Mỗi đơn vị tham gia chương trình có nội dung xuyên suốt bảo đảm 3 phần chính: Giới thiệu đội hình, tuyên truyền giới thiệu sách và năng khiếu. Các phần thi cần có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố nghệ thuật sân khấu, văn nghệ, cổ động trực quan với tuyên truyền giới thiệu sách. Thời lượng tham gia của mỗi đội không quá 25 phút. Mỗi phần thi chính có nhiều tiêu chí để chấm điểm xếp hạng. Các tiêu chí rất cụ thể, rõ ràng và có thang điểm để chấm bảo đảm sự công bằng trong đánh giá, trao giải. 6 đội thi của 6 huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện đúng yêu cầu và thể lệ của liên hoan. Các đội đều giới thiệu được nét đẹp nổi bật về địa phương nơi mình sinh sống; giới thiệu những hoạt động nổi bật của thư viện nơi mình đến đọc sách; giới thiệu đội hình tham gia liên hoan bằng các màn minh họa ấn tượng thông qua các loại hình nghệ thuật, như: ngâm thơ, ca hát, hò, vè, tiểu phẩm kết hợp với việc sử dụng hình ảnh, ánh sáng, nhạc minh họa hỗ trợ.
Phần giới thiệu sách là phần trọng tâm của mỗi đội. Theo kế hoạch chủ đề của Liên hoan rất rộng, các em có thể chọn bất kỳ cuốn sách nào mà mình thấy có ý nghĩa, muốn chia sẻ với mọi người, nhưng tại liên hoan cấp tỉnh lại yêu cầu các đội tập trung giới thiệu các cuốn sách viết về Bác Hồ kính yêu; truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; những tấm gương tiêu biểu trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc.
Theo chủ đề này, các đội đã có những tác phẩm, cụ thể: “Chuyện kể về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” của Đội Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách thành phố Phủ Lý; “Tuổi thơ dữ dội” của Đội Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách huyện Lý Nhân; “Búp sen xanh” của Đội Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách huyện Thanh Liêm; “Những người sống mãi” của Đội Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách huyện Kim Bảng; “Một thời hoa lửa” của Đội Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách huyện Bình Lục; “Bác Hồ viết di chúc và Di chúc Bác Hồ” của Đội Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách thị xã Duy Tiên. Đây đều là những cuốn sách có nội dung phù hợp với chủ đề. Các đội đã giới thiệu được hình thức, các yếu tố xuất bản của tài liệu (tên sách, tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, khổ sách, số trang, trình bày bìa…) và giới thiệu đúng các nội dung cơ bản, trọng tâm của cuốn sách. Để làm bật nội dung cuốn sách, đa phần các đội đều khai thác những chi tiết, câu nói, nhân vật, sự kiện đắt giá, hay và điển hình của tác phẩm.
“Búp sen xanh” là cuốn sách quen thuộc với nhiều bạn thiếu niên, nhi đồng và là tác phẩm hầu như đều có ở các thư viện trường học, cộng đồng. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về Nguyễn Tất Thành từ lúc lọt lòng đến khi Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước của nhà văn Sơn Tùng. Các tuyên truyền viên của huyện Thanh Liêm đã lấy câu nói của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nói với con mình lần cuối cùng khi Nguyễn Tất Thành đến từ biệt cha: “Con đừng gọi cha lúc này. Con phải gọi: Tổ quốc! Đồng bào! đi… đi con”. Và các bạn đã khéo léo khi liên hệ với câu nói của Nguyễn Phi Khanh khi chia tay con trai mình là Nguyễn Trãi: “Hãy cứu lấy nước”. Hay những câu nói đã trở thành chân lý một thời của những thanh niên yêu nước như Anh hùng Lý Tự Trọng: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Và lòng yêu quê hương, đất nước vô bờ bến của chị Võ Thị Sáu: “Không cần bịt mắt tôi hãy để đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các ngươi” – trích trong tác phẩm “Những người sống mãi” do Đội Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách huyện Kim Bảng thể hiện.
Điều đặc biệt là các tuyên truyền viên của các đội đều có khả năng thuyết trình tốt, giọng nói truyền cảm, cuốn hút và đều có năng khiếu ca hát, ngâm thơ đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Ở đây có thể kể đến em Nguyễn Thị Hòa (Kim Bảng), Hoàng Ngân Khánh và Trần Thanh Giang (Thanh Liêm), Nguyễn Nam Anh (Lý Nhân), Phạm Khánh Huyền (Phủ Lý)… Việc sử dụng các hình thức sân khấu hóa cũng được các đội chú trọng. Những hoạt cảnh, tiểu phẩm, đạo cụ trực quan được dàn dựng, sáng tạo đã tạo sự sinh động, kích thích phần thi của các đội. Thể hiện tốt có thể kể đến các đội Lý Nhân, Phủ Lý, Thanh Liêm. Có đội tự xây dựng kịch bản, đạo diễn, thiết kế sân khấu hóa, cũng có đội thuê người làm. Việc tự biên, tự diễn có thể chưa nhuần nhuyễn, nhưng riêng có đã tạo hiệu ứng hơn việc có biên đạo chuyên nghiệp nhưng kịch bản sử dụng cho nhiều loại hình ở nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan khác nhau lại vô tình gây phản tác dụng. Bên cạnh sử dụng các hình thức sân khấu hóa, việc sử dụng các hình ảnh mô phỏng cũng được các đội chọn lựa kỹ càng đã góp phần bổ trợ, nâng cao hiệu quả phần tuyên truyền giới thiệu sách.
Ngoài giải cá nhân nhất, nhì, ba cho 12 tuyên truyền viên xuất sắc, liên hoan năm nay còn có giải phong trào trao cho các đơn vị tổ chức liên hoan sâu rộng và đạt hiệu quả cao trên địa bàn. Các đội đạt giải phong trào: Lý Nhân, Kim Bảng và Phủ Lý. Giải thưởng năm nay cũng phong phú hơn với các giải chuyên đề: Giới thiệu sách hay nhất (Lý Nhân), phần thi năng khiếu xuất sắc (Phủ Lý), kịch bản tốt nhất (Thanh Liêm), giới thiệu đội hình ấn tượng nhất (Bình Lục), giải liên hệ hay nhất (Kim Bảng), ứng dụng công nghệ thông tin tốt nhất (Duy Tiên). Liên hoan năm nay cũng cho thấy sự đồng đều của các đội khi có 2 giải nhất: Đội Lý Nhân và Phủ Lý; 3 giải nhì: Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên và giải ba là đội Bình Lục.
Liên hoan đã diễn ra thành công, việc lựa chọn chủ đề như trên đã góp phần lan tỏa phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có các em học sinh. Những cuốn sách được các đội lựa chọn cũng chính là những cuốn sách dạy cho các em về lòng yêu nước, lòng biết ơn các Anh hùng, liệt sĩ đã cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, biết sống có mục đích, lý tưởng cao đẹp. Tuy nhiên, nếu chủ đề cởi mở hơn như kế hoạch ban đầu sẽ có nhiều cuốn sách hay mang những yếu tố nhân văn cao cả, cách sống tích cực và sự nhìn nhận của các em về cuộc sống hiện tại, phù hợp ước mơ của các em… sẽ được chia sẻ. Và điều đó cũng làm lan tỏa sâu rộng hơn nữa phong trào đọc sách cũng như phát triển văn hóa đọc trong chính các em và trong cộng đồng.
Ngày 21/11, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 79 Philemon Yang để trao đổi về các tiến trình quan trọng và ưu tiên sắp tới của ĐHĐ.
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.
Sau ổ dịch dại trên đàn chó tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm xảy ra năm 2015 và 1 ca bệnh dại làm 1 người chết tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục xảy ra năm 2016, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ổ dịch dại nhưng nguy cơ về bệnh dại luôn thường trực khi số lượng người phải tiêm phòng dại hằng năm đều cao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.