Bén duyên với nghệ thuật chèo ở độ tuổi 20, đến nay, ông Nguyễn Hồng Chinh đã có trên 60 năm gắn bó với chiếu chèo thôn Phúc Hạ 1. Cùng với thế hệ đàn anh của mình, ông Chinh là một trong những người đã có công gây dựng và phát triển chiếu chèo của thôn từ đầu thập niên 60 đến nay với tên gọi thân quen, gần gũi “Chiếu chèo tự lập quê nhà”. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động cho đến thời điểm này, chiếu chèo thôn Phúc Hạ 1 vẫn duy trì thường xuyên trên 20 thành viên tham gia, trong đó có nhiều thành viên hiện nay là người thân, anh, em, con cháu của ông Nguyễn Hồng Chinh. Mỗi khi nhắc đến chiếu chèo của quê mình, ông Nguyễn Hồng Chinh đều không giấu được niềm vui, niềm tự hào khi trong gia đình có đến 3 anh em ruột cùng tham gia sinh hoạt và có công gây dựng, đưa làn điệu chèo Phúc Hạ ngày càng bay cao, bay xa hơn.
Ông Chinh chia sẻ: Tôi mê ca hát, nhất là nghệ thuật chèo từ khi tóc còn để chỏm. Từ khi mới lên 9, lên 10 tuổi, tôi đã nhiều lần tham gia đội hát tuồng, hát cải lương của thôn và đi biểu diễn tại các sân khấu của thôn, của xã. Sau đó, đầu thập niên 60 khi nghệ thuật chèo phát triển, tôi lại cùng các anh trai tập luyện hát chèo và từng bước phát triển chiếu chèo của quê hương. Hồi đó, mỗi khi nghe tiếng trống chèo trong thôn vang lên là trong lòng đã nhộn nhịp.
Quả thật, khi được trò chuyện và tiếp xúc với ông Chinh và bà con thôn Phúc Hạ 1 mới nhận thấy rõ tình yêu, sự tôn vinh của người dân nơi đây đối với những làn điệu chèo cổ. Ai nấy đều vô cùng tự hào khi nhiều năm nay, các thành viên của CLB Hát chèo thôn Phúc Hạ 1 đã trở thành hạt nhân của xã, của huyện tham gia các hội diễn, liên hoan CLB Dân ca và chèo tỉnh Hà Nam và đạt nhiều giải thưởng cao. Mặc dù bận rộn với công việc làm ăn, đồng áng, gia đình, cuộc sống của nhiều thành viên còn khó khăn, thiếu thốn nhưng với niềm đam mê, yêu thích hát chèo, ông Chinh và các thành viên trong CLB đều cố gắng bố trí thời gian tổ chức sinh hoạt, nhiệt tình với các hoạt động của CLB. Họ say mê, hạnh phúc vì được góp sức mình giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật chèo của quê hương để giờ đây, “thương hiệu” chiếu chèo Phúc Hạ 1 đã được nhiều người dân trong tỉnh biết đến.
Được biết, ngoài việc nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu chèo cổ, ông Chinh còn tích cực sáng tác các làn điệu chèo mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước đổi mới. Ông cũng sáng tác nhiều hoạt cảnh, ca cảnh, tiểu phẩm để biểu diễn, phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, Tết, hội làng, tham gia chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân, tiễn tân binh lên đường nhập ngũ hằng năm…
Với mong muốn giữ gìn và lan tỏa những làn điệu chèo trong đời sống, ông Nguyễn Hồng Chinh còn dành nhiều thời gian, công sức để truyền dạy những tinh túy nhất của nghệ thuật chèo cho các thế hệ trẻ, các thế hệ học sinh yêu chèo tại các trường học trên địa bàn xã. Trong đó, nhiều học trò của ông đã trở thành thành viên của CLB hát Chèo thôn Phúc Hạ 1. Khắc phục những khó khăn, thiếu thốn khi chi phí hoạt động không có, ông Chinh đã cùng các thành viên trong CLB tự chế tác các nhạc cụ phục vụ tập luyện, biểu diễn, truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Về Phúc Hạ 1 hôm nay, các thế hệ học sinh của ông Chinh vẫn nhắc lại và truyền tai nhau những lời ca, tiếng hát thể hiện sự trân quý, biết ơn đối với công lao truyền dạy hát chèo của ông: Thích chơi cứ đến mà chơi/ Có người dạy hát, có nơi học đàn/ Ở đây không có Oocgan/ Có sáo, có nhị, có đàn một dây/ Có cây đàn nguyệt của thầy/ Hồ tiểu một chiếc âm hay vô cùng/ Đàn tam đồ cổ nhất vùng/ Đàn tứ ngắn tũn chơi chung một giàn/ Không biết thì cứ hỏi han/ Có người dạy hát, dạy đàn hẳn hoi…
Có nhiều đóng góp đối với nghệ thuật chèo cũng như phong trào văn hóa, văn nghệ của quê hương, năm 2010, ông Nguyễn Hồng Chinh đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch. Hiện nay, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh và vẫn tận tâm trong công tác truyền “lửa” đam mê cho thế hệ kế cận, tích cực sáng tác lời mới theo các làn điệu chèo với nội dung mang tính thời sự, nhân văn, phản ánh tâm tư của nhân dân, làng quê đổi mới để phục vụ hoạt động của CLB.
Chia sẻ về tác phẩm mới sắp ra mắt, ông Chinh cho hay: Đối với tôi, chèo như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Còn hơi thở thì tôi còn hát, còn sáng tác. Sắp tới, tôi dự định cho ra mắt một hoạt cảnh chèo mới với sự tham gia biểu diễn của tất cả các thành viên trong đại gia đình tôi bao gồm nhiều thế hệ. Qua đó, tôi muốn khơi dậy tình yêu của thế hệ trẻ đối với làn điệu chèo để chiếu chèo Phúc Hạ được duy trì, phát triển và bộ môn nghệ thuật này có thể sống mãi trong đời sống của người dân.
Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).
Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.