Nhớ về quãng thời gian trực tiếp tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, các cựu “Chiến sĩ Điện Biên” giờ không còn nhớ được tường tận chi tiết từng trận đánh, nhưng những cảm xúc về những năm tháng ác liệt ấy như vẫn còn vẹn nguyên. CCB Nguyễn Ngọc Bích, Tổ 2, Phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) bồi hồi, xúc động khi nhắc nhớ về thời kỳ tham gia chiến dịch. Xúc động vì ông đã tham gia trọn vẹn Chiến dịch Điện Biên Phủ và chứng kiến sự khốc liệt, đổ máu của đồng chí, đồng đội để có được chiến thắng vĩ đại. Và ông cũng được sống trong giây phút vỡ oà cảm xúc vui sướng trước sự đầu hàng của quân địch. Được sống và trở về trong hòa bình, hạnh phúc với ông là một điều may mắn, kỳ diệu biết bao. Bởi ông đã từng bị bom vùi, đạn lạc, rồi những hiểm nguy đe dọa trên quãng đường trường gian khó. Biết bao kỷ niệm về một thời oanh liệt như dần được tái hiện trong tâm thức.
Ông nhớ lại: Đầu năm 1953, ông được đơn vị cử đi đào tạo lái xe ở Trung Quốc, sau đó trở về nhận nhiệm vụ lái xe chở hàng hóa, vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi về nước từ biên giới Cao Bằng, xuôi Bắc Kạn rồi xuyên sang Điện Biên chở theo bao loại trang thiết bị vũ khí, qua bao đèo cao, vực sâu hiểm trở nhưng với sự quyết tâm của người lính, ông cùng đồng đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy gian nan, vất vả, nhưng ông thấy mình thật vinh dự vì được giao trọng trách lái những chiếc xe ô tô phục vụ chiến dịch. Thời đó đất nước khó khăn, bộ đội ta còn phải hành quân bộ, mà ông được lái xe ô tô là tự hào lắm. Ông coi chiếc xe như là báu vật vậy. Đội vận chuyển của ông phục vụ ở cung đường cuối cùng (cung đường phục vụ trực tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ). Đây là cung đường khó khăn nhất bởi máy bay địch ngày đêm quần thảo, oanh tạc nhằm chặn đường chi viện cho tiền tuyến. Nếu để chúng phát hiện thì mất mát hy sinh là vô cùng to lớn. Chính vì vậy, đoàn xe của ông đều phải đi vào ban đêm mà không được bật đèn pha, chỉ đi bằng đèn gầm. Ban ngày nếu trời sương mù mới được đi, còn không phải giấu xe thật kín trong rừng, tránh để địch phát hiện.
Về phía địch, thực dân Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Ngoài ra, đế quốc Mỹ còn tăng cường viện trợ cho Pháp hàng trăm máy bay chiến đấu, máy bay vận tải và hàng loạt trang bị vũ khí hiện đại. Quân địch điên cuồng chống trả. Những đoàn xe tải trực tiếp làm nhiệm vụ chở vũ khí, đạn dược cung cấp cho chiến dịch không ít lần gặp hiểm nguy bởi bom đạn của địch dội xuống như trút. Nhưng với quyết tâm chiến đấu, những chiến sĩ lái xe đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, tất cả cho tiền tuyến, ngày đêm tranh thủ vận chuyển nhanh nhất những chuyến hàng, vũ khí tới chiến trường nhằm bảo đảm kịp thời đạn dược, lương thực, thực phẩm cho bộ đội ta chiến đấu.
Ông còn nhớ có lần địch đánh bom tọa độ ban đêm, xe của ông bị đất đá vùi kín, cửa kính vỡ vụn, ông bị sức ép của bom ngất lịm. May mắn được đồng đội bới đất đá đưa ra ngoài an toàn và gửi về hậu phương nhờ bà con chăm sóc. Rồi có những lần xe qua cầu, phía dưới là suối sâu, gặp sự cố bất ngờ, ông đã nhanh trí cứu xe, cứu người. Nếu không xử lý kịp chiếc xe chở hàng tấn vũ khí đạn dược có thể lật xuống suối, thiệt hại thật khôn lường. Sau sự việc ấy ông được cấp trên khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
Trải qua bao hy sinh, gian khổ nhưng những người lính vẫn ngày đêm chiến đấu, quyết tâm chiến thắng kẻ thù. Và giờ phút chiến thắng đã đến. Ông Nguyễn Ngọc Bích còn nhớ như in giây phút nghe tin địch đầu hàng. Mừng vui đến rơi nước mắt, bộ đội ôm nhau hò reo, vậy là chiến thắng đã thuộc về ta. Lúc này, đơn vị ông tiếp tục làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường, rồi trở về tiếp quản Thủ đô, nhận nhiệm vụ mới.
Sau này ông Nguyễn Ngọc Bích tiếp tục được điều động làm nhiệm vụ phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rồi chuyển ngành về địa phương công tác.
Với CCB Nguyễn Đình Hiếu (xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý) mỗi khi nhắc về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ông lại như được sống lại một thời hào hùng. Trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đơn vị của ông thuộc Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) – một đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Vào khoảng đầu năm 1954, Đại đoàn 308 nhận lệnh khẩn trương bao vây quân địch ở Điện Biên Phủ. Đơn vị ông và một số đơn vị khác khẩn trương làm nhiệm vụ mở rộng đường Tuần Giáo – Điện Biên, đồng thời mở gấp một con đường quân sự cho pháo 105 ly cơ động vào chiếm lĩnh trận địa đánh Điện Biên Phủ. Chỉ bằng những thiết bị thô sơ nên việc mở đường quân sự gặp rất nhiều khó khăn bởi địa hình đồi núi đèo dốc. Nhưng với sự đoàn kết, hợp lực của những chiến sĩ kiên cường, con đường đã được mở cho các loại pháo vào trận địa. Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, Đại đoàn 308 tiến công đồi Độc Lập – một trung tâm mạnh của địch thuộc phân khu phía Bắc. Địch chống trả quyết liệt nhưng quân ta nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa. Quân địch hoảng sợ rút lui. Sau khi đập nát tấm lá chắn phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân ta nhanh chóng tiếp cận, bao vây địch, tiến công trên các hướng. Bom đạn như trút, song các chiến sĩ Điện Biên vẫn kiên cường chiến đấu. Đến trưa ngày 7/5, quân ta hầu như đã làm chủ trận địa, đánh thẳng vào sở chỉ huy địch ở Mường Thanh. Đúng 17 giờ 30 phút, quân ta đánh chiếm sở chỉ huy của địch, bắt sống tướng Đờ-Cát cùng tàn quân địch. Sau 55 ngày đêm chiến đấu khốc liệt, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn.
Trở về trong niềm vui chiến thắng, những người lính – chiến sĩ Điện Biên mừng vui trước sự đón chào nồng nhiệt của nhân dân các địa phương và Thủ đô Hà Nội.
Với những cống hiến, đóng góp trong chiến đấu, các CCB – chiến sĩ Điện Biên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại. Đặc biệt, một kỷ vật mà các CCB luôn lưu giữ và trân trọng đó là Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên”. Chiếc huy hiệu là minh chứng cho một thời chiến đấu oanh liệt, hào hùng và là kỷ vật thiêng liêng của người lính. Điều đó còn lưu giữ và nhắc nhở lớp cháu con tiếp nối truyền thống cha ông trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.