Làng nghề truyền thống không chỉ tạo ra các sản phẩm vật chất cho xã hội, làng nghề còn tạo ra hồn cốt văn hóa, các giá trị chuẩn mực ứng xử, chuẩn mực giao tiếp; đồng thời, góp phần giáo dục thế hệ trẻ lòng tự tôn với các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương. Vì vậy, bảo tồn và phát triển các làng nghề cần phải được cụ thể hóa bằng cơ chế chính sách. Sự quan tâm, đầu tư thiết thực bằng nguồn lực tài chính sẽ giúp cho người dân làng nghề vượt qua “rào cản” về vốn, về công nghệ xử lý môi trường, để tạo ra những sản phẩm chất lượng vươn ra “biển lớn”.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nam: Hiện, toàn tỉnh có 58/65 làng nghề được công nhận đang hoạt động; trong đó, có 32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), với hơn 7.500 hộ gia đình, 121 doanh nghiệp và 2 HTX tham gia sản xuất, kinh doanh các ngành nghề TTCN. Tổng doanh thu hằng năm của làng nghề ước đạt trên 2 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 16 nghìn lao động, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng... Công tác xây dựng thương hiệu và phát triển làng nghề gắn với chương trình OCOP đã và đang được các địa phương và người dân các làng nghề quan tâm triển khai thực hiện.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 14/58 làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm trên 24%); 6/58 làng nghề có sản phẩm được xếp hạng công nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên (chiếm trên 10%). Những vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường đã được người dân làng nghề coi trọng. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm đã được tổ chức tạo cơ hội cho các làng nghề quảng bá giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm mở rộng thị trường... Những sản phẩm nổi tiếng của các làng nghề như: Lụa tơ tằm Nha Xá (Mộc Nam), trống Đọi Tam (Tiên Sơn) - Duy Tiên, bánh đa nem làng Chều (Nguyên Lý - Lý Nhân) hay gốm Quyết Thành (Kim Bảng)... đã vượt ra khỏi “lũy tre làng” vươn tới các thị trường lớn trong nước và quốc tế, đem lại những giá trị kinh tế cao cho sản phẩm; đời sống của người dân làng nghề vì thế ngày càng khấm khá.
Cũng là một người “giữ lửa” và “truyền lửa” với mong muốn đưa sản phẩm truyền thống của làng vươn xa, nhiều năm qua, anh Nguyễn Hồng Tiến, Giám đốc HTX du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến (Nha Xá, Mộc Nam, Duy Tiên) chia sẻ: Nhiều năm qua, anh đã đồng hành cùng những nghệ nhân, thợ giỏi của làng tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để tạo ra những sản phẩm lụa cao cấp. Với những đường nét hoa văn tinh tế, tinh xảo, mẫu mã đa dạng, sản phẩm lụa Nha Xá đã có mặt rộng khắp thị trường trong nước và đang từng bước vươn tới thị trường quốc tế. Hiện, ở Nha Xá có 150 hộ trong làng đều làm nghề dệt, với 375 máy dệt các loại, bình quân một năm sản xuất và tiêu thụ từ 600- 960 nghìn mét lụa các loại. Nghề dệt phát triển không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá và bình yên cho người dân làng Nha Xá mà còn góp phần thay đổi tư duy cũng như cung cách làm ăn của những người lao động làng nghề. Người dân đã biết liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, không còn kiểu “mạnh ai nấy làm”. Hiện, Nha Xá được coi là địa phương đứng số 1 trong cả nước về sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống..
Qua khảo sát, đánh giá, hầu hết các làng nghề truyền thống đều có bề dày lịch sử, có sản phẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, các nghề thủ công đang đứng trước một thách thức rất lớn, khi hàng hóa tiêu dùng do máy móc hiện đại sản xuất ngày càng nhiều, chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đa dạng. Bị các sản phẩm công nghiệp lấn át, nhiều làng nghề thủ công truyền thống đã dần thu hẹp cả về qui mô và thị trường tiêu thụ. Cái khó về đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống đã trở thành “rào cản” trong quá trình phát triển của các làng nghề.
Cùng với đó, lực lượng lao động làng nghề đang dần bị thiếu hụt; đa số lao động trong làng nghề là người lớn tuổi, trình độ tay nghề chưa cao, năng suất lao động thấp. Công tác xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế. Nhiều sản phẩm làng nghề chưa vào được hệ thống siêu thị và một số thị trường lớn, Đặc biệt, công tác xử lý môi trường ở một số làng nghề vẫn còn chậm, hệ thống công nghệ xử lý nước thải lạc hậu...
Nguyên nhân theo ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) chủ yếu là do: Quá trình đô thị hóa đã thu hút số lượng lớn lao động trẻ vào các khu, cụm công nghiệp. Công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức; nhiều sản phẩm làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu. Các cơ sở sản xuất làng nghề chủ yếu vẫn nằm xen kẹp trong khu dân cư nên công tác xử lý môi trường tập trung gặp khó khăn.
Thêm nữa, nhiều cán bộ địa phương và người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển làng nghề trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới cũng như trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
Được biết, để giúp các làng nghề tháo gỡ khó khăn, từ năm 2011 đến nay, nhiều chủ trương, quyết sách của tỉnh, của huyện đã được triển khai thực hiện. Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2015; Kế hoạch số 588/KH-UBND của UBND tỉnh, Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 2986/KH-UBND ngày 4/11/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về bảo tồn và phát triển làng nghề Hà Nam giai đoạn 2021-2030.
Đặc biệt, trong định hướng và giải pháp phát triển làng nghề, làng nghề TTCN giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đã xác định: Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng, hình thành mô hình du lịch làng nghề với mục tiêu phát triển bền vững; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế - văn hóa và môi trường.
Theo đó, rất nhiều giải pháp được nêu ra. Trong đó, tập trung rà soát, đề xuất một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề trên địa bàn như: hỗ trợ di dời, xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng KHCN, hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề theo chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, xây dựng và triển khai mô hình, dự án bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng; chú trọng các phương án bảo vệ môi trường ở làng nghề...
Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng có nghề có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, sự phát triển của làng nghề còn lưu giữ và tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp... Vì vậy, để giải được bài toán làng nghề, thì những giải pháp trên cần phải được cụ thể hóa bằng những cơ chế chính sách, những chương trình, dự án với những mục tiêu cụ thể rõ ràng, khả thi.
Nội dung: Minh Thu; Ảnh Minh Thu, Mạnh Hùng Thiết kế: Đức Huy
Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.