Nâng cao Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền

E-MAGAZINE 05:59 12/07/2023 baohanam.com.vn

Nỗ lực cải thiện các chỉ tiêu cơ sở 

Chỉ số thành phần Tính năng động và tiên phong của chính quyền được đánh giá dựa trên kết quả thực hiện 9 chỉ tiêu cơ sở. Năm 2021, điểm số của nhiều chỉ tiêu cơ sở đạt điểm không cao khiến Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền giảm 0,38 điểm và hạ 31 bậc so với năm 2020. Đây là chỉ số giảm sâu nhất về thứ hạng, khiến cho kết quả Chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 không đạt so với mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với bình quân cả nước, như: Chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh (có 42% doanh nghiệp đồng ý, mức trung bình của cả nước là 36%); thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực (có 58% doanh nghiệp đồng ý, trong khi bình quân cả nước là 62%); chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán (có 47% doanh nghiệp đồng ý, trong khi bình quân cả nước là 53%)…

Theo ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, khi quyết định đầu tư vào đâu, các doanh nghiệp thường quan tâm tới 3 yếu tố chính là kỹ năng điều hành; hạ tầng và nguồn nhân lực; sự năng động của lãnh đạo địa phương. Vì vậy, việc Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền bị giảm điểm, tụt hạng sâu vào năm 2021 là điều đáng tiếc, có thể khiến doanh nghiệp giảm mức độ tin tưởng khi cân nhắc tiếp tục đầu tư mới hay đầu tư mở rộng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, năm 2022, các cấp chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện những chỉ số bị giảm điểm, giảm thứ hạng, trong đó có Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền với phương châm: Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ nhanh chóng, kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Cụ thể, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh để hạn chế việc người dân, doanh nghiệp đi lại, tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan hành chính. Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh nâng cao hiệu quả công tác cập nhật, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ liên quan đến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về dịch vụ điện, nước, hạ tầng giao thông, nguồn lao động.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xem xét, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; từng bước xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp thông qua việc cải cách hành chính và chuyển đổi số… Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã thực sự phát huy hiệu quả trong quá trình hoạt động; 100% các huyện, thị xã, thành phố và 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã duy trì thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tực hành chính. Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử tỉnh hiện đã cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tích hợp trên 70% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy chủ trì hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp FDI ngày 30.09.2022.

Với nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện, năm 2022, hầu hết các chỉ tiêu cơ sở trong Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền của tỉnh Hà Nam đều được cải thiện về điểm số và thứ hạng so với năm 2021. Nổi bật như, 45% doanh nghiệp được hỏi đánh giá các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc); 87% doanh nghiệp đánh giá UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố (tăng 17 bậc); 82% doanh nghiệp đánh giá UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc); 83% doanh nghiệp đánh giá các khó khăn, vướng mắc được lãnh đạo tỉnh tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc); 57% doanh nghiệp đánh giá chủ trương, chính sách của tỉnh đối với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định và nhất quán, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 36 bậc); 83% doanh nghiệp được hỏi tin tưởng rằng lãnh đạo tỉnh đã hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của mình, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố (tăng 13 bậc)…

Sự cải thiện mạnh mẽ trong thực hiện các chỉ tiêu cơ sở đã giúp cho Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền nằm trong nhóm 5 chỉ số thành phần của Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2022 tăng cả về điểm số và thứ hạng, đạt 6,88 điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 0,18 điểm và tăng 21 bậc so với năm 2021).

Còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

Trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số PCI thì Tính năng động và tiên phong của chính quyền là chỉ số có ý nghĩa quan trọng để đánh giá khả năng quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển; đồng thời đo lường tính sáng tạo của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách của Trung ương cũng như đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đánh giá khả năng hỗ trợ và linh hoạt trong áp dụng những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, sự tăng hay giảm của chỉ số này sẽ có tác động trực tiếp đến các chỉ số khác cũng như góp phần quyết định thứ hạng của Chỉ số PCI.

Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2022, trong thực hiện Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền, bên cạnh những yếu tố tích cực được doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hài lòng ở một số nội dung, khiến cho 3/9 chỉ tiêu cơ sở trong chỉ số đạt điểm thấp, đó là: 56% doanh nghiệp được hỏi đánh giá thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố (so với năm 2021, tỷ lệ này giảm 2%, hạ 7 bậc); 24% doanh nghiệp đánh giá phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách, văn bản Trung ương “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì”, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố (so với năm 2021, tỷ lệ này giảm 8%, hạ 5 bậc); 57% doanh nghiệp đánh giá chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố (so với năm 2021, tỷ lệ này tăng 15%, giảm 1 bậc).

Công ty TNHH Tứ Hải, xã Liêm Tiết (TP.Phủ Lý) đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền các cấp đối với hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Nhiều doanh nghiệp nhận định, mặc dù môi trường kinh doanh của tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua, nhưng chất lượng thực thi ở cấp huyện vẫn còn hạn chế, lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng chưa được thực hiện tốt ở cấp huyện. Bên cạnh đó, dù thống nhất quan điểm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân, nhưng các chính sách được đưa ra chưa làm hài lòng cộng đồng doanh nghiệp… Đây chính là những “điểm nghẽn” cần được nhìn nhận và cải thiện.

Thực tế từ kết quả xếp hạng Chỉ số PCI của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thứ hạng Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tăng mạnh trong năm 2022 và liên tục tăng ở giai đoạn 2014-2020.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, năm 2021 và năm 2014 là hai thời điểm đánh dấu mức sụt giảm sâu về điểm số của chỉ số này. Cụ thể, năm 2021, Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền giảm 0,38 điểm so với năm 2020 và năm 2014, chỉ số này giảm tới 0,86 điểm so với năm 2013. Thực tế này cho thấy, vẫn còn những điểm yếu trong tổ chức thực hiện cần được đánh giá, nhìn nhận chính xác để có giải pháp khắc phục nhằm duy trì sự ổn định, nâng cao hơn nữa thứ hạng của chỉ số qua từng năm.

Ngành công an đối thoại giải quyết các thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, một số nguyên nhân đã được các ngành chức năng phân tích, chỉ ra là bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực chung thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chưa có ý thức, tinh thần trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các ngành, địa phương trong giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chưa tốt. Công tác cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đạt so với yêu cầu, chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Việc công khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh chưa linh hoạt. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết các thủ tục hành chính liên thông cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn ít về số lượng; chất lượng tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả chưa cao; chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không nhiều. Việc rà soát, dự báo, tham mưu đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc, điểm chưa rõ trong cơ chế, chính sách cấp Trung ương của các sở, ban, ngành tại tỉnh còn bị động…

Cán bộ Sở Tư pháp tư vấn, giải đáp pháp luật cho người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Hân Hân

Từ những hạn chế được chỉ ra, để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thực hiện Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền cấp tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo, theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, điều cần làm trước tiên là cần đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động sáng tạo và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các sở, ngành, các địa phương cần nâng cao kỹ năng điều hành, tăng tính năng động, thể hiện rõ nét hơn mức độ thân thiện giữa chính quyền với doanh nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng điểm, tăng thứ hạng

Chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ hạng Chỉ số PCI tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025 xác định: Cải thiện Chỉ số PCI chính là cải thiện hình ảnh của Hà Nam về môi trường đầu tư, kinh doanh đối với cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu phấn đấu năm 2023, Chỉ số PCI của tỉnh sẽ tăng từ 6-8 bậc so với năm 2022. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp, như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng. Cùng với đó, tiếp tục duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng, trong đó có Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy tại buổi tiếp Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam ngài Hiroshi Kuroda tháng 6.2023.

Theo Văn phòng UBND tỉnh – đơn vị đầu mối, chủ trì thực hiện Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền, để nâng cao tính năng động của chính quyền, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động phát huy vai trò tham mưu với UBND tỉnh trong việc nắm bắt, tích cực xử lý những vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng đối thoại doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm các ý kiến kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp còn tồn đọng.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa theo thẩm quyền các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi gia nhập thị trường và thực hiện các quy định của Nhà nước. Duy trì tốt và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường cơ chế giám sát và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, đòi hỏi của cán bộ, công chức về các khoản chi phí không chính thức từ doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, thuế...

Cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND TP.Phủ Lý giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra tổ chức thực hiện, UBND tỉnh chỉ rõ trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh là tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, các văn bản pháp lý cần thiết đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách của tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả về nội dung, hình thức, mức độ tiện dụng của Cổng Thông tin điện tử tỉnh trong việc cung cấp thông tin và tương tác với doanh nghiệp; theo dõi, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước và chỉ đạo của UBND tỉnh, bảo đảm sự nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm; phát huy tính năng động, tiên phong, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong thực thi chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn, tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, để cải thiện Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền, sở sẽ chú trọng thực hiện tốt công tác tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, xây dựng tình cảm gắn kết, đồng hành giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn thi hành luật; thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 và những năm tiếp theo.

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là thước đo cho sự năng động, hiệu quả của các cấp chính quyền trong giải quyết các TTHC.

Tin tưởng rằng, trên cơ sở chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể trong tổ chức triển khai, năm 2023 và những năm tiếp theo, Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền của tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục được duy trì, cải thiện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng dần thứ hạng của tỉnh Hà Nam trên bảng xếp hạng Chỉ số PCI.

Nội dung: Nguyễn Oanh

Thiết kế: Đức Anh.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch

Du lịch  |  10:46 24/11/2024

Du lịch Hà Nam đang có những chuyển biến tích cực với lượng khách và doanh thu tăng trưởng cao. Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành chức năng của Hà Nam định hướng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Để làm được điều này, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại chỗ là việc quan trọng, cấp thiết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia

Chính trị  |  05:59 24/11/2024

Chiều 23/11, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Campuchia, trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có buổi gặp gỡ, trò chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia.

Tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao

Trong tỉnh  |  05:43 24/11/2024

Nhằm giúp hội viên người khuyết tật (NKT) tự tin, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, Hội NKT tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ NKT hòa nhập với cộng đồng, trong đó chú trọng tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao (TDTT).

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC