Sáng 1/9, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 nhưng Phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý vẫn tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, truyền thông, kiểm tra nhằm phòng, chống dịch (PCD) bệnh SXH. Hội Phụ nữ phường tổ chức tổng vệ sinh môi trường. Các cán bộ y tế, đoàn viên thanh niên thành lập đoàn kiểm tra tình hình PCD ở các hộ gia đình các khu vực có nguy cơ cao. Một số hộ gia đình vẫn để chum, vại nước không đậy nắp, các lốp xe cũ, xô chậu đọng nước mưa, đoàn nhắc nhở, yêu cầu phải có biện pháp xử lý ngay. Một số hộ trồng cây cảnh trong chậu nước có bọ gậy, cán bộ y tế đã đổ thuốc diệt muỗi, bọ gậy. Các thành viên trong đoàn cũng phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống SXH đến người dân.
Chị Nguyễn Thị Diên, Trưởng Trạm Y tế Phường Lương Khánh Thiện cho biết: địa phương từng có nhiều ổ dịch cũ năm trước nên năm nay phường rất chú ý công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các biện pháp PCD SXH ngay từ đầu mùa. Cán bộ Trạm Y tế thường xuyên chia nhau đi giám sát ổ dịch cũ, đẩy mạnh tuyên truyền trên nhóm zalo, trên loa truyền thanh của tổ dân phố và tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình.
Đối với tất cả các địa phương khác của Phủ Lý, đặc biệt là các phường nội thành công tác PCD SXH cũng được triển khai ngay từ đầu năm và tăng cường từ đầu mùa hè. Bà Lại Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) thành phố Phủ Lý cho biết, ngay từ đầu năm 2023, trung tâm chủ động tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch về PCD SXH, cuối tháng 6 tham mưu tổ chức chiến dịch “Diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh SXH”. Ngày 15/7 UBND thành phố tiếp tục có công văn chỉ đạo tăng cường thực hiện diệt muỗi, bọ gậy. Với TTYT thành phố, cùng với việc xây dựng kế hoạch PCD SXH, giám sát véc tơ SXH từ đầu năm, cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng tuyên truyền lưu động hưởng ứng ngày Asean phòng, chống SXH trong tháng 6. Cùng đó tuyên truyền trực tiếp về PCD SXH; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy; phối hợp giám sát véc tơ truyền bệnh SXH Dengue… Thành phố cũng kiện toàn Ban chỉ đạo PCD, đội PCD cơ động và đội xử lý môi trường.
Nhờ những biện pháp tích cực số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố giảm so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến hết ngày 31/8, Phủ Lý ghi nhận 32 ca mắc và nghi ngờ mắc SXH tại 14 phường, xã, thấp hơn so với năm ngoái, trong đó có 28 ca đã khỏi bệnh.
Bà Nga cũng cho biết, hiện tại TTYT thành phố phối hợp với Đảng ủy, UBND một số phường, xã tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp về công tác PCD SXH cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, trưởng các ban ngành đoàn thể, bí thư, tổ trưởng tổ dân phố nhằm cung cấp thông tin và cách PCD để tuyên truyền đến người dân.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam, từ đầu năm đến ngày 30/8 trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 93 trường hợp mắc/nghi mắc SXH, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm 2022 (355 trường hợp). Số ca mắc rải đều ở các huyện, thị, thành phố, trong đó nhiều nhất vẫn là thành phố Phủ Lý, tiếp đó là các huyện Lý Nhân, Bình Lục.
Trong tuần từ 24-30/8 toàn tỉnh ghi nhận 26 ca mắc/nghi mắc SXH (22 ca mắc nội địa và 04 ca ngoại lai), thành phố Phủ Lý 14 ca, huyện Lý Nhân 2 ca, huyện Bình Lục 4 ca, thị xã Duy Tiên 2 ca, huyện Kim Bảng 1 ca, huyện Thanh Liêm 3 ca. Số bệnh nhân đang điều trị 22 người. CDC Hà Nam đã phối hợp cùng các địa phương ghi nhận ca mắc/nghi mắc trong tuần điều tra tiền sử dịch tễ, điều tra véc tơ và thực hiện các biện pháp PCD theo quy định. Cụ thể phối hợp với TTYT Phủ Lý thực hiện điều tra giám sát bệnh nhân, giám sát véc tơ truyền bệnh tại một số địa phương thuộc địa bàn thành phố. Trung tâm đã tiến hành giám sát tại 90 hộ gia đình ở Tổ 10, Phường Hai Bà Trưng; Tổ 3, Phường Lê Hồng Phong; Tổ dân phố Hồng Phú, phường Thanh Châu. Qua giám sát không ghi nhận thêm bệnh nhân SXH tại các địa phương này, chưa bắt được, phát hiện được muỗi truyền bệnh. Tuy nhiên, bắt được nhiều ổ bọ gậy, trong đó có các ổ mang cả 2 loại véc tơ muỗi truyền bệnh SXH. Tại các địa phương này còn nhiều dụng cụ chứa nước chưa được lật úp hoặc đậy kín, nhiều phế thải đọng nước chưa được xử lý. CDC Hà Nam cũng giám sát tại khuôn viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam (bếp ăn, Khoa Bệnh truyền nhiễm, khu cấp nước bệnh viện…), kết quả không bắt được muỗi đậu nghỉ trong nhà, không ghi nhận dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Bệnh TCM, số mắc cộng dồn từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh là 47 trường hợp, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm 2022 (128 trường hợp), trong đó địa phương ghi nhận số ca nhiều nhất là huyện Lý Nhân 22 ca, huyện Bình Lục 11 ca, không ghi nhận ổ dịch tại nhà trẻ, cộng đồng. Trong tuần từ 24-30/8 toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc bệnh mới, tuy nhiên vẫn không thể chủ quan vì đã bắt đầu năm học mới, thời tiết vẫn rất thuận lợi để lây lan dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh SXH, TCM trên toàn quốc vẫn đang diễn biến phức tạp. Trên địa bàn tỉnh công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt là 2 dịch bệnh này vẫn tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh. Thời gian tới, CDC Hà Nam tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, kịp thời và xử lý các ca bệnh mắc, nghi ngờ mắc. Thực hiện giám sát véc tơ chủ động giám sát các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh truyền nhiễm… Cũng qua đợt giám sát vừa thực hiện CDC Hà Nam đề nghị TTYT Phủ Lý phối hợp với lực lượng chức năng Phường Lê Hồng Phong, Thanh Châu và Phường Hai Bà Trưng triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch SXH theo quy định như: giám sát ca bệnh, véc tơ; tuyên truyền phòng bệnh; thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy truyền bệnh SXH; phun hóa chất diệt muỗi...
Các trường học, đặc biệt là trường mầm non, lớp mầm non tư thục cần chú ý phòng, chống bệnh TCM khi khai giảng năm học mới trẻ bắt đầu đến trường. Lớp học, bàn ghế, các vật dụng, đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh, khử trùng để bảo đảm vệ sinh. Với trẻ phải theo dõi sát, khi phát hiện bị TCM cần đến cơ sở y tế khám để được điều trị đúng cách, hạn chế trẻ tiếp xúc với bạn để tránh lây lan. Đối với dịch SXH cần triệt tiêu các điều kiện để muỗi trú ngụ, sinh sản như lật úp, đậy kín hoặc thả cá tất cả các vật dụng chứa nước, vệ sinh nơi ở và các khu vực xung quanh sạch sẽ, phun thuốc diệt muỗi, tránh để muỗi đốt. Khi có dấu hiệu bị bệnh cần đến cơ sở y tế. Thời gian qua, nhiều bệnh nhân khi mắc SXH tự điều trị tại nhà, khi bệnh nặng mới vào bệnh viện dẫn đến việc điều trị khó khăn, kéo dài, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.