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, không để xảy ra điểm nóng.

Hòa chung không khí phấn khởi, mừng Đảng, mừng Xuân mới Giáp Thìn, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lê Thị Thủy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

TIN MỚI CẬP NHẬT

 “Văn hóa và con người Duy Tiên” - Cuốn sách hay về vùng đất núi Đọi, sông Châu

Văn hóa  |  11:16 30/11/2024

Nhân kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên; 95 năm thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Duy Tiên, 5 năm Duy Tiên trở thành thị xã, Thị ủy, HĐND, UBND thị xã Duy Tiên ra mắt cuốn sách “Văn hóa và con người Duy Tiên”. Với dung lượng 555 trang (hàm ý kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên), cuốn “Văn hóa và con người Duy Tiên” là một hệ thống thông tin, dữ liệu tương đối hoàn chỉnh (về: địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, danh nhân tiêu biểu…), giúp độc giả thêm hiểu, thêm tự hào, yêu quý vùng đất núi Đọi, sông Châu.

Một nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người

Người tốt - Việc tốt  |  11:15 30/11/2024

Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô giáo Mai Thị Phượng, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Trần Quốc Toản (thành phố Phủ Lý) luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp đánh giá là một người giỏi về chuyên môn; người truyền cảm hứng và là bạn đồng hành với học sinh trong hành trình chinh phục tri thức. Với tình yêu nghề, tinh thần nhiệt huyết và sự phấn đấu, rèn luyện không ngừng nghỉ cùng đam mê sáng tạo trong hoạt động chuyên môn, cô giáo Mai Thị Phượng đã gặt hái được rất nhiều thành tích trong giảng dạy, nhất là trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Chính vì vậy, cô là một trong số ít những giáo viên được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố khen thưởng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu năm 2024".

Nỗ lực thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao

Nông thôn mới  |  08:49 30/11/2024

Thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao tiếp tục được các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện. Các xã đạt chuẩn NTM nâng cao nỗ lực giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt. Các xã đăng ký “về đích” NTM nâng cao trong năm 2024 đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra. Năm 2024, tỉnh ta phấn đấu có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC