Chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi người có công, trong đó có vấn đề về nhà ở. Đây là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc. Những việc làm này không chỉ khẳng định sự trân trọng, biết ơn các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ…, mà còn là trách nhiệm, bổn phận của toàn xã hội trong việc bù đắp, xoa dịu những mất mát, hy sinh của người có công. Với việc đa dạng hóa các nguồn lực, thời gian qua, hàng nghìn ngôi nhà đã được xây dựng, tu sửa nâng cấp, tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người có công trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở” (gọi tắt là đề án) được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định 1157/2013/QĐ-UBND, Hà Nam có 7.171 hộ người có công được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg (gọi tắt là QĐ 22) về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Trong đó, 2.337 gia đình có nhu cầu xây mới, 4.834 hộ có nhu cầu sửa chữa. Tổng kinh phí hỗ trợ theo đề án trên 190 tỷ đồng, ngân sách địa phương chiếm 10%, 90% ngân sách Trung ương. Ngoài mức kinh phí này, tỉnh cũng khuyến khích cộng đồng, dòng họ giúp đỡ, gia đình tham gia đóng góp và các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể để hỗ trợ thêm cho gia đình người có công hoàn thành xây, sửa nhà đúng mục đích, bảo đảm chất lượng, phù hợp nhu cầu sử dụng. Theo Thông tư 09/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện QĐ 22, việc hỗ trợ người có công xây dựng nhà mới hoặc sửa chữa nhà phải bảo đảm yêu cầu có tuổi thọ từ 10 năm trở lên. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có gần 2.900 hộ người có công được hỗ trợ xây mới nhà ở, trên 3.200 hộ người có công được hỗ trợ sửa chữa nhà ở với số tiền trên 180 tỷ đồng theo đề án.
Ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH cho biết: Chính sách về nhà ở đã giúp cho nhiều hộ người có công có điều kiện vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ổn định. 100% số hộ người có công trên địa bàn tỉnh hiện có mức sống bằng và trên mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Xét cho cùng, mục tiêu của đề án nhằm nâng cao đời sống người có công, đến nay, mục tiêu đó đã được thực hiện đồng bộ trên cơ sở phát huy tinh thần, trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương.
Gần chục năm triển khai đề án trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, Hà Nam cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng, Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện đề án đã kịp thời chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện cho các địa phương triển khai hiệu quả và cơ bản hoàn thành kế hoạch hỗ trợ. Việc thống kê, rà soát đối tượng và mức độ hư hỏng được tiến hành theo đúng quy trình, hướng dẫn, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, nguồn vốn từ Trung ương cấp về chậm, nên ít nhiều đã làm cản trở tiến độ thực hiện đề án, mặc dù tỉnh đã chủ động tạm ứng nguồn ngân sách của địa phương để tổ chức thực hiện bảo đảm kế hoạch. Thí dụ, tại thời điểm khảo sát có nhiều hộ thuộc diện sửa chữa nhưng đợi đến khi thực hiện thì nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng buộc phải xây mới, vì thế, không ít địa phương đã điều chỉnh hình thức hỗ trợ từ sửa chữa sang xây mới làm phát sinh chi phí thực hiện, không đúng với dự toán ban đầu. Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, mặc dù trên thực tế có những vướng mắc nhất định, nhưng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng tiếp tục được khẳng định, đi vào đời sống, thấm vào lòng dân. Việc huy động các nguồn lực xã hội vào chăm sóc người có công với cách mạng được nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ.
Thời gian cuối thực hiện đề án giai đoạn 2013-2018, bà Phan Thị Thêu, vợ Liệt sỹ Trịnh Văn Cao, thôn Đồi Ngang, xã Thanh Lưu (Thanh Liêm) được hỗ trợ xây căn nhà mới. Trong ngày khánh thành căn nhà, không giấu được cảm xúc, bà nói: “Ở tuổi gần đất xa trời, điều kiện để có một căn nhà kiên cố, làm nơi thờ tự cho chồng, đối với tôi thật khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương, con cháu, họ hàng. Ngôi nhà mới đã mang đến đời sống vui vẻ cho tôi và các con cháu. Tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân và chính quyền địa phương rất nhiều”.
Còn với ông Trần Văn Tình, Đội 8A, phường Yên Nam (thị xã Duy Tiên), một bệnh binh đang hưởng chế độ chất độc da cam cũng là đối tượng được hỗ trợ xây nhà mới. Ông Tình chia sẻ: “Tôi xây dựng được căn nhà này là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, điều này đồng thời cũng khẳng định sự cống hiến, hy sinh của ông cha luôn luôn được trân trọng biết ơn và ghi nhớ”.
Những khó khăn, vướng mắc được tập trung giải quyết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Năm 2022, Hà Nam thực hiện rà soát nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại khoản 1 Điều 99 và khoản 1 Điều 102 Nghị định 131/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022. Theo Sở Xây dựng, toàn tỉnh có 2.704 hộ người có công cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở giai đoạn này, trong đó có 1.252 hộ cần hỗ trợ xây mới, 1.452 hộ cần hỗ trợ sửa chữa.
Theo ông Đặng Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, một trong những giải pháp mà nhiều năm qua ngành kiên trì tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện đó là, đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các tập thể, cá nhân, những nhà hảo tâm tham gia cùng với Nhà nước chăm lo tốt đời sống cho người có công với cách mạng. Thực tế những năm qua, nhiều hộ gia đình thuộc diện chính sách đã được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, với số tiền hỗ trợ lên tới hàng tỷ đồng. Qua đó chia sẻ gánh nặng đối với Nhà nước trong việc chăm sóc, phụng dưỡng người có công với cách mạng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Theo Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, Đề án hỗ trợ người có công về nhà ở hoàn thành vào tháng 12/2019, nhưng nhu cầu về nhà ở của nhiều hộ người có công vẫn còn. Vì thế, để tiếp tục hành trình tri ân người có công, hỗ trợ làm mới hay sửa chữa nhà ở cho các đối tượng người có công khó khăn về nhà ở rất cần sự chung tay của cộng đồng và toàn xã hội.
Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, các đơn vị lực lượng vũ trang đã tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội. Chương trình đã trở thành kênh hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt hiệu quả, thiết thực và giàu ý nghĩa. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh có 10 nhà được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 3 hỗ trợ xây mới với kinh phí 80 triệu đồng/nhà. Năm 2023, dự kiến có 4 nhà tiếp tục được các đơn vị quân đội hỗ trợ xây mới.
Một trong số người có công được nhận hỗ trợ xây dựng nhà ở năm nay là gia đình ông Trương Văn Huynh thôn 1 Chương Lương, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân. Ông Huynh tham gia chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn từ năm 1967, sau đó bị thương, nhiễm chất độc hóa học. Ông sinh được 5 con trai, trong đó có một người con bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc hóa học. Năm 2004, vợ ông qua đời, một mình ông chăm lo cho các con, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Ông ở trong căn nhà cấp 5 chật chội, hư hỏng nhiều hạng mục, nhưng không có điều kiện để sửa chữa hoặc xây mới.
Ông Huynh tâm sự: “Đầu năm 2023, nhà tôi nằm trong diện rà soát, xem xét hỗ trợ xây nhà, được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Nhân đề xuất với Tổng Cục Hậu cần hỗ trợ kinh phí 80 triệu đồng để xây dựng nhà mới. Cộng với số tiền gia đình được đền bù từ diện tích đất bị thu hồi để xây dựng khu đô thị Thái Hà, tôi đã đủ tiền để làm căn nhà có diện tích 72m2 khang trang. Hiện nay tôi đang chăm sóc con trai bị ảnh hưởng di chứng chất độc hóa học ở cùng. Có được căn nhà kiên cố này, tôi có thể yên tâm sống những tháng năm còn lại”.
Theo ông Đặng Văn Phong, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lý Nhân, ngoài 902 ngôi nhà được xây mới và sửa chữa cho người có công theo QĐ22 của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công, từ năm 2009 đến nay huyện Lý Nhân đã xây thêm được 164 căn nhà tình nghĩa cho các đối tượng này với tổng kinh phí huy động hỗ trợ gần 6 tỷ đồng, trong đó có 122 hộ người có công được hỗ trợ xây mới nhà ở, 42 hộ được hỗ trợ sửa nhà. Ông Đặng Văn Phong cho biết: “Xây dựng nhà tình nghĩa đã trở thành phong trào, có sức lan tỏa và đi vào đời sống xã hội ngày một sâu rộng hơn. Lý Nhân là huyện có số lượng người có công với cách mạng đông nhất tỉnh, nhiều năm qua, nhờ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây nhà tình nghĩa mà số lượng người có công với cách mạng được chăm lo về vật chất và tinh thần ngày một nâng cao. Kết quả này giúp địa phương thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống cho người có công vẫn cần được đẩy mạnh hơn, thường xuyên và thực chất hơn. Số lượng người có công với cách mạng càng ngày tuổi càng cao, sức yếu, sự bù đắp về vật chất và tinh thần của cộng đồng xã hội không chỉ động viên, an ủi các đối tượng chính sách, mà còn chia sẻ gánh nặng với Đảng và Nhà nước ta.
Ở Bình Lục, trong quá trình triển khai thực hiện QĐ22 của Chính phủ còn gặp những khó khăn, vướng mắc, cần có thời gian để giải quyết, tháo gỡ, các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng của huyện đã huy động nguồn lực từ cộng đồng để tiếp tục chăm lo đời sống cho người có công về nhà ở. 20 ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trong 5 năm qua với sự hỗ trợ của một doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi nhà được hỗ trợ 50 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Việt, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Lục chia sẻ: “Người có công gặp khó khăn về nhà ở, mong muốn được hỗ trợ xây mới và sửa chữa, nhưng với số tiền 40 triệu đồng cho xây mới, 20 triệu đồng cho sửa chữa, họ lại băn khoăn, không dám làm mới vì giá vật liệu xây dựng thời điểm này đang tăng cao. Cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt tinh thần, động viên đối tượng, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể chung tay, góp sức giúp họ hoàn thành. Còn rất nhiều hộ người có công khác trước không có trong danh sách hỗ trợ theo đề án, giờ nhà cửa xuống cấp, cần làm lại, nếu cứ trông chờ vào ngân sách thì rất khó để có thể sửa chữa, xây mới kịp thời, nên cần huy động xã hội hóa rộng rãi”.
Huy động sức mạnh cộng đồng, hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã và đang được thúc đẩy, từng bước cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện có hiệu quả chính sách người có công. Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công đang lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp trong xã hội, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.
Hội Truyền thống Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam ra đời và phát triển được gần 10 năm. Với ngót 4.000 hội viên, trong đó trên 700 người đang hưởng chính sách thương binh; gần 1.000 người hưởng chế độ chất độc da cam và hơn 1.000 thanh niên xung phong… Nhiều năm qua, toàn hội có nhiều người đã và đang được hưởng chế độ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhưng cũng có nhiều trường hợp chưa được hưởng đầy đủ các chế độ. Tuổi cao, sức yếu, đời sống gặp khó khăn, nhất là về nhà ở. Nhờ hoạt động của tổ chức hội, 60 hội viên đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng số tiền quyên góp hàng tỷ đồng.
Bà Tạ Thị Hoán, nguyên Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam cho biết: Các cấp hội đã tuyên truyền, vận động nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân ủng hộ kinh phí để xây nhà tình nghĩa cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Với sự ủng hộ của Trung ương hội, Câu lạc bộ Gia đình nữ doanh nhân Trường Sơn, Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hải Sơn TCT 86, cùng nhiều nhà hảo tâm khác, những hội viên khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ để xây mới, giúp họ an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.
Chỉ trong vòng 3 năm, sau khi giai đoạn 1 Đề án hỗ trợ người có công về nhà ở theo QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ kết thúc, thị xã Duy Tiên đã huy động được hơn 1 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng xây dựng 22 căn nhà tình nghĩa cho người có công. Theo Phòng LĐ – TB&XH thị xã, năm 2023 địa phương có 4 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo kênh này. Cứ mỗi dịp tổ chức kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ, chính quyền thị xã lại công bố công khai danh sách những gia đình thuộc diện được hỗ trợ và được mời lên nhận biển hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Thương binh Nguyễn Văn Tùy, thôn Trung Thượng, xã Tiên Sơn chia sẻ: “Tôi là một trong số những người có công được nhận hỗ trợ năm vừa rồi với mức hỗ trợ sửa nhà là 30 triệu đồng. Tuy khoản tiền không nhiều, nhưng là động lực giúp chúng tôi nỗ lực hoàn thành dự định của mình. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo chu đáo cho người có công, nhưng so với nhu cầu đời sống thì không thể nào đáp ứng được. Vì thế, sự chung tay, góp sức của cộng đồng mang lại sức mạnh to lớn để cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt chính sách người có công. Chúng tôi rất phấn khởi lắm và sẽ cố gắng sống tốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, vận động con cháu nỗ lực vươn lên; bản thân còn sức khỏe thì còn tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương”.
Từ thực tiễn Hà Nam cho thấy, nơi nào thực hiện tốt công tác xã hội hóa chăm sóc người có công, nơi đó có nhiều công trình, hoạt động thiết thực. Trong hàng nghìn căn nhà của người có công được xây mới và sửa chữa, nếu chỉ trông chờ vào số tiền ngân sách hỗ trợ, rất khó để các hộ gia đình người có công quyết định xây dựng nhà ở. Vì vậy cần có sự hỗ trợ về ngày công, về vật liệu, về tiền của từ các nguồn khác.
Thống kê của ngành LĐ,TB&XH tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có trên 135 nghìn đối tượng người có công với cách mạng, trong đó có hơn 20 nghìn trường hợp đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Để phấn đấu 100% gia đình người có công trên địa bàn tỉnh đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, Hà Nam cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách người có công, thúc đẩy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng”. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công không chỉ là việc làm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, là bổn phận của mỗi người dân trước sự cống hiến, hy sinh, mất mát của các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Nội dung: Chu Uyên.
Thiết kế: Đức Anh.
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.