Phù Vân - Một thời đạn bom, một thời hòa bình

Quê hương núi Đọi sông Châu 06:12 29/04/2023 Đỗ Hồng
Với vị trí chiến lược quan trọng, thị xã Hà Nam xưa (nay là thành phố Phủ Lý) là một trong những trọng điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất khi Mỹ quay trở lại ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Phù Vân chia lửa, đồng cam cộng khổ, anh dũng kiên cường, cùng với Lam Hạ trở thành một trong những khu vực trọng yếu của các trận địa pháo phòng không bảo vệ thị xã. Chiến tranh kết thúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phù Vân tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Một vùng nông thôn mới ngoại thành với nông nghiệp khởi sắc, cây lúa, hoa, cây cảnh, rau màu cho giá trị kinh tế cao, thương mại dịch vụ phát triển, hiện đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống làng quê đã và đang ngày càng khẳng định vị thế, là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Một thời đạn bom anh dũng, kiên cường

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã lùi xa, người nữ pháo thủ Nguyễn Thị Khải 17 tuổi năm nào nay đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn không thể quên những ngày đạn bom khốc liệt ấy. Bà Nguyễn Thị Khải nhớ lại trận phối hợp chiến đấu ngày 30/5/1967. Khi đó cô dân quân pháo thủ Nguyễn Thị Khải làm nhiệm vụ chuyển đạn, cứu thương, sẵn sàng lên mâm pháo thay thế pháo thủ nếu chiến sỹ bị thương, hy sinh. Đang làm nhiệm vụ cô bị thương vào ngực, một tay ấn vào chỗ vết thương, cô vẫn chuyển đạn đến các ụ pháo, tiếp tục chiến đấu, không rời trận địa. Địch đánh 2 loạt đạn nữa mới ngừng, khi ấy cô mới được đưa vào bệnh viện. Sau khi từ bệnh viện về, không cần thời gian dưỡng thương cô lại ra trận địa ngay.

Những năm đế quốc Mỹ điên cuồng dùng không quân ném bom, bắn phá miền Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Phù Vân tập trung tăng cường sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến; phát động chiến tranh nhân dân với phương châm lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, ổn định đời sống nhân dân. Ngay từ đầu năm 1965, Đảng bộ xã Phù Vân đã tiến hành phát động toàn dân chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đánh trả các trận không kích của đế quốc Mỹ, như: làm hầm đào giao thông hào, xây dựng làng chiến đấu, trồng cây ngụy trang... Nhân dân tự làm mũ rơm, lá chắn, tổ chức lực lượng tự cứu giúp nhau khi bị đánh phá. Cùng với đó, tổ chức huấn luyện cho dân quân biết tự băng bó vết thương thường. Lực lượng dân quân tổ chức trực chiến và tuần tra canh gác theo phương án phòng thủ, canh gác máy bay ở 6 vọng gác, có báo động liên hoàn. Trong những năm giặc Mỹ quay trở lại ném bom miền Bắc, có 15 trận địa pháo từ 37 ly đến 100 ly được xây dựng ở 15 xứ đồng của xã.

Trước các trận ném bom dồn dập của không quân Mỹ, quân dân địa phương đã cùng bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt. Ví dụ như trận đánh lúc 11 giờ ngày 14/7/1966, nhiều tốp máy bay tới đánh phá thị xã, Phù Vân là nơi chúng cắt bom đầu tiên. Đang tay cuốc, tay xẻng trên cánh đồng làm thủy lợi, anh chị em dân quân, trong đó có 8 cô gái thuộc Trung đội nữ pháo thủ gồm các cô: Kính, Lịch, Dung, Cám, Bảo, Tuân, Lợi, Xuân nhanh chóng về vị trí chiến đấu. Trên quãng đường 2 km về trận địa, bom đạn mù trời, đường sá bị cày xới, địch đánh vào đội hình 3 lần nhưng các cô không lùi bước. Cầu phao qua sông bị cắt đứt do trúng tên lửa, rốc két, đạn 20 ly cắt đứt, pháo thủ số 3 Trần Thị Xuân đã nhanh trí rút những cây bương còn lại ở các nhịp nối lại với nhau để vào vị trí chiến đấu, các nữ dân quân nhanh chóng vào vị trí thay thế 4 pháo thủ bị thương, 4 cô khác làm nhiệm vụ cứu thương. Cách trận địa gần 200m, một đơn vị pháo hành quân qua bị trúng bom, nhiều chiến sỹ bị thương và hy sinh, trung đội đã ở lại tham gia cấp cứu cho 24 thương binh và làm công tác tử sỹ.

Trận chiến đấu phối hợp này lực lượng phòng không của ta đã bắn rơi một máy bay Mỹ, bảo vệ được cầu Phủ Lý. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, phối hợp chiến đấu tốt của trung đội đã được cấp trên biểu dương... Hoặc như trận đánh mờ sáng ngày 1/10/1966, anh chị em dân quân vừa đi sản xuất ban đêm về, đang chuẩn bị ăn cơm thì kẻng báo động vang lên. Máy bay Mỹ lao đến cắt bom bừa bãi vào các thôn, các mục tiêu, nhiều nhà dân đổ nát, bốc cháy, trung đội nữ cùng anh em dân quân nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Địch đánh phá rất ác liệt, có tính chất dứt điểm, hủy diệt thị xã, làng mạc, các mục tiêu. Nhà đồng chí Trần Thị Kính bị bom đánh sập, đơn vị cho về nhưng đã xin ở lại chiến đấu. Đồng chí Kính cùng với đồng chí Xuân được Đảng bộ ghi nhận và tổ chức kết nạp Đảng ngay tại trận địa…

Năm 1966, lực lượng vũ trang của xã có 557 đồng chí, trong đó có 121 du kích, 116 dân quân biên chế thành 16 trung đội (5 trung đội nam, 6 trung đội nữ). Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, dân quân xã Phù Vân đã được Tỉnh đội, Huyện đội biểu dương, trong đó trung đội nữ dân quân được nhận danh hiệu đơn vị lá cờ đầu. Trong chiến tranh phá hoại lần thứ hai (1972), lực lượng dân quân xã đã cơ động chiến đấu, đón lõng đường bay của địch, bảo vệ mục tiêu. Tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân Phù Vân đã góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân về nước. Đặc biệt, tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường ấy đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Làng lúa, làng hoa

Hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Phù Vân tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Những ngày tháng tư lịch sử này, đi trên những con đường trải nhựa rộng thênh thang bao bọc xóm làng thấy làng quê Phù Vân thật trù phú, hiện đại với những ngôi nhà cao tầng, biệt thự khang trang, những cánh đồng lúa, rau màu xanh mướt, những ruộng hoa rực rỡ sắc màu, những nhà vườn với nhiều cây cảnh giá trị. Những trận địa pháo năm nào đã gần như không còn dấu tích mà đều được phủ một màu xanh. Người dân Phù Vân chăm chỉ, cần cù, sáng tạo phát triển thương hiệu làng hoa, cây cảnh, vùng rau màu, mang lại nguồn thu lớn từ ruộng đồng.

Làng hoa Phù Vân ngày nay. Ảnh: Yên Chính

Đồng chí Trần Văn Tiên, Bí thư Đảng ủy xã Phù Vân cho biết, trong tổng diện tích đất canh tác, một phần cấy lúa, phần lớn còn lại trồng hoa, cây cảnh và rau màu các loại cho giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 đạt gần 585 triệu đồng/ha. Có những diện tích trồng đào, quất phục vụ Tết thu đến 1,2 tỷ đồng/ha... Thương mại, dịch vụ phát triển mạnh. Năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của xã đạt 165 tỷ đồng. Ngoài nông nghiệp, kinh doanh buôn bán, người dân Phù Vân còn làm nhiều nghề phụ cho thu nhập khá. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn thực sự khởi sắc. Năm 2020 Phù Vân đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và hiện tiếp tục nâng cao các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy Trần Văn Tiên, thời gian tới Phù Vân tiếp tục mục tiêu xây dựng thành vùng sinh thái. Diện tích trồng lúa, hoa, cây màu sẽ được giữ nguyên để tạo điểm nhấn, nét đặc trưng làng quê. Hệ thống giao thông tiếp tục được cải tạo, hoàn thiện, mở rộng. Đẩy mạnh sản xuất lúa, hoa, rau màu hàng hóa nhằm mang lại nguồn thu lớn cho người dân, đồng thời tạo quang cảnh làng quê, thu hút khách du lịch đến với Phù Vân.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC