Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ 2 tháng cuối năm, chuẩn bị cho 2019

Xây dựng Đảng - Chính quyền 08:26 04/11/2018 Duy Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu kỹ tình hình quốc tế và trong nước, xây dựng ngay kịch bản điều hành năm 2019, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 10/2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018, đánh giá chung về tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, Thủ tướng cho rằng, tình hình chuyển biến tích cực, kết quả tốt hơn cùng kỳ năm trước. Điều này càng củng cố thêm dự báo sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu mà Quốc hội giao năm 2018. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cảnh báo, nếu chủ quan thì có thể không đạt được chỉ tiêu. Như ngành nông nghiệp, đến nay đạt kim ngạch xuất khẩu trên 33 tỷ USD trong khi mục tiêu đặt ra năm 2018 là 40 tỷ USD mà “chỉ còn 2 tháng nữa, các đồng chí phấn đấu như thế nào khi giá cả nhiều mặt hàng nông sản đang còn nhiều vấn đề”.

Chuẩn bị kế hoạch 2019 căn cơ, rõ nét

Bên cạnh thực hiện kế hoạch năm 2018, Thủ tướng nêu rõ cũng cần chuẩn bị cho kế hoạch 2019 một cách căn cơ, rõ nét hơn. Điều này đòi hỏi các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, thực hiện hiệu quả hơn nữa các mục tiêu đề ra. “Tôi lấy ví dụ như Nghị định về liên thông thông tin thì ai làm việc này”, hay những biện pháp cần thiết nào để có thể triển khai ngay Hiệp định CPTPP sau khi được thông qua.

Tiếp tục nhấn mạnh công tác thể chế, Thủ tướng cũng đề cập đến việc xây dựng Nghị định thực hiện Luật An ninh mạng một cách công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, thậm chí mời một số cơ quan, tổ chức có liên quan để đóng góp ý kiến. Bên cạnh đó là một số văn bản quy phạm pháp luật khác cần triển khai, điều chỉnh thuộc các ngành giáo dục, y tế, ngân hàng…

Thủ tướng nhấn mạnh tháo gỡ thể chế lạc hậu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân là động lực tăng trưởng quan trọng hiện nay. Nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm

Về nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục nhất quán ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước để kiểm soát lạm phát, điều tiết phù hợp các chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa. Hết sức lưu ý điều hành giá xăng dầu, giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế.

Bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, không để sốt, khan hàng trong dịp cuối năm, dịp Tết Nguyên đán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình cụ thể để nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, cụ thể đến từng chỉ tiêu, đặc biệt tiêu chí, nhóm chỉ tiêu Việt Nam xếp hạng thấp, có nguy cơ tụt hậu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương chuẩn bị xây dựng Nghị quyết 01 năm 2019, nghiên cứu kỹ tình hình quốc tế và trong nước, xây dựng ngay kịch bản điều hành năm 2019, đề ra giải pháp, đối sách phù hợp.

Nhấn mạnh nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2018, Thủ tướng nêu rõ tiếp tục nhất quán ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng.

Bộ Tài chính chú trọng theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp phù hợp, kịp thời để phát triển hiệu quả, bền vững thị trường chứng khoán.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chất lượng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2018; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Cho biết vừa qua, đã tiếp đoàn Ủy ban Nghề cá, Nghị viện châu Âu (EC) và đề nghị đoàn ủng hộ việc sớm xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam, sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển phải quyết liệt thực hiện việc giám sát, ngăn ngừa hoạt động đánh bắt hải sản trái quy định của EC.

Lưu ý vấn đề dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng nêu rõ, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh nhập cảnh vào Việt Nam.

Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại trong và ngoài nước để kịp thời có phản ứng chính sách với những diễn biến mới. Rà soát, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sản xuất hàng xuất khẩu để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Bộ Xây dựng nghiên cứu hình thành các mô hình mới về phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh... Chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Hoàn thiện Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”, trình Thủ tướng trong quý IV/2018.

Bộ Giao thông vận tải rà soát, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm của ngành như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam... Xử lý dứt điểm và hiệu quả các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Về du lịch và dịch vụ, Thủ tướng đề nghị “giải mã” các bất cập về du lịch và có hội nghị chuyên đề về vấn đề này, nhất là quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty lữ hành, tránh tình trạng ép giá hoặc phá giá dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch và phương tiện phục vụ khách du lịch, vì “nếu để tình trạng như hiện nay thì rất đáng lo ngại”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để xóa bỏ các rào cản và thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ. Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ. Không để xảy ra sự cố trong khâu ra đề, chấm thi

Về giáo dục và đào tạo với nhiều vấn đề xảy ra thời gian qua, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động trao đổi, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội liên quan đến đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ xây dựng chính sách, rà soát kỹ ngay từ khi xây dựng dự thảo văn bản, không để xảy ra sai sót như vừa qua.

Đối với báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, Thủ tướng đề nghị thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Quốc hội, khắc phục tốt các tồn tại, bất cập, không để bất ngờ, khó khăn cho việc ôn thi của học sinh; không để xảy ra sự cố trong các khâu ra đề, chấm thi, vi phạm quy chế thi…

Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, cần khai thác có hiệu quả Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ quốc gia.

Bộ Tư pháp quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện pháp luật, chấn chỉnh ngay tình trạng ra văn bản trái luật. Thủ tướng nêu rõ, không để nợ đọng văn bản.

Tổ Công tác của Thủ tướng tiếp tục đẩy mạnh đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ. Phải chỉ ra cụ thể các hành vi gây nhũng nhiễu, tiêu cực, chứ không nói chung chung, muốn vậy phải đi sát, quy trách nhiệm người đứng đầu, nhất là nạn tham nhũng vặt. Theo Thủ tướng, sắp tới, một hội nghị lớn về phòng chống nạn tham nhũng vặt sẽ được tổ chức.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ có kế hoạch triển khai thực hiện ngay những lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Theo baochinhphu.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO

Kinh tế  |  05:38 23/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh

Đời sống  |  05:29 23/11/2024

Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC