Lấy chất lượng giáo dục làm nền móng cho sự phát triển
Năm 1993, thời điểm đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới, tiếp tục phát huy những thành tựu cải cách giáo dục, Đảng đã ban hành Nghị quyết 04/NQ/TƯ ngày 14/1/1993 về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo với quan điểm “Phải mở rộng quy mô, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, gắn học với hành, tài với đức”. Trường Năng khiếu huyện Lý Nhân được thành lập, nhằm đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng nhân tài cho quê hương.
Thầy giáo Vũ Đức Thắng, trước đó làm hiệu trưởng trường cấp II Vĩnh Trụ được điều động về làm Hiệu trưởng của trường Năng khiếu. Lúc đó, thầy Vũ Đức Thắng 38 tuổi. Thầy kể: Khi nhận nhiệm vụ về đây xây dựng ngôi trường Năng khiếu huyện Lý Nhân, tôi rất lo lắng, bởi điều kiện cơ sở vật chất khi đó thiếu thốn quá nhiều, tất cả đều rất sơ sài, chỉ có một dãy nhà của trường Hạ sỹ quan thông tin (Quân chủng Phòng không không quân) trước đó, họ mới bàn giao lại cho huyện, rộng 1200m2. Chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc sửa chữa lại các phòng học cho các lớp. Ban đầu, toàn trường có 127 học sinh, mỗi lớp chỉ có chục em, hơn chục em chủ yếu là học sinh của thị trấn Vĩnh Trụ, thêm một số ở các xã lên. Đội ngũ giáo viên cũng chỉ có 17 người. Ai về đó lúc bấy giờ cũng rất tâm lý, thậm chí còn nản chí vì học sinh không có nhiều, cơ sở vật chất lại quá nghèo nàn, chỉ bảng đen phấn trắng. Ngoài đồng lương ít ỏi, các thầy cô không có thu nhập gì thêm, cuộc sống rất khó khăn.
Nhưng thầy Thắng được UBND huyện và phòng Giáo dục và Đào tạo giao cho quyền chọn lựa giáo viên về giảng dạy tại trường. Thầy Thắng đã “nhắm” những thầy cô giáo trẻ mới ra trường, có thành tích học tập ở trường sư phạm tốt, có phẩm chất đạo đức và thực sự yêu nghề tuyển về trường như các thầy Nguyễn Đức Toàn, Phạm Anh Tuấn, Ngô Thanh Tuân, Nguyễn Thị Thu, Ngô Thị Xuân Hương... Thầy tự hào: “Tiêu chí để tôi lựa chọn những giáo viên cho trường lúc đó phải có chuyên môn tốt, có đạo đức và yêu nghề. Thầy giáo Nguyễn Đức Toàn bấy giờ mới ra trường, bằng đỏ, rất nhiều trường muốn có thầy. Nhưng tôi đã đón nhận thầy cùng với nhiều giáo viên khác về để cùng nhau xây dựng ngôi trường này đúng nghĩa là trường Năng khiếu.”
Là học sinh lớp 9 khóa đầu tiên, chị Mỹ Hạnh (hiện đang là giáo viên dạy Ngữ văn, trường THCS Trần Phú, thành phố Phủ Lý) nhớ lại: Chúng tôi là những học sinh lớn nhất trường, được chọn về học tại đó cũng cảm thấy rất tự hào. Nhưng thực sự trường khi ấy vô cùng khó khăn, không có sân chơi, bãi tập, không có phòng họp hội đồng... Rồi cả thầy và trò đều rất nỗ lực thi đua học tốt, dạy tốt. Chúng tôi rất ngưỡng mộ các thầy cô của mình, họ còn rất trẻ, nhiệt huyết và say mê với nghề. Vì thế, họ đã truyền lửa cho chúng tôi sau này chọn theo nghề Sư phạm giống như các thầy cô kính yêu của mình!”
Từng bước, từng bước, trường Năng khiếu huyện Lý Nhân được củng cố về đội ngũ, hoàn thiện về cơ sở vật chất và phát triển sự nghiệp giáo dục theo đúng yêu cầu đặt ra. Lớp học trò này trưởng thành, lớp trò khác tiếp bước “sự học” một cách nghiêm túc và thành công. Vị thế của nhà trường ngày càng được nâng cao, niềm tin với nhân dân ngày càng được củng cố. Thầy giáo Vũ Đức Thắng, nguyên Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Điều may mắn cho chúng tôi là được chọn người. Nhờ đội ngũ này, chúng tôi có được chất lượng giáo dục tốt nhất. Nhưng, quan trọng hơn cả, trường đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về mọi mặt. Vượt qua những khó khăn mang tính thời cuộc, trường Năng khiếu huyện Lý Nhân đã trở thành ngôi trường chất lượng cao, đào tạo, bồi dưỡng tài năng cho huyện nhà."
Nơi chắp cánh những ước mơ...
Tháng 10 năm 1997, sau khi tỉnh Hà Nam được tái lập 10 tháng, trường Năng khiếu huyện Lý Nhân được đổi tên thành trường THCS Nam Cao. Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, nhà trường luôn tự hào có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giàu tâm huyết, có ý thức trách nhiệm cao, có năng lực chuyên môn vững vàng, luôn chủ động, sáng tạo trong đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá. Trong nhiều năm qua, trường THCS Nam Cao luôn xếp thứ Nhất huyện và thứ Ba tỉnh về chất lượng thi vào lớp 10 THPT, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 các trường THPT Chuyên khá cao. Chất lượng học sinh giỏi luôn xếp thứ nhất huyện và xếp thứ hạng cao của tỉnh. Từ năm học 1997-1998 đến nay, nhà trường có 116 giải Nhất, 315 giải Nhì, 467 giải Ba, 373 giải Khuyến khích cấp tỉnh; 28 Huy chương Vàng, 56 huy chương Bạc, 65 huy chương Đồng, 75 Giải Khuyến Khích cấp Quốc gia.
Từ mái trường này, nhiều học trò đã trở thành những thầy giáo, cô giáo vừa hồng, vừa chuyên; hàng nghìn người trở thành cử nhân, thạc sỹ, Tiến sỹ... công tác và làm việc trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa xã hội, y khoa, báo chí, lực lượng vũ trang... Họ là niềm tự hào của tất cả các thế hệ thầy cô giáo những năm qua!
Cũng từ mái trường này, nhiều thầy cô giáo đã trở thành những nhà chính trị, nhà quản lý giỏi, như thầy giáo Nguyễn Đức Toàn, là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Phủ Lý; thầy giáo Phạm Anh Tuấn là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT; thầy giáo Ngô Thanh Tuân là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL; cô giáo Ngô Thị Xuân Hương là nguyên Hiệu trưởng trường THCS Liêm Chính, thành phố Phủ Lý; cô Vũ Thị Hợi, Đỗ Thị Thu Hà là nguyên Hiệu trưởng của nhà trường.
Chia sẻ niềm tự hào này, thầy giáo Phạm Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường THCS Nam Cao cho biết: Hiện nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó có 10% có trình độ Thạc sỹ. 100% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện; 62,5% cán bộ quản lý, giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, luôn đi đầu trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Phạm Tiến Dũng nói: “Khó khăn, gian khổ là thế nhưng thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường luôn đoàn kết gắn bó, yêu thương, quý trọng nhau, cùng nhau chia sẻ buồn vui, chung tay hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; cống hiến tâm sức cho sự nghiệp trồng người. Chất lượng giáo dục toàn diện, kết quả thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, kết quả thi vào THPT, vào các trường THPT chuyên trong và ngoài tỉnh những năm qua luôn được duy trì ở thứ hạng cao, là đơn vị dẫn đầu toàn huyện về chất lượng giáo dục toàn diện, luôn xếp thứ nhất huyện và thứ hạng cao trong tỉnh về chất lượng thi vào lớp 10 Trung học phổ thông, có nhiều em thi đỗ vào các trường THPT chuyên trong và ngoài tỉnh.”
Từ một mái trường nghèo nàn, thiếu thốn về mọi mặt, đến nay trường THCS Nam Cao đã khoác lên mình một diện mạo mới. Đó là một ngôi trường hiện đại, khang trang, xanh, sạch, đẹp với tổng diện tích khoảng 6000 m2, với 15 phòng chức năng, 18 lớp học, 6 phòng học bộ môn, nhà đa năng và nhà nội trú với đầy đủ trang thiết bị. Công tác xã hội hóa được huy động tốt tạo cho nhà trường có thêm nguồn lực để chủ động tu sửa trường lớp, trồng thêm cây xanh, mua sắm bảng, bàn ghế, các trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt cho hoạt động dạy và học của thầy và trò nhà trường.
Trường THCS Nam Cao đã được công nhận là Đơn vị văn hoá cấp tỉnh, Trường đạt chuẩn quốc gia, cấp độ 3 về chất lượng kiểm định giáo dục, liên tục được UBND tỉnh Hà Nam công nhận là Tập thể lao động xuất sắc và tặng cờ Thi đua xuất sắc, được tặng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, Bộ GDĐT, Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, trường vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm học 2022-2023, Trường được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, tặng Bằng khen, Bộ trưởng Bộ GDĐT tặng Bằng khen. Nhiều cán bộ, giáo viên được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Bộ trưởng Bộ GDĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đặc biệt, nhà giáo Vũ Đức Thắng, nhà giáo Vũ Thị Hợi, nhà giáo Đỗ Thị Thu Hà đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhà giáo Đỗ Thị Khánh Huệ được đề nghị công nhận là Nhà giáo ưu tú năm 2023.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.
Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.
Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.