Theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Quy chế xếp hạng di tích cấp tỉnh, những năm qua, việc lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm. Số lượng di tích xếp hạng tăng nhanh, trung bình mỗi năm xếp hạng được từ 5 – 7 di tích cấp tỉnh, 1 – 2 di tích cấp quốc gia. Tính đến hết tháng 9/2023, Hà Nam có 230 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (chùa Đọi Sơn và đền Trần Thương), 95 di tích cấp quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh.
Được sự quan tâm của Nhà nước, những năm vừa qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Từ năm 2009 đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có gần 80 di tích, cụm di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, có 11 di tích được tu bổ lớn, gồm: chùa Đọi Sơn, Từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đình Đồng Du Trung, đền Trần Thương, đình Văn Xá, đình Hòa Ngãi, đình An Hòa, chùa Quế Lâm, đền Trúc, chùa Bà Đanh.
Bên cạnh nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Hà Nam đã quan tâm đầu tư kinh phí đối với hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1379/QĐ-UBND ngày 12/9/2016 kèm theo Đề án chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích xếp hạng cấp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; năm 2021, ban hành Chương trình Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2021 – 2025. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 62 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh được đầu tư bằng nguồn ngân sách tỉnh. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương trong tỉnh đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn của nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích. Theo thống kê sơ bộ của các địa phương, mỗi năm nhân dân các địa phương, tổ chức xã hội trong và ngoài tỉnh công đức từ 20 – 30 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích. Nhiều di tích đã nhận được sự đầu tư từ nguồn xã hội hóa cao, như: chùa Thạch Tổ, chùa Bào Cừu, đình Hồng Phú, chùa Đọ Xá, đình Lạt Sơn (thành phố Phủ Lý); đình, phủ Ngò, phủ Thượng Vỹ, chùa Giáng (Lý Nhân); chùa Tứ, đền Ba Xã, đền Cửa Rừng, hang Gióng Lở (Thanh Liêm); đình An Bài, đình Đại Phu, chùa Hưng Long, chùa Diễm, chùa Đại Minh (Bình Lục); đình Hoàn Dương, đền Yên Từ, đền Lảnh Giang (thị xã Duy Tiên)…
Các di tích có quy mô lớn, tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, như: chùa Đọi Sơn; chùa Bà Đanh – núi Ngọc; đền Trần Thương; Lảnh Giang, đền Bà Vũ, đền Trúc – Ngũ Động Sơn, đền Lăng; căn cứ địa Lạt Sơn… danh lam thắng cảnh Tam Chúc, Bát Cảnh Sơn đã và đang được Nhà nước lập quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, cảnh quan không gian và các công trình phụ trợ để trở thành các khu, điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh, đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Ngoài ra, các di tích đã được xếp hạng khác cũng nhận được nguồn đầu tư, tu bổ đã phát huy giá trị đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau.
Tuy số lượng di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi khá cao, nhưng có thực trạng là di tích xuống cấp không tu bổ bằng vật liệu truyền thống, mà được sửa lại hoặc phá bỏ xây mới bằng kết cấu bê tông sau đó sơn giả gỗ thay thế; nền di tích lát gạch hoa… đã làm mất dần yếu tố nguyên gốc của di tích. Công tác quản lý, bảo vệ đồ thờ, hiện vật, di vật, bảo vật quốc gia ở các di tích đa phần được lưu giữ tại các di tích hoặc giao cho ban khánh tiết, thủ từ quản lý. Nhưng do công tác bảo vệ, bảo quản chưa chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật, trong đó mất cắp sắc phong, đồ thờ chiếm đa số.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Sở VH,TT&DL đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án cụ thể trong việc quản lý, bảo vệ đồ thờ, hiện vật. Đối với các di vật, cổ vật quý hiếm, như thần phả, sắc phong… phải có phương án riêng để quản lý. Sở VH,TT&DL cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định các hiện vật có giá trị cần tập trung bảo vệ, nghiên cứu; đề xuất lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia cho 6 hiện vật tiêu biểu, gồm: Bộ tượng Kim Cương chùa Đọi Sơn (thị xã Duy Tiên); cuốn sách đồng có tên “Khâm ban đồng bài” xã Bắc Lý, kiệu đình Thọ Chương xã Đạo Lý, khay rồng thờ đình Văn Xá, xã Đức Lý đều thuộc huyện Lý Nhân; khánh đá chùa Điều, xã Vũ Bản (Bình Lục); hương án đá và bệ đá thờ Phật chùa Đặng Xá, xã Văn Xá (Kim Bảng).Căn cứ vào tiêu chí xếp hạng di tích và từ kết quả nghiên cứu phát hiện mới về di tích, trong vòng 10 – 15 năm nữa trên địa bàn tỉnh dự kiến có khoảng 191 di tích có thể đưa vào kế hoạch xếp hạng.
Theo kết quả nghiên cứu từ Bảo tàng tỉnh, sơ bộ thành phố Phủ Lý có 17 di tích, huyện Kim Bảng 9 di tích, huyện Lý Nhân 59 di tích, thị xã Duy Tiên 37 di tích, huyện Bình Lục 62 di tích và huyện Thanh Liêm có 7 di tích. Con số này sẽ được giữ vững và tiếp tục tăng lên nếu các địa phương tiếp tục quan tâm, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp từ nguồn xã hội hóa. Và để các di tích phát huy được giá trị, các địa phương cần chú ý bảo vệ hệ thống văn tự Hán-Nôm (câu đối, văn bia, sắc phong), nghiên cứu khôi phục lại các hoạt động văn hóa dân gian, nghi thức tế lễ, lễ hội truyền thống… đã từng gắn kết và là linh hồn của các di tích.
Để đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) thực sự đi vào đời sống, thời gian qua, việc phối hợp liên ngành giữa BHXH tỉnh và các sở, ngành liên quan, tổ chức đoàn thể được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo bước phát triển vững chắc trong mở rộng diện bao phủ, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT; thực hiện tốt công tác chi trả, bảo đảm quyền lợi người tham gia.
Ngày 2/12, Công an huyện Bình Lục phối hợp với Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống bạo lực học đường tại Trường THCS xã An Nội (Bình Lục).
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, sáng 2/12, sau lễ đón chính thức tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Singapore Seah Kian Peng.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.