Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06

Chuyển đổi số 18:49 12/07/2023 Nguyễn Khánh
Chiều 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) CĐS tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ CĐS tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên BCĐ CĐS tỉnh và Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: CĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan; là một việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực trí tuệ, thời gian và các điều kiện cần thiết khác. Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo, lãnh đạo và đưa CĐS vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để triển khai. Mục đích cuối cùng của CĐS là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển. Thời gian qua, nhiệm vụ này đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung báo cáo, thảo luận, đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, trung thực, có minh chứng bằng số liệu cụ thể, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn; phát hiện đúng các nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai CĐS quốc gia và Đề án 06; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn.

Các đại biểu chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã có mô hình, cách làm sáng tạo, phát huy hiệu quả như: Xây dựng nhận thức số, phát triển nguồn nhân lực số tại thành phố Đà Nẵng; Phát triển hạ tầng số tại tỉnh Quảng Ninh; Thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến - “Chiến dịch 92 ngày đêm” tại tỉnh Bình Phước; Triển khai “Trợ lý ảo” trong ngành Tòa án… Ước tính sơ bộ, tỉ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.

Về nhận thức số, 100% các bộ, ngành, địa phương đã thiết lập, thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về CĐS trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương. Một số địa phương đã ban hành và triển khai kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về CĐS năm 2023, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về hạ tầng số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Hà Nam.

CSDLQG về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư. Đã tiếp nhận tổng số 1.014.473.517 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Trong đó, số yêu cầu tra cứu, xác thực có thông tin đúng (100% trùng khớp các thông tin) với CSDLQG về dân cư là 604.825.046 yêu cầu; có thông tin sai lệch là 409.648.471 yêu cầu.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái)…

Về triển khai Đề án 06, Tổ Công tác triển khai Đề án của Chính phủ tập trung đôn đốc các bộ, ngành nhằm mục tiêu “xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống tội phạm”. Bộ Công an đã số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành Tư pháp, Lao động-Thương binh và Xã hội để cắt giảm các thủ tục hành chính. Với Ứng dụng định danh điện tử công dân (VNeID), người dân có thể tự tạo lập dữ liệu và đẩy về các bộ chuyên ngành xác thực, không cần đầu tư nhiều cho các bộ trong số hóa. Các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng ứng tham gia thực hiện với tỷ lệ cao, hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng.

Tại Hà Nam, việc thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia và Đề án 06 6 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả tích cực: thử nghiệm triển khai nền tảng Bản đồ số; cung cấp trên 95% dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 86,3%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 64,1%; thành lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn; 100s% doanh nghiệp của tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử; 99,7% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; triển khai 3 sàn thương mại điện tử, được trên 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia với 250 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 85,1%...

Hà Nam được ghi nhận là một trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước về hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; nhân lực số; có điểm đánh giá chung cao nhất theo số liệu xếp hạng theo thời gian thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tính đến 12h ngày 23/06/2023.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan, vì vậy cần đẩy mạnh thực hiện hơn nữa, vượt qua rào cản, vượt qua “điểm nghẽn”, tư duy bảo thủ và cần có đột phá hơn nữa. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức về CĐS; phải có tư duy đi trước, đón đầu, tiếp thu thành tựu thế giới và vận dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam.

Triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên đầu tư phát triển. Tập trung vào ưu tiên phát triển cơ sở dữ liệu – tài nguyên của đất nước; ưu tiên đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên phát triển nền tảng hạ tầng cho CĐS; ưu tiên bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin.

Việc thực hiện CĐS quốc gia nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng phải huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Trong việc thực hiện Đề án 06 cần tiếp tục bám sát mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”.

Nhiệm vụ CĐS phải tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân trong xây dựng CSDLQG, xây dựng hạ tầng số phải đồng bộ để tạo cảm hứng cho người dân và doanh nghiệp thực hiện. Đề cao vai trò của người đứng đầu trong thực hiện CĐS...

TIN MỚI CẬP NHẬT

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến các nội dung theo thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:20 22/11/2024

Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ về các dự án luật

Người đại biểu nhân dân  |  12:06 22/11/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Chính trị  |  09:31 22/11/2024

Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường của nhau.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC