Nâng hạng sản phẩm OCOP ở Duy Tiên

Ngành nghề nông thôn 06:09 15/07/2023 Phùng Thống
Sau 5 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nhiều sản phẩm đặc trưng của thị xã Duy Tiên được khách hàng trong và ngoài nước lựa chọn, tin dùng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc hỗ trợ kinh phí cho các gia đình, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu, các cơ sở còn thường xuyên cải tiến mẫu mã, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm thực phẩm, dược liệu; hàng lưu niệm, nội thất, trang trí; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn được thị trường ưa chuộng, điển hình, như: Bom đựng rượu gỗ sồi, khăn lụa thêu tay cao cấp, sữa chua nguyên kem, sữa bò tươi thanh trùng. Theo báo cáo của các địa phương, số lao động làm việc tại cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP tăng khoảng 10% và doanh thu tăng từ 10% - 30% so với trước đây. 

Qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, một số sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của thị xã đã được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hà Nam, như: Sữa chua Mộc Bắc của Công ty cổ phần Sữa và giống bò sữa Mộc Bắc; sữa chua nguyên kem, sữa bò tươi thanh trùng của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Mục Đồng và ô mai của Chi nhánh Công ty cổ phần Thực phẩm Mai Chi tại Hà Nam. Sữa chua nguyên kem của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Mục Đồng đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022.

Bà Trần Thị Thanh Thoan, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Nam (Hanamilk) cho biết: Với sản phẩm OCOP chúng tôi luôn cam kết thực hiện nghiêm túc “6 không” (không sử dụng cám công nghiệp, không hoocmon tăng trưởng, không thức ăn biến đổi gen, không tồn dư kháng sinh, không thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác, không chất bảo quản và hương liệu). Hanamilk tự hào bởi các sản phẩm đều sản xuất từ nguyên liệu sữa tươi nguyên chất. Vì vậy bên cạnh việc phục vụ thị trường Hà Nội, sản phẩm còn cung cấp cho 300 cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc. Hiện công ty có 23 lao động, trong đó 11 lao động thuộc đối tượng hộ nghèo với mức lương từ 5 – 17 triệu đồng/người/tháng.

Các sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh ở Duy Tiên hiện nay đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử http://postmart.vn của Bưu điện Việt Nam và tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm đã được hệ thống kênh phân phối lớn lựa chọn và đặt hàng với số lượng lớn về sản phẩm và hợp tác dài hạn. Các chủ thể tích cực tham gia các lớp tập huấn ứng dụng về chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá sản phẩm OCOP. Năm 2022, UBND tỉnh đánh giá phân hạng 13 sản phẩm của 5 chủ thể với nguồn vốn thực hiện chương trình là 870 triệu đồng, trong đó ngân sách tỉnh 320 triệu đồng, còn lại vốn của các chủ thể.

UBND thị xã Duy Tiên tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm. Ảnh: Đức Anh

Một trong những cơ sở quan trọng thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP ở Duy Tiên trước hết là các cấp, ngành của thị xã đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc nguyên liệu, giá trị sản phẩm, năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu phân phối, liên kết sản xuất, bảo vệ môi trường. Đồng thời, sử dụng năng lượng thân thiện, bền vững trong sản xuất; nguồn gốc, ý tưởng sản phẩm, bao bì ghi nhãn mác sản phẩm hàng hóa, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; sử dụng lao động, quảng bá sản phẩm. Các yếu tố tích hợp lên giá trị sản phẩm để UBND thị xã thống nhất đánh giá các sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Trên cơ sở đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về sản phẩm đặc trưng để đăng ký tham gia chương trình.

Đối với những sản phẩm đánh giá sơ bộ 4 sao, có tiềm năng trở thành sản phẩm 5 sao, đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với phòng kinh tế và chủ thể cập nhật đầy đủ hồ sơ vào hệ thống, bổ sung các tiêu chí. Qua đánh giá sơ bộ hiện nay trên địa bàn có thêm hai sản phẩm đạt 4 sao: khăn lụa thêu tay cao cấp và đèn lồng lụa của HTX Du lịch sinh thái, dệt lụa Hồng Tiến, thôn Nha Xá (xã Mộc Nam); 4 sản phẩm đạt 3 sao: bom đựng rượu gỗ sồi của hộ kinh doanh Lê Ngọc Hùng; bồn tắm cao cấp của hộ ông Lê Thế Điệp; chậu gỗ ngâm chân của hộ ông Phạm Công Tước (xã Tiên Sơn); bom đựng rượu gỗ sồi của hộ ông Nguyễn Trọng Thức (xã Yên Nam).

Tuy vậy, việc phát triển sản phẩm OCOP của thị xã vẫn còn những khó khăn, trước hết về hoạt động sản xuất chủ yếu ở khâu sơ chế, chế biến đơn giản; nguồn nguyên liệu không ổn định, mang tính thời vụ. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm tương đối cao, các chủ thể còn vướng ở khâu làm hồ sơ công nhận; thiếu vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Một số chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chưa quan tâm nhiều đến chương trình OCOP. Hơn nữa, đây là chương trình mới nên nhận thức của một số cán bộ, chủ thể còn hạn chế, chưa đầy đủ.

Ông Nguyễn Quý Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên cho biết: Năm 2023, Duy Tiên phấn đấu có thêm 41 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (trong đó: phát triển 15 sản phẩm mới của 3 tổ chức kinh tế, 9 hộ gia đình). Theo đó, thị xã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí về tem truy xuất nguồn gốc, in ấn bao bì, nhãn mác, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, nâng cấp sản phẩm OCOP đã được xếp hạng trong năm 2019, 2020, 2021 để nâng hạng sao trong các năm tiếp theo. Đặc biệt, với sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP cho đội ngũ cán bộ và vận động các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đăng ký tham gia. Năm nay kinh phí thực hiện Chương trình OCOP của thị xã Duy Tiên là 450 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 200 triệu đồng.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội LHPN Bình Lục đạt giải Ba toàn quốc Cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội”

Đoàn - Hội  |  12:53 19/05/2024

Chiều 18/5, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam long trọng tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tổ chức sinh hoạt hội” năm 2024.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy dự Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:50 19/05/2024

Sáng 19/5 (ngày 12/4 năm Giáp Thìn), chùa Tam Chúc trang trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 – Dương lịch 2024. Tới dự Đại lễ có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo một số Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện một số sở, ngành chức năng; Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam, cùng đông đảo các tăng, ni, phật tử và du khách thập phương.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động

Kinh tế  |  07:27 19/05/2024

Triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05), những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã căn cứ tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khối để ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trọng tâm hằng năm là việc tổ chức học tập chuyên đề, đăng ký làm theo Bác; triển khai xây dựng, duy trì có hiệu quả các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh tuyên truyền các gương điển hình về học và làm theo Bác trong toàn Đảng bộ Khối…

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC