Theo lời kể của CCB Lê Anh Đếnh, tháng 12/1967, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bác tình nguyện lên đường nhập ngũ khi mới 18 tuổi. Sau khi tham gia huấn luyện 3 tháng ở Sư đoàn 320 tại Ninh Bình, bác Đếnh cùng đơn vị hành quân bộ hơn một tháng vượt Trường Sơn vào bổ sung cho chiến trường Quảng Trị. Ở Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, bác Đếnh được phân công nhiệm vụ học thông tin vô tuyến, vừa học vừa làm và gắn bó với nhiệm vụ này suốt thời gian trong quân ngũ. Đưa cho chúng tôi xem tờ giấy chứng nhận tham gia 4 chiến dịch: Từ ngày 18/3 đến 15/6 năm 1968 tại Quảng Trị; từ ngày 28/2 đến 30/12 năm 1972 tại Quảng Trị; từ ngày 1/1 đến 13/4 năm 1975 tại Quảng Đà; từ ngày 13/4 đến 30/4 năm 1975 tại Sài Gòn, bác Đếnh cho biết: Với nỗ lực quyết tâm cao trong thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm thông tin luôn “Kịp thời – Bí mật - Chính xác – An toàn” giữa Chỉ huy Trung đoàn với Chỉ huy các Tiểu đoàn, chiến dịch nào tôi cũng được tặng Giấy khen, Bằng khen.
Vuốt phẳng tấm Bằng khen: “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, ký ngày 19/5/1975, bác Đếnh bồi hồi nhớ lại: Sáng ngày 30/4, khi đoàn quân tiến vào Sài Gòn, người dân đã tràn ra đường rất đông. Mọi người hân hoan cầm cờ vẫy chào Quân Giải phóng. Tầm hơn 10 giờ, chúng tôi đã có mặt tại Dinh Độc Lập. Khi chúng tôi vào đến nơi, Tổng thống Dương Văn Minh và nội các đang ngồi trong phòng. Với tôi, thời khắc được chứng kiến Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, được chứng kiến lực lượng của ta áp giải Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng trên hệ thống phát thanh cả nước, là thời khắc lịch sử vô cùng thiêng liêng, đầy tự hào, luôn vẹn nguyên trong ký ức. Đặc biệt, khi nghe Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài Phát thanh, cảm xúc sung sướng, hạnh phúc ngập tràn trong lòng. Chúng tôi chạy ra hành lang Dinh Độc Lập cùng phất cao cờ Giải phóng trong niềm tự hào và vui sướng vô bờ. Ngày 1/5/1975, anh em trong đơn vị được nghỉ ngơi, sau đó tập duyệt đội ngũ. Hơn 10 ngày sau, chúng tôi vinh dự được tham gia lễ duyệt binh mừng chiến thắng – mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam Bắc thống nhất một nhà.
Khi được hỏi về những kỷ niệm sâu đậm nhất trong cuộc đời binh nghiệp, giọng bác Đếnh chợt chùng xuống: Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi kỷ niệm vui có, kỷ niệm buồn cũng có. Kỷ niệm buồn đó là biết bao đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng ngã xuống trong các trận chiến đấu vô cùng ác liệt với kẻ thù. Mất mát đó to lớn và đau xót vô cùng. Còn niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất, đó là ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông từ đây liền một dải. Với người lính chúng tôi, không có gì vui và hạnh phúc nào hơn.
Được biết, hiện nay, tuy tuổi cao, nhiều CCB sức khỏe yếu nhưng hằng năm bác Đếnh cùng đồng đội xưa vẫn tổ chức gặp mặt, cùng ôn lại kỷ niệm xưa, động viên nhau giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu gương sáng trong cuộc sống đời thường.
Cùng chúng tôi ngồi lắng nghe bác Đếnh kể chuyện xưa, đồng chí Trần Văn Việt, Chủ tịch Hội CCB xã Đức Lý cho biết: Hội CCB xã Đức Lý rất tự hào có một số hội viên tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó có bác Đếnh. Từ khi về nghỉ hưu tại quê hương bác Đếnh luôn nhiệt tình tham gia các phong trào do địa phương phát động, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Bác Đếnh là hội viên CCB gương mẫu, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động vì cuộc sống cộng đồng, được nhiều người yêu mến và tin tưởng.
Khi chia tay, bác Đếnh nói với chúng tôi: Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đơn vị chúng tôi đã được mời về thăm lại chiến trường xưa, được dự bữa cơm thân mật tại Dinh Độc Lập. Rất tiếc, lần đó do sức khỏe yếu tôi không tham gia được. Năm 2025 là năm kỷ niệm 50 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thời gian từ nay đến đó còn dài nhưng chúng tôi đang cùng nhau bàn và lên kế hoạch cho ngày kỷ niệm trọng đại đó. Từ khi rời quân ngũ đến nay, tôi chưa có dịp được về thăm lại chiến trường xưa. Nếu sức khỏe và điều kiện cho phép, năm 2025 tôi mong được một lần trở lại chiến trường xưa, được thăm Dinh Độc Lập, được cùng đồng đội tự hào nhớ và ôn lại thời khắc lịch sử vô cùng trọng đại của cả dân tộc, thời khắc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, thời khắc miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất một nhà.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.
Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.
Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.