Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, việc quan tâm chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh được coi là một trong những giải pháp quan trọng, cần thường xuyên tăng cường thực hiện một cách đồng bộ, bài bản, chất lượng, hiệu quả nhằm góp phần giữ vững “trận địa” chính trị tư tưởng của Đảng. Theo đó, cùng với duy trì thực hiện có nền nếp, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp rất cần chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác giáo dục truyền thống bằng những giải pháp phù hợp với thực tiễn nhằm bảo đảm mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững.
Nội dung giáo dục truyền thống bao hàm một khối lượng thông tin rộng lớn, đề cập đến nhiều lĩnh vực: Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hiến của dân tộc, quê hương, đất nước; truyền thống lịch sử vinh quang của Đảng; thân thế, sự nghiệp, những phẩm chất đạo đức sáng ngời cùng công lao, đóng góp to lớn của Bác Hồ kính yêu; truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường; truyền thống xây dựng, phát triển, trưởng thành của từng giới, ngành, đoàn thể, lực lượng…
Mục đích của giáo dục truyền thống là hệ thống hóa, truyền tải những thông tin lịch sử chính thống, từ đó cập nhật kiến thức, củng cố sự hiểu biết, nhân lên niềm tin tưởng, lòng tự hào của thế hệ hôm nay đối với những giá trị, ý nghĩa lớn lao của truyền thống lịch sử, văn hóa cùng những phẩm chất cao đẹp, những cống hiến, hy sinh oanh liệt của thế hệ cha anh đi trước. Chính vì thế, việc nghiên cứu, lựa chọn, biên soạn tài liệu phục vụ công tác giáo dục truyền thống theo hướng đúng, trúng, phù hợp với từng nhóm đối tượng tiếp nhận có vai trò rất quan trọng và cần thiết nhằm đạt được hiệu quả thiết thực.
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Phạm Quang Man (Phó Chủ tịch phụ trách Hội Cựu chiến binh thành phố Phủ Lý) cho rằng: Thông tin, kiến thức truyền thống rất rộng lớn, đa dạng, phong phú, trong khi các nhóm đối tượng tiếp nhận cụ thể (vốn không đồng nhất về thế hệ, tuổi tác, trình độ học vấn cũng như những thế mạnh, hạn chế…) luôn có sự khác biệt về sở thích, mối quan tâm, ý thức, năng lực tiếp thu…, do vậy, khi lựa chọn xây dựng chương trình giáo dục truyền thống, các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là cơ quan tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên cần có sự lựa chọn đúng, trúng nội dung cần tập trung chuyển tải, lan tỏa, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm tổ chức. Muốn vậy, trước hết hệ thống tài liệu biên soạn phục vụ các chuyên đề giáo dục truyền thống cần được cập nhật, chỉnh lý, bổ sung kịp thời, thường xuyên theo hướng phân nhánh nội dung cho từng cấp, đoàn thể, ngành, giới, lứa tuổi, từng khu vực, địa bàn, qua đó thu hút sự chú ý và giúp đối tượng tiếp nhận cảm thấy gần gũi, hứng khởi, dễ hình dung, dễ tiếp thu, hòa nhập. Theo đó, cần quan tâm đúng mức đến những nội dung gần gũi, liên quan trực tiếp đến địa phương, đơn vị, lĩnh vực công tác và nhiệm vụ chính trị mà các nhóm đối tượng tiếp nhận được phân công thực hiện.
Như đã nói ở trên, giáo dục truyền thống là một phạm vi bao hàm rộng lớn về nội dung, với khối lượng kiến thức, thông tin tư liệu khổng lồ, dàn trải trên nhiều lĩnh vực. Thêm vào đó, đối tượng mà công tác giáo dục truyền thống hướng tới cũng rất đa dạng. Chính vì vậy, để đạt được hiệu quả thiết thực, người trực tiếp thực hiện công tác giáo dục truyền thống không chỉ lựa chọn đúng, trúng nội dung mà còn phải rất “tinh, khéo” trong cân đối liều lượng, cấp độ thông tin sao cho phù hợp.
Theo cô giáo Phạm Thị Thanh Lan (Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Kim Bảng): Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 quy định số tiết học bắt buộc về nội dung giáo dục địa phương (trong đó có giáo dục truyền thống) ở bậc THPT là 35 tiết/khối/năm học. Cùng với thực hiện nghiêm quy định chung về số tiết, ban giám hiệu nhà trường rất chú ý cân đối liều lượng, cấp độ thông tin sao cho vừa phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi ở từng khối lớp, vừa phù hợp với môi trường giáo dục nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất. Theo đó, hình thức “giáo dục truyền thống dưới cờ” (nhân các tiết chào cờ sáng thứ hai đầu tuần) luôn cố gắng bảo đảm thực hiện trong khoảng thời gian thích hợp, cấp độ vừa phải, không “tham nhiều” nội dung, dễ dẫn đến nặng nề, nhàm chán.
Cũng để cân đối liều lượng, cấp độ thông tin, hướng tới sự phù hợp và đạt hiệu quả cao, nội dung giáo dục truyền thống không chỉ khuôn tròn trong không gian lớp học và trong khoảng thời gian 45 phút của mỗi tiết học mà được linh hoạt hóa bằng việc đưa ra không gian thực địa, được “sân khấu hóa” bởi chính các em học sinh, qua đó làm tăng thêm sự phong phú, sinh động, tính hấp dẫn. Đặc biệt, nội dung giáo dục truyền thống còn được nhà trường cân đối thích hợp về liều lượng, cấp độ thông qua việc “chuyển hóa” thành bài tập dự án giao cho các lớp, nhóm học sinh, đi tham quan tìm hiểu thực tế, thu thập thông tin, hình ảnh tư liệu lịch sử… xây dựng thành chuyên đề cụ thể, qua đó vừa tạo tâm thế chủ động, kích thích niềm đam mê, năng lực sáng tạo, vừa thu được hiệu ứng giáo dục lâu dài, bền vững. Cùng hướng đến mục tiêu cân đối liều lượng, cấp độ nội dung giáo dục truyền thống sao cho hiệu quả, nhiều năm qua Trường THPT Lý Thường Kiệt cũng thường xuyên đưa hình thức diễn xướng dân gian (hát Dậm Quyển Sơn) vào chương trình giảng dạy, học tập, hình thành Đội hát Dậm (do học sinh đảm nhiệm) phục vụ nhiệm vụ giới thiệu, tôn vinh, nhân lên niềm tự hào về giá trị di sản văn hóa đặc sắc của quê hương.
Cũng như Trường THPT Lý Thường Kiệt, nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh đã luôn chủ động, linh hoạt hóa hoạt động giảng dạy, học tập nội dung giáo dục truyền thống theo hướng cân đối liều lượng, cấp độ thông tin, cách thức tổ chức sao cho phù hợp với năng lực tiếp nhận của từng lứa tuổi học sinh. Ngoài tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm thông qua các hội thi, liên hoan: “Em yêu lịch sử quê em”, “Thi hát dân ca”, “Thi kể chuyện về quê hương, đất nước”, “Thi đánh giá nhận thức, hiểu biết về truyền thống địa phương”, nhiều cơ sở giáo dục còn chủ động đa dạng hóa nội dung giáo dục truyền thống dưới hình thức: “Kể chuyện dưới cờ”, “Rung chuông vàng”, viết thu hoạch, thi trực tuyến, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, tọa đàm, trao đổi, giao lưu với nhân chứng lịch sử, tổ chức về nguồn, báo công tại di tích lịch sử, văn hóa hoặc lồng ghép vào hoạt động văn nghệ, thể thao,... Một số trường còn phân cử học sinh duy trì chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa; phân công giáo viên thường xuyên bổ sung kho dữ liệu truyền thống, xây dựng thư viện mở tại trường để thu hút học sinh dễ dàng tiếp cận với thông tin giáo dục truyền thống.
Theo Anh hùng lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Bình Lục - Trần Đức Cơ, thời gian qua các cấp hội CCB cùng với các cấp bộ đoàn thanh niên rất tích cực “linh hoạt hóa” cách thức triển khai hoạt động giáo dục truyền thống thông qua một số hình thức: Tham mưu, phối hợp tổ chức thi viết bài tìm hiểu lịch sử đảng bộ địa phương; thi tìm hiểu văn hóa đồng chiêm; giao lưu, tọa đàm, nghe nói chuyện chuyên đề; mít tinh kỷ niệm... giúp thanh niên, học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử của những sự kiện, ngày lễ trọng đại trong năm. Cùng với đó, phối hợp tổ chức hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” bằng những công trình, phần việc phù hợp, như vận động hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia chỉnh trang cảnh quan nghĩa trang, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, tặng quà thương binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ hằng năm. Đây là hình thức giáo dục trực quan cụ thể, sinh động và thiết thực, giúp thế hệ trẻ vừa tiếp cận thông tin về truyền thống lịch sử, vừa thể hiện sự tôn vinh, tri ân những thế hệ cha anh đã hy sinh máu xương để đổi lại cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc hôm nay. Đồng thời, nhân lên niềm tin, niềm tự hào cũng như nhắc nhở thế hệ thanh niên, học sinh ngày nay về trách nhiệm tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng. Bên cạnh đó, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ thanh niên, học sinh còn được lồng ghép khéo léo vào chương trình các chiến dịch thanh niên tình nguyện hằng năm với rất nhiều công trình, phần việc phù hợp, gần sát thực tế đời sống, có ý nghĩa và sức lan tỏa sâu rộng, tích cực trong cộng đồng.
Bàn về sự linh hoạt trong cách thức tổ chức nội dung giáo dục truyền thống, đồng chí Trần Quế Chi (Báo cáo viên của Huyện ủy Kim Bảng) cho biết: Hiện nay, với đảng bộ cơ sở, việc tập hợp toàn thể đảng viên mỗi năm chỉ thực hiện vào dịp học tập nghị quyết, sơ kết 6 tháng, tổng kết năm… do vậy công tác giáo dục truyền thống ở quy mô toàn đảng bộ nên có sự chủ động, linh hoạt lồng ghép vào chương trình một số hội nghị sao cho phù hợp.
Ở Đảng bộ thị trấn Ba Sao, một số hội nghị sơ kết, tổng kết định kỳ, đảng ủy chủ động thực hiện chu đáo công tác chuẩn bị (gửi sớm tài liệu, phân công cụ thể nội dung tham luận…) để phần sơ kết, tổng kết vẫn bảo đảm yêu cầu đánh giá đầy đủ, chính xác kết quả, ưu điểm, chỉ rõ hạn chế, thiếu sót, xác định đúng, trúng phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Thời gian còn lại, bố trí một chuyên đề giáo dục truyền thống có nội dung và thời lượng phù hợp. Và thực tế năm 2023, Đảng ủy thị trấn Ba Sao đã thực hiện cách làm này, đem lại hiệu quả rất tích cực. Đông đảo cán bộ, đảng viên rất hào hứng khi tiếp nhận nội dung chuyên đề giáo dục truyền thống quê hương và cũng rất ủng hộ cách làm linh hoạt, hiệu quả trên.
Theo đề xuất của báo cáo viên Trần Quế Chi, cấp ủy, cơ quan tuyên giáo các cấp cần nghiên cứu đưa giáo dục truyền thống trở thành nội dung bổ trợ trong chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng, nhằm trang bị cho quần chúng ưu tú là đối tượng kết nạp Đảng những kiến thức cơ bản, gần gũi về lịch sử, văn hiến, truyền thống đấu tranh cách mạng, danh nhân tiêu biểu… của quê hương, đất nước, từ đó nhân lên niềm tin, niềm tự hào và động cơ phấn đấu đúng đắn, tích cực.
Để công tác giáo dục truyền thống bắt kịp với nhịp điệu sôi động của đời sống thông tin hiện tại, các cấp, ngành, đoàn thể, cơ sở giáo dục cũng cần mạnh dạn ứng dụng, phát huy lợi thế của công nghệ, nền tảng số vào quá trình truyền tải, lan tỏa những kiến thức, tư liệu lịch sử, văn hóa… đến với đối tượng tiếp nhận một cách nhanh nhất, tiện dụng và hiệu quả nhất. Thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào hoạt động của bảo tàng, nhà truyền thống và một số di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng tiêu biểu… để thu hút công chúng, nhất là thanh thiếu niên, học sinh. Cùng đó, xây dựng chủ đề sinh hoạt văn hóa, các trò chơi gắn với giáo dục truyền thống, lịch sử, hoặc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình “sân khấu hóa” những tác phẩm, nhân vật lịch sử, văn học tiêu biểu... nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống.
Ngay trong tháng 10/2023 vừa qua, thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam và sự kiện lịch sử “Tiếng trống cách mạng Bồ Đề”, huyện Bình Lục đã phối hợp tổ chức đưa vào sử dụng công trình số hóa khu di tích lịch sử đình Triều Hội (xã Bồ Đề, Bình Lục). Nhờ đó, đông đảo đoàn viên, hội viên, nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh có thể sử dụng công nghệ quét mã QRcode hoặc truy cập trang web: http://dinhtrieuhoi.cargis.vn để xem video, hình ảnh và nghe thuyết minh giới thiệu về di tích lịch sử đình Triều Hội. Khi tiếp cận, sử dụng những tính năng công nghệ thông tin mới này, cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân sẽ có được trải nghiệm thực tế rất ấn tượng, cuốn hút, vừa dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin tư liệu, vừa dễ dàng hình dung không gian, thời gian, bối cảnh, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của sự kiện lịch sử.
Ngoài ra, trang số hóa di tích lịch sử cách mạng đình Triều Hội còn có nhiều biển, bảng chỉ dẫn, giới thiệu chi tiết từng hạng mục, bảo đảm hiệu quả tuyên truyền trực quan, sinh động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục di tích lịch sử, văn hóa, di tích ghi danh sự kiện cách mạng, kháng chiến tiêu biểu được số hóa, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống.
Đội ngũ báo cáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống. Cùng với vai trò chỉ đạo, định hướng sát sao, bài bản của cấp ủy, cơ quan tuyên giáo, kết quả lựa chọn đúng trúng nội dung, linh hoạt trong cân đối liều lượng, cấp độ, cách thức truyền tải thông tin… phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết, trách nhiệm, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ báo cáo viên. Do đó, phải có sự quan tâm đúng mức đến xây dựng, củng cố nhân lực, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm và tạo những điều kiện cần đủ để đội ngũ báo cáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác giáo dục truyền thống.
Trao đổi về vấn đề này, giảng viên Chu Thị Thúy Hường (Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị thị xã Duy Tiên) cho rằng: Với đội ngũ báo cáo viên thực hiện các chuyên đề giáo dục truyền thống nên có sự mở rộng phạm vi trưng tập nhân lực ra ngoài ngành, ngoài địa phương, đơn vị, miễn sao chọn được những người thực sự tâm huyết, trách nhiệm, có nền tảng kiến thức và sự am hiểu sâu rộng, có kỹ năng, kinh nghiệm, uy tín về lĩnh vực tuyên truyền miệng. Bên cạnh đó, cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan tuyên giáo các cấp cũng cần quan tâm thực hiện thường xuyên công tác bồi dưỡng, tập huấn định kỳ và chuyên đề, giúp cho đội ngũ báo cáo viên đảm nhận nhiệm vụ giáo dục truyền thống vừa phát huy được vốn thông tin, kiến thức, vừa tự tin, linh hoạt, chủ động trong tác nghiệp, luôn làm chủ nội dung từng chuyên đề, bài giảng. Các cấp, ngành, đoàn thể cũng nên có sự linh hoạt khi triển khai hoạt động phối hợp, cộng tác, trao đổi trong thực hiện nhiệm vụ báo cáo viên, qua đó vừa tạo sự đa dạng, phong phú, mới mẻ về nội dung, phong cách truyền đạt của các hội nghị giáo dục truyền thống, vừa trao thêm cơ hội để đội ngũ báo cáo viên giao lưu, học hỏi lẫn nhau cũng như có dịp thử sức với những nội dung chuyên đề mới, đối tượng tiếp nhận mới trong lĩnh vực giáo dục truyền thống.
Giáo dục truyền thống chính là việc chắp nối, khơi nguồn, trao truyền, tôn vinh, lan tỏa di sản quý báu về lịch sử, văn hiến, tinh thần yêu nước, lịch sử Đảng, lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc, của thế hệ cha anh đi trước cho thế hệ tiếp nối. Quan tâm thực hiện hiệu quả công tác giáo dục truyền thống chính là góp phần bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào, nhân lên ý chí tự lực, tự cường, khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nội dung: Thế Vĩnh
Thiết kế: Lê Đức Huy
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.