Trước đây trong chế độ cũ có các ông đồ dạy học. Học trò được dạy, được rèn rất kỹ về lễ nghĩa, trong đó có lễ nghĩa với thầy dạy học: “Tiên học lễ, hậu học văn” là thế. Ngoài thể hiện ở cử chỉ, lời ăn tiếng nói, khi đến nhập học, học trò bao giờ cũng phải có “lễ”, dù ít hay nhiều, vừa để tỏ sự tôn kính với nghề dạy học, với thầy giáo, đồng thời cũng tỏ rõ sự nghiêm túc khi xin học. Thầy giáo sẽ dùng lễ này để thắp hương, cầu mong cho học trò học hành chăm chỉ, tấn tới. Ngày Tết nhất thiết học trò phải đến tết thầy. Dù đời sống kinh tế khi đó còn rất khó khăn, có những nhà kinh tế không dư dả vẫn cố tằn tiện cho con đi học, tuy nhiên việc tết thầy ngoài lời chúc bao giờ cũng vẫn phải có lễ, dù ít hay nhiều, thể hiện sự biết ơn, tri ân đối với người dạy dỗ mình. Khi nhà thầy có việc lớn học trò cũng phải biết để tự đến giúp các công việc như con cháu trong nhà. Học trò ngày xưa thường gọi “thầy” xưng “con” là vì thế. Học trò cũng phải thể hiện sự tôn kính thầy cô thông qua việc làm theo những điều đã được học, được thầy dạy bảo, sống có nhân nghĩa, cốt cách, có lòng yêu nước, hiếu kính ông bà, bố mẹ, yêu thương, có trách nhiệm với gia đình... Và không chỉ những người đi học mà cả xã hội đều tôn kính các thầy giáo, những người làm nghề dạy học.
Sau này, khi đất nước giành được độc lập, các trường học được mở ra khắp nơi, học sinh đến tuổi đều được tới trường, người dân có nhu cầu đều có thể học tập, nghề dạy học, các thầy cô giáo vẫn luôn được xã hội tôn kính. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý,…”. Học trò thể hiện sự tôn kính với thầy cô khi học tập ở trường, cũng như khi gặp ở ngoài nhà trường. Trước năm 1982 khi chưa có Ngày Nhà giáo Việt Nam, học trò vẫn đến thăm nhà thầy cô mỗi dịp tết đến xuân về. Những năm đó kinh tế còn khó khăn, cả lớp học trò đến chúc tết thầy cô có khi chỉ là hộp kẹo lạc, lại được mời ở lại ăn cơm, tình cảm thầy trò rất gắn kết. Ở ngoài đường, trong khu dân cư, mọi người dân gặp thầy cô giáo đều lễ phép “chào thầy”, “chào cô” dù không phải là học sinh. Cả xã hội vẫn luôn kính trọng các thầy cô giáo, coi các thầy cô giáo như những chuẩn mực đạo đức, tri thức trong xã hội.
Bây giờ kinh tế phát triển, nhà nhà người người đều có điều kiện quan tâm đến thầy cô. Nghề dạy học, các thầy cô giáo vẫn rất được tôn quý trong xã hội. Các hoạt động tri ân thầy cô thường được tổ chức ở tại trường học vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Gần đến ngày này học sinh các lớp thường chuẩn bị các tiết mục văn nghệ ca ngợi công lao của thầy cô, tình cảm với mái trường, tôn vinh nghề dạy học để thể hiện trong lễ kỷ niệm.
“Khi thầy viết bảng/ bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào/ rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào/vương trên tóc thầy/Em yêu phút giây này/Thầy em, tóc như bạc thêm/bạc thêm vì bụi phấn/để cho em bài học hay/Mai sau lớn, nên người/Làm sao, có thể nào quên?/Ngày xưa thầy dạy dỗ/ khi em tuổi còn thơ”(Bụi phấn-Vũ Hoàng). “Về lại trường xưa với bao kỷ niệm/Bóng dáng cô thầy vấn vương không rời/Một thời tuổi thơ trôi theo cánh phượng/Lời thầy cô vọng mãi.../Con nhớ cô thầy/Dìu dắt con nên người/Đưa con bay khắp phương trời/…” (Nhớ ơn thầy cô -Nguyễn Ngọc Thiện). “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa/Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy/để em đến bên bờ ước mơ/Rồi năm tháng sông dài gió mưa/Cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa/…”(Người thầy-Nhất Huy)…
Những câu hát tri ân, những lời ca thể hiện tình cảm sâu sắc, dạt dào của học trò với công lao trời biển của thầy cô mang đến một không khí đầy xúc động trong các lễ kỷ niệm 20/11. Các em còn có nhiều hoạt động tri ân khác ý nghĩa đến những người đã dạy dỗ mình nhân dịp này. Ngoài ra các lứa học sinh đã ra trường cũng nhân dịp 20/11 tổ chức họp lớp, về thăm lại trường xưa, thăm thầy cô,… Chuyện cô trò, thầy trò tíu tít không ngừng. Các bậc phụ huynh cũng đến tham dự các buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, hoặc đến thăm hỏi thầy cô tại nhà…
Đất nước bước vào hội nhập đã được mấy chục năm, đời sống xã hội đã có những thay đổi mạnh mẽ. Nhưng truyền thống “Tôn sư trọng đạo” về cơ bản vẫn được giữ vững. Các thầy cô giáo vẫn luôn được xã hội tôn trọng, nghề giáo vẫn luôn được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Nhà trường vẫn được coi là thành lũy về đạo đức. Và mỗi năm đến dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 khắp nơi lại tưng bừng diễn ra các hoạt động tri ân thầy cô, tôn vinh nghề giáo, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc.
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 10/4 đến ngày 12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội.
Từ ngày 21/4 các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi và đăng ký xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Năm nay, cả thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do thực hiện đăng ký theo hình thức trực tuyến trên hệ thống Quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội ( NHCSXH) tỉnh vừa tổ chức tổng kết công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2020 – 2025 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2025 - 2030
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.